Lời tỏ tình của bạn ngày 20/10 có thể thành công nhưng cũng có thể bị từ chối, thật buồn nếu điều đó xảy ra nhưng bạn có lẽ cũng nên nghĩ cho bản thân một chút, các nhà khoa học chứng minh thất tình khiến nhịp tim giảm, nồng độ hormone thay đổi, hệ miễn dịch suy yếu, giấc ngủ xáo trộn và nhiều điều tệ hại hơn thế.
Khi thất tình người ta thường có cảm giác buồn bã, u uất và khó chịu phần ngực trái. Nhưng ít ai biết rằng, đó không phải là cảm giác tâm lý mà nó thực sự phát ra từ trái tim. Trong giới y học nó được gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ”. Đây là hội chứng lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản vào năm 1990. Những người mắc chứng này đều nhận thấy cảm giác quặn thắt trong tim, sau đó, tâm thất trái của họ có chút biến dạng.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Aberdeen đã tiến hành theo dõi 52 trường hợp mắc chứng này trong độ tuổi khoảng 27, 28. Theo đó, 52 người trên đều có dấu hiệu quặn thắt tim trong một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng tới chức năng tim mạch và có vẻ không cho thấy dấu hiệu phục hồi.
“Những người này đều mắc hội chứng “con tim tan vỡ” và hoạt động tim mạch luôn ở mức bất thường trong vòng 4 tháng liên tiếp. Trái tim của họ dường như đã hình thành cho mình một vết sẹo, việc phục hồi trong thời gian ngắn là khá khó, thậm chí là không thể.” – Trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Aberdeen cho biết.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác dẫn tới hội chứng “trái tim tan vỡ” này, nhưng nhiều giả thiết cho rằng “thủ phạm” có thể là do sự đột biến lượng hormone adrenaline khi con người bị kích động về mặt tình cảm, cảm xúc.
Tiến sĩ Graham Jackson, bác sĩ tim mạch và tư vấn tình dục cho biết nhiều người chết vì một cơn đau tim trong vòng 1-2 tuần đầu sau khi chia tay. Những đau buồn khiến mức độ adrenaline tăng cao, có thể gây ra cơn đau tim đột ngột và tử vong.
Nói cách khác, khi bạn nhận ra mình đang bị phản bội, mất hy vọng vào tình yêu, cãi nhau với người thương hay đau buồn tới cùng cực khi thất tình, hội chứng này sẽ tạo ra một loạt các triệu chứng chuẩn không cần chỉnh như: lồng ngực thắt lại, cảm giác bị đè nén tới mức khó thở; cơ thể như muốn nổ tung. Đôi khi, cơn đau ngực kéo dài có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.
“Hội chứng này gây ảnh hưởng nhiều hơn chúng ta tưởng. Vết thương lòng từ thất tình rất khó hàn gắn theo thời gian. Trên 3.000 người mắc hội chứng đó thì có khoảng 17% tử vong trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Và bạn biết không? 90% trong số đó là nữ giới, thường đi kèm với dấu hiệu trầm cảm.” – Dana Dawson, chuyên gia tim mạch từ Đại học Aberdeen cho biết.
Tuy nhiên, không phải ai mắc chứng “con tim tan vỡ” cũng sống suốt đời với “trái tim tật nguyền” (đúng y như những gì mấy bản tình buồn viết). Thực tế, có nhiều trường hợp tâm thất trái đã trở lại bình thường sau vài tháng, vài tuần, thậm chí có người chỉ… vài ngày. Nhưng có lẽ, điều khiến họ bình phục nhanh như vậy là do họ nhận ra đối tượng của mình không quan trọng tới mức đó, hoặc chỉ đơn giản là họ tìm được đối tượng khác.
Kỳ thực, có hàng trăm các quy luật chi phối sự vận hành của vũ trụ này. Mọi sự gặp gỡ, chia ly trong nhân thế này đều là do nghiệp quả và nhân duyên quyết định. Có duyên sẽ gặp và hết duyên thì tất phải chia ly. Các bậc trí giả trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã sớm thấy được điều này và gửi gắm trong nhiều tác phẩm văn học.
Chẳng hạn, trong “Thần Điêu Hiệp Lữ” Kim Dung có mô tả rằng ở Tuyệt Tình Cốc, có một loại hoa tên là hoa Tình. Tình hoa, lúc mới ăn thì thơm ngọt như mật, hăng say mùi rượu, khi nuốt xuống lại thấy đắng chát, nửa muốn tiếc rẻ giữ lại, nửa muốn nhổ đi, nếu nuốt xuống thì khó trôi, rất giống mùi vị của ái tình. Màu sắc và hình dáng của hoa thì đẹp vô ngần nhưng cây lại rất nhiều gai, đâm vào rất đau. Khi đã bị gai đâm vào, nếu không nghĩ đến tình thì thôi, hễ nghĩ đến là vết gai đâm đau nhói làm cho khổ sở.
Và cách duy nhất để giải độc nó theo lời thần tăng Thiên Trúc là dùng thanh kiếm trí tuệ mà chặt bỏ nó đi, ý tứ là dùng lý trí và cái ngộ về sự vô thường của Tình, của nhân duyên và các quy luật chi phối Tam giới để chiến thắng nó. Chặt hết là đã đi được nửa đường đến xứ Phật nhưng nhân thế nào mấy ai làm được?
Hoài Anh