Đại Kỷ Nguyên

Kết quả phân tích ADN hộp sọ Paracas: Không phải của con người

Ảnh mô phỏng lại khuôn mặt từ hộp sọ Paracas (ảnh: hiddenincatours.com)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Bán đảo sa mạc Paracas nằm ở bờ biển phía nam Peru. Khu vực cằn cỗi này là nơi nhà khảo cổ học người Peru Julio Tello có một phát hiện gây chấn động vào năm 1928. Một khu nghĩa địa rộng lớn, phức tạp được chôn vùi dưới cát và đá đã phát lộ sau những nỗ lực của nhà khảo cổ.

Bên trong những hầm mộ, Tello đã tìm thấy một trong những phần di thể còn sót lại của loài sinh vật gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử. Các thi thể này có hộp sọ dài lớn nhất trên thế giới được gọi là sọ Paracas. Tello tìm thấy tổng cộng hơn 300 hộp sọ. Chúng được xác định niên đại vào khoảng 3.000 năm tuổi. Một phân tích ADN gần đây được thực hiện trên một số những hộp sọ loại này đã cho ra những kết quả đáng kinh ngạc, có khả năng thách thức những nhận định của chúng ta hiện nay về sơ đồ cây tiến hóa của loài người.


Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi cây tiến hóa?

Các hộp sọ Paracas (ảnh: internet)

Trong một số nền văn hóa, người ta thực hành kỹ thuật kéo dài hoặc làm biến dạng hộp sọ nhưng các kỹ thuật họ sử dụng lại cho ra các kết quả khác nhau. Một số bộ lạc ở khu vực Nam Mỹ đã từng buộc sọ trẻ sơ sinh để thay đổi hình dạng của chúng. Dùng các mảnh gỗ để buộc hộp sọ bên trong sẽ làm biến đổi hình dáng hộp sọ thông qua việc liên tục tác động lực trong một khoảng thời gian dài. Loại hình biến dạng hộp sọ này sẽ thay đổi hình dáng của hộp sọ nhưng không thể thay đổi kích cỡ, trọng lượng hay thể tích của nó; đây đều là các đặc điểm cố định của một hộp sọ thông thường của người.

Nhưng các hộp sọ Paracas thì lại khác. Hộp sọ của chúng lớn hơn 25% và nặng hơn 60% so với những hộp sọ thông thường của người. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng chúng không thể bị làm biến dạng thông qua kỹ thuật buộc sọ. Những hộp sọ này cũng có cấu trúc khác biệt khi chỉ có một lớp xương đỉnh sọ thay vì hai lớp như thường thấy ở người. Những khác biệt này đã nhấn mạnh thêm tính chất bí ẩn kéo dài cả thập kỷ xoay quanh những hộp sọ này, vì thế cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra một lời giải thích hợp lý về nguồn gốc của chúng.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Paracas đã gửi các mẫu vật từ 5 hộp sọ đi để tiến hành thử nghiệm gien. Các mẫu vật này bao gồm tóc, da, răng và các mảnh xương sọ. Phòng thí nghiệm gien không được cho biết về nguồn gốc của các mẫu vật này để tránh ảnh hưởng đến kết quả.

Và kết quả cuối cùng là vô cùng thú vị.

“Tôi không chắc liệu nó thậm chí còn có thể được xếp vào sơ đồ cây tiến hóa hiện nay không”

– một nhà di truyền học nói

DNA ty thể (thừa hưởng từ người mẹ) cho thấy một sự đột biến khác với bất kỳ chủng loại người, linh trưởng hay động vật nào khác. Sự đột biến này cho thấy chúng ta đang đối mặt với một chủng sinh vật giống người hoàn toàn mới, rất khác với Homo sapiens, Neanderthals hay Denisovans. Các cá thể Paracas rất khác biệt về mặt sinh học so với con người nên chúng sẽ không thể lai giống với các loài khác. “Tôi không chắc liệu nó thậm chí còn có thể được xếp vào sơ đồ cây tiến hóa hiện nay không”, một nhà di truyền học nói thêm.

Một họp sọ Paracas cỡ nhỏ (Ảnh chụp từ video)

Phát hiện này có những ý nghĩa sâu sắc. Những người Paracas bí ẩn này là ai? Phải chăng họ đã tiến hóa trên Trái đất theo một cách rất khác biệt so với chúng ta nên hình dáng của họ cũng khác biệt rõ nét như vậy? Nếu không, họ đã đến từ đâu? Có còn sót lại bất kỳ ai trong số họ nữa không?

Đột phá này đã đưa ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, nhưng nó có thể được xem là một bằng chứng khác nữa cho thấy chúng ta không chỉ có một mình trên tinh cầu này.

Đăng với sự cho phép từ Locklip. Đọc bản gốc ở đây.

http://locklip.com/dna-analysis-of-the-paracas-skulls-proves-they-are-not-human/
Quý Khải (biên dịch ) – Phan A (biên tập)

Xem thêm:

Exit mobile version