Đại Kỷ Nguyên

Kẻ bắt cóc thi thể và những linh hồn bị tra tấn: Lịch sử hắc ám của khu hầm chứa ở Edinburgh

Khu hầm chứa ngầm dưới lòng đất ở Edinburge, Scotland, Vương quốc Anh. (Ảnh: FW42/Flickr/CC BY)

Nằm bên dưới thành phố phòng thủ cổ đại Edinburgh, Scotland là khu hầm ở dưới cầu South Bridge. Nó gồm một dãy đường hầm và các hầm chứa ngầm mà sau này đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ và kẻ hung ác.

Lâu đài Edinburgh (Ảnh: Wikipedia)

Ban đầu, các khu hầm đóng vai trò như không gian sinh sống và làm việc của các thương nhân. Nhưng khi tình trạng bên trong trở nên xuống cấp, nó đã trở thành nơi cư trú của những người dân nghèo khổ nhất thành Edinburgh. Mại dâm, nghèo đói, bạo lực và bệnh tật đã bao trùm lên cả khu hầm, thậm chí đây còn là nơi những kẻ giết người hàng loạt cất giấu những ‘chiến lợi phẩm’ dơ bẩn bên trong các hốc đá…

Lịch sử thời kỳ đầu của khu hầm Edinburgh: Cửa hiệu, khu sinh sống

Thành phố Edinburgh nằm trải dài qua bảy ngọn đồi lớn và lâu đài Edinburgh cùng các chiến lũy đáng gờm đã được xây dựng trên khu vực này vào khoảng thế kỷ 12 SCN nhằm chống lại quân xâm lược và sự vây hãm của các thế lực bên ngoài.

Người Scotland tin rằng, càng sống gần lâu đài bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu cho nên vào thời đó người ta đã xây dựng các cây cầu để nối liền khu vực buôn bán đông đúc với thành trì này. Từ bản vẽ cổ xưa (bên dưới) chúng ta có thể thấy rằng, những cây cầu đã được bắc qua các khe núi sâu, nằm dốc nghiêng với tòa lâu đài. Đây có thể được coi là một trong những con đường cao tốc hiếm hoi của người xưa.

Ngay sau khi được xây dựng xong, bề mặt cầu South Bridge đã trở thành một khu vực buôn bán tấp nập, đặc biệt là trong thời Cách mạng Công nghiệp. Dưới chân đồi là hàng loạt các nhà xưởng còn ngay dưới gầm cầu lại là khu ở của người dân.

Bản vẽ chi tiết lâu đài Edinburgh, lấy từ một bản tái lập cuốn sách “Civitates orbis terrarum”, khoảng năm 1581. (Ảnh: Braun & Hogenberg/Public Domain)

Kỷ nguyên công nghiệp ở Scotland đã mang lại công việc và sự trù phú, nhưng nhà cửa, quy hoạch và sức khỏe người dân không cải thiện với một nhịp độ tương đương. Điều kiện sinh sống ở các thành phố ngầm dưới mặt cầu rất tệ hại. Xuất hiện tình trạng quá tải khi các gia đình với hơn 10 thành viên sống trong các căn phòng chật hẹp cùng với việc không có một môi trường vệ sinh, không có nước máy, không có ánh sáng mặt trời, bệnh dịch đã nhanh chóng hoành hành. Vào thời đó Bệnh lao là một vấn đề ngày càng đáng lo ngại. Thậm chí theo một thống kê, tỉ lệ tử vong ở Scotland còn cao hơn cả ở Anh và các quốc gia châu Âu khác vào thời điểm đó.

Ban đầu, các khu hầm đóng vai trò như không gian sinh sống và làm việc của các thương nhân. Nhưng khi tình trạng bên trong trở nên xuống cấp, nó đã trở thành nơi cư trú của những người dân nghèo khổ nhất thành Edinburgh. Mại dâm, nghèo đói, bạo lực và bệnh tật đã bao trùm lên cả khu hầm.

Với những ai sống sâu bên trong khu hầm Edinburgh, các vấn đề còn trở nên phức tạp hơn. Nạn đói kinh hoàng ở Ireland trong giai đoạn 1845-1847 đã khiến nhiều người tị nạn tràn sang Scotland. Những tên tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều và những người này đã sử dụng khu hầm làm nơi giao dịch hàng lậu, thậm chí thiết lập một khu phố đèn đỏ với đủ các tệ nạn xã hội như: bài bạc, quán bar, nhà thổ, trộm cướp, thậm chí giết người.

Nơi ẩn náu cho những tên giết người hàng loạt

Bên trong Khu hầm Edinburgh được chụp lại sau một tour ‘ma’. (Ảnh: Shadowgate/Flickr/CC BY)

Tình trạng ở đó tệ đến nỗi, có thời điểm những tên giết người hàng loạt được cho là đã giết hại hơn một chục nạn nhân xấu số và cất giữ thi thể họ vào bên trong khu hầm mà không bị phát hiện.

Một trong những trường hợp kinh hoàng nhất phải kể đến các vụ sát hại của Burke và Hare. Năm 1828, 2 người Ireland nhập cư này đã sát hại tổng cộng 16 người (hầu hết là phụ nữ), cất giấu thi thể của họ vào trong các đường hầm, phòng chứa rồi bán cho một phẫu thuật viên để ông này thực hành giải phẫu trong các bài giảng của mình.

Chân dung của hai kẻ giết người hàng loạt William Hare và William Burke, khoảng năm 1850. (Ảnh: Bizzarrobazar)

Sự phát triển của y học thời đó đã biến thi thể người chết thành một món hàng có giá trị. Việc phát hiện ra rất nhiều thi thể ngay gần khu hầm đã nói lên nhiều điều về hoàn cảnh ở nơi này.

Vào khoảng giữa những năm 1835 – 1875 đã có những dấu hiệu cho thấy, ngay cả những người dân nghèo nhất cũng rời bỏ khu ổ chuột dưới cây cầu South Bridge. Năm 1875, chính quyền thành phố Edinburgh đã cho xây dựng 19 vòm cuốn để nâng đỡ cây cầu phía Nam đồng thời đổ hàng tấn đất đá để vùi lấp khu hầm này. Lịch sử u ám của khu hầm cầu South Bridge dần dần bị lãng quên theo thời gian..

Đóng cửa, bị quên lãng, rồi được tái phát hiện

Vào năm 1980 – khoảng một trăm năm sau đó, một vận động viên bóng bầu dục người Scotland đã tình cờ phát hiện ra các đường hầm và phòng chứa ẩn khuất nói trên. Ngay lập tức, khu hầm đã được khai quật và khôi phục sau khi loại bỏ đi hàng trăm tấn đất đá. Chỉ khi những người thi công đào được các đồ chơi trẻ em, lọ đựng thuốc, đĩa nhạc và các đồ dùng gia dụng khác thì những nhà nghiên cứu mới nhận ra rằng, gầm cầu South Bridge từng là nơi cư trú của những con người không may mắn.

Các cư dân ma ám còn lại?

Bầu không khí ảm đạm bên trong khu hầm Edinburgh. (Ảnh: Wkimedia)

Với bầu không khí ảm đạm và các sự kiện kỳ lạ trong lịch sử của khu hầm, không có gì là lạ khi các hiện tượng siêu thường liên tục xuất hiện tại nơi đây. Tất nhiên những báo cáo sởn tóc gáy về những nạn nhân bị sát hại dưới bàn tay Burke và Hare trong khu hầm đã đủ ghê rợn nhưng có một vài ‘bóng ma khác’ được cho là đang ám ảnh các phòng chứa.

Một con ‘ma nhí’ tên Jack được cho là đã nắm lấy tay khách du lịch và một ‘Quý ông Ủng” đáng gờm hơn được miêu tả là đã ném đá vào những du khách tham quan. Một số người ghé thăm khu hầm còn nói rằng, họ có thể nghe thấy tiếng ủng cao gót của ông ta dậm mạnh trên dãy đá cuội và giọng nói của ông vang vọng khắp khu đường hầm.

Chỗ chứa bên trong khu hầm. (Ảnh: Kjetil Bjornsrud/CC BY-SA)

Bất chấp các hiện tượng kỳ quái (cũng có thể chính vì lý do này) các tour tham quan khu hầm Edinburgh đã trở nên vô cùng hút khách. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh đã mọc lên, thậm chí khu hầm còn được nhiều người lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện như đám cưới, liên hoan, nhạc sống… Một bộ phim tài liệu nổi tiếng cùng một vài chương trình truyền hình về những giọng nói ma quỷ trong khu hầm cũng đã được thực hiện. Cũng có rất nhiều đã dám liều lĩnh đi sâu vào bên trong thành phố cổ kính này để trải nghiệm cuộc sống của những người dân từng cư trú trong khu hầm cầu Bridge.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version