Những bức họa miêu tả cuộc sống đời thường trong nhiều ngôi đền Ai Cập cổ đã cho thấy ‘đấng mày râu’ xứ này cũng thường hay trang điểm. Trên thực tế, hầu như không thể tìm được một bức chân dung của người Ai Cập cổ đại, bất kể là nam hay nữ, mà đôi mắt không được trang điểm.
Trong tất cả các thời kỳ và triều đại, việc trang điểm mắt đã trở thành một công việc thường nhật cho cả người nam lẫn người nữ. Tại sao nam giới thời Ai Cập cổ đại cũng trang điểm mắt? Thật sự, có một vài lý do đằng sau.
Kỹ thuật trang điểm mắt cực kỳ công phu của người Ai Cập cổ đại đã bắt nguồn từ rất sớm, vào khoảng 4000 năm TCN. Các dụng cụ trang điểm mắt (bảng đánh màu mắt, miếng nghiền phấn, và bông thoa phấn) đã được tìm thấy trong những ngôi mộ sớm nhất của giai đoạn Tiền Triều đại (3100 – 2686 TCN). Chúng dường như là những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống ở thế giới bên kia của người Ai Cập cổ.
Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng nhiều loại mỹ phẩm như phấn bôi mắt, son đỏ và tinh dầu nước hoa giúp da mềm mại, bảo vệ làn da khỏi bị cháy nắng và thương tổn từ gió cát sa mạc. Không chỉ cả người nam lẫn người nữ ở Ai Cập cổ đại đều trang điểm mà ngay cả những bức tượng nam thần và nữ thần cũng được tô điểm bằng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Một người có địa vị xã hội càng cao, thì sẽ mặc càng nhiều phục sức và trang điểm càng nhiều.
Bột khoáng vật Galena (Chì Sunfat – PbS) có tính năng khử trùng và xua đuổi ruồi nhặng. Nó cũng được cho là có tác dụng bảo vệ đôi mắt trước ánh nắng Mặt Trời.
Nguyên liệu làm mỹ phẩm của người Ai Cập cổ đại
Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng phấn côn – hỗn hợp bồ hóng và khoáng chất galena – để tạo màu đen trong trang điểm mắt. Loại màu này rất được ưa chuộng trong thời kỳ Tân Vương quốc.
Để tạo màu xanh lục trong trang điểm mắt, người Ai Cập cổ đại đã viện đến loại đá lông công (malachit, một loại khoáng vật chứa đồng có kí hiệu hóa học là CuCO3.Cu(OH)2..
Màu đỏ son là chất màu được chế tạo từ đất sét đỏ tự nhiên: sắt oxit ngậm nước. Để làm màu đỏ son, đầu tiên đất sét được khai thác từ đất, rửa kỹ để lọc bỏ cát rồi đem đi phơi nắng cho khô; thỉnh thoảng đất sẽ được hun nóng để tăng cường độ đậm cho sắc đỏ.
Chì kẻ phấn côn có ý nghĩa thực tiễn cũng như tâm linh. Nó được cho là có thể đuổi ruồi, bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời và phòng chống nhiễm trùng. Người ta dùng một một que nhỏ để thoa phấn côn lên mắt. Cả mí mắt trên và dưới đều sẽ được kẻ mắt, và đường kẻ này sẽ vượt quá đuôi mắt, kéo dài ra tận phía trước thái dương. Lông mày được tô màu đen. Màu trang điểm mắt được ưa chuộng là màu đen và màu xanh lục; và việc vẽ viền mắt bằng phấn là để tạo nên con mắt hình hạnh nhân hay mắt mèo.
Và đây là kết quả:
Việc trang điểm mắt cũng cung cấp một sự bảo vệ tâm linh. Trong tiếng Ai Cập, danh từ “bảng phấn màu mắt” dường như bắt nguồn từ động từ “bảo vệ” hay “bảo hộ”. Một con mắt không được trang điểm cũng tương đương với không được bảo vệ, và dễ bị tổn thương trước Con mắt Tà ác (Evil Eye) [1]. Việc vẽ đường kẻ mắt do đó đã trở thành một lá bùa hộ mệnh được vẽ ngay lên trên da, một lá bùa mà một khi được tạo ra sẽ không thể bị đánh mất hoặc thất lạc. Trang điểm cũng được cho là có huyền năng chữa bệnh kỳ diệu.
Tuy rằng các loại mỹ phẩm chắc chắn đã được sử dụng cho mục đích làm đẹp, nhưng vào thời Ai Cập cổ đại, việc trang điểm mắt thật sự không chỉ để tạo ra một khuôn mặt đẹp.
Chú thích của người dịch:
[1] Con mắt Tà ác (Evil eye): một lời nguyền. Rất nhiều nền văn hóa tin rằng việc bị yểm Con mắt Tà ác sẽ mang đến sự xui xẻo hoặc thương vong.
Nguồn: Message to Eagle
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: