Đại Kỷ Nguyên

Hội chứng khiến bệnh nhân ‘bật dậy trong nhà xác’: Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh

Hội chứng khiến bệnh nhân “bật dậy từ nhà xác”: Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh

Bị tuyên bố là đã chết, chuẩn bị được mang vào nhà xác, nhưng các “thi hài” này đột nhiên sống dậy. Họ không phải là các zombie, mà là những trường hợp điển hình của một hội chứng y học hiếm gặp có tên: Hội chứng Lazarus, hay còn được gọi là hội chứng “chết đi sống lại”.

Cụ bà Janina Kolkiewicz, 91 tuổi người Ba Lan. (Ảnh: Sportact.net)

Hình ảnh trên là của cụ bà Janina Kolkiewicz, người Ba Lan. Năm 2014, tại bệnh viện, bà đã ở trong trạng thái tim ngừng đập và không còn thở, và được tuyên bố là đã mất, thọ 91 tuổi. Thi thể bà đã được chuyển đến nhà xác lạnh lẽo. Tuy nhiên, 11 giờ sau, có lẽ vẫn còn quyến luyến trần thế, bà đã mở mắt, bật dậy sống lại. Sau đó còn thưởng thức món bánh kếp và cốc trà nóng như chưa có chuyện gì xảy ra. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “trở về từ cõi chết” đã từng xảy ra trong lịch sử y học.

Cùng năm đó, tại một bệnh viện ở New York, một phụ nữ đã được các bác sĩ kết luận là tử vong do dùng thuốc quá liều. Nhưng sau khi được đưa đến phòng mổ để lấy tạng, cô đã bừng tỉnh, sống lại trước sự hốt hoảng của các bác sĩ.

Một trường hợp khác xảy ra năm 2001, một người đàn ông 66 tuổi đã ngưng tim trong ca mổ. Sau 17 phút hồi sức cấp cứu không kết quả, các bác sĩ thông báo rằng bệnh nhân đã tử vong. Tuy nhiên, 10 phút sau, mạch đập của ông trở lại, thấy vậy, các bác sĩ đã tiếp tục ca mổ thành công.

Những trường hợp “chết đi sống lại” do ngừng tim như vậy được gọi là “hội chứng Lazarus”.

Ảnh: thahakhabar.com

Hội chứng Lazarus là gì?

Hội chứng Lazarus được đặt theo tên Thánh Lazarus (xứ Bethany), một nhân vật trong Kinh Tân Ước, người đã được Chúa Giê-su cứu sống sau khi đã qua đời 4 ngày.

Hội chứng này được định nghĩa là sự trở lại chậm trễ của sự lưu thông tự phát (gọi tắt là ROSC), sau khi tim phổi ngừng hoạt động. Nói một cách đơn giản, khi này tim bệnh nhân đã ngừng đập, nhưng sau một lúc lại bắt đầu làm việc trở lại. Đây là một trường hợp “chết đi sống lại” liên quan đến tuần hoàn máu ở tim.

Minh họa tích cổ về việc Chúa Giê-su dùng quyền năng đưa thánh Lazarus từ cõi chết trở về sau khi ông qua đời 4 ngày. Ảnh: Wikipedia

Kể từ năm 1982 cho đến nay, đã có ít nhất 38 trường hợp “chết đi sống lại” được y học ghi nhận.

Theo nghiên cứu năm 2007 của bác sĩ người Anh Vedamurthy Adhiyaman và đồng nghiệp, trong các trường hợp Lazarus được ghi nhận tới nay, 82% số ca sẽ “hồi sinh” trở lại trong vòng 10 phút, trong đó 45% có trạng thái thần kinh ổn định.

Sự sống và Cái chết: Ranh giới rất mong manh!

Ảnh: Parhlo

Benjamin Franklin đã có câu nói rất hài hước: “Trên đời này không có gì là chắc chắn, trừ cái chết và thuế”. Chưa nói đến thuế, chỉ riêng đối với “cái chết”, qua những trường hợp “trở về từ cõi chết”, thì có vẻ câu nói trên của ông cũng không còn chắc chắn nữa.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao các bác sĩ với chuyên môn lại có thể tuyên bố một người đã chết, từ đó tạo ra các trường hợp “thức tỉnh trong nhà xác đông lạnh” dở khóc dở cười như vậy?

Bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết, ngay cả trong chẩn đoán y tế, cũng rất mong manh.

Cái chết được phân thành 2 loại: chết lâm sàng và chết sinh học. Chết lâm sàng nghĩa là không có mạch, nhịp tim và không còn hô hấp, còn chết sinh học nghĩa là hoạt động não đã chấm dứt.

Định nghĩa có vẻ rõ ràng và trực diện, nhưng trong thực tiễn, việc xác định được một người đã chết hay chưa đôi lúc lại rất khó.

Trong cái rét như cắt của mùa đông, nếu cơ thể ở ngoài trời quá lâu mà không được bọc ấm, sẽ dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt, có thể gây tử vong. Khi mức độ hạ thân nhiệt lớn, nhịp tim và nhịp thở sẽ giảm chậm đến mức gần “như không”, chính vì vậy trong một số trường hợp, có người bị nhầm tưởng là đã chết dù không phải vậy. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là vụ việc tuyên bố nhầm cái chết của một em bé sơ sinh người Canada vào năm 2013.

Em bé này bị đẻ rơi trên vỉa hè trong thời tiết giá lạnh. Sau khi nhập viện, các bác sĩ thấy mạch ngừng đập, nên tuyên bố rằng em bé đã tử vong. Tuy nhiên, 2 giờ sau, người ta nhìn thấy em bé cử động.

Theo bác sĩ Nhi Michael Klein từ Khoa Y, ĐH British-Columbia-Canada, khi trẻ nhỏ tiếp xúc với giá lạnh trong thời gian dài, tuần hoàn máu sẽ chậm dần xuống rồi cuối cùng dừng lại, nhưng hoạt động thần kinh của trẻ có thể vẫn tiếp diễn.

Chứng giữ nguyên tư thế (chứng bất động) hội chứng “khóa chặt” là 2 ví dụ khác khiến một người có thể bị nhầm tưởng là đã chết. Ở chứng giữ nguyên tư thế, người bệnh trông như bị “mất hồn”, hô hấp chậm, giảm cảm giác và hoàn toàn bất động, tình trạng này có thể kéo dài từ vài phút đến vài tuần, có thể là triệu chứng nảy sinh do động kinh hay bệnh Parkinson.

Trong khi đó, ở hội chứng khóa chặt, bệnh nhân bị liệt hoàn toàn, trừ các cơ kiểm soát chuyển động của mắt, nhưng họ vẫn hoàn toàn nhận thức được môi trường xung quanh và có khả năng tư duy bình thường. Một ví dụ điển hình là của nhà vật lý quá cố Stephen Hawking.

Nhà vật lý Stephen Hawking mắc hội chứng bị khóa trong, khiến ông chỉ có thể sử dụng cơ mắt. Ảnh: wishpicker.com

Tờ Daily Mail của Anh đã có báo cáo về một trường hợp mắc hội chứng khóa chặt như vậy vào năm 2014: một phụ nữ 39 tuổi tên là Kate Allatt.

Cô đã rơi vào hôn mê sâu sau một cơn đột quỵ. Sau khi tỉnh dậy trên giường bệnh, cô nghĩ:

‘Tôi nghe thấy các y tá trao đổi với nhau rằng họ không chắc liệu tôi có thể sống không. Nghe thấy vậy, tôi bắt đầu hoảng sợ bởi lúc đó tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi chỉ muốn hét lên ‘Tôi ở đây!’ Cảm giác của tôi khi đó như thể đang bị chôn sống vậy”. Tất cả những nhầm lẫn của các y tá đều do bệnh nhân bị hội chứng ‘Khóa chặt’ – Kate dù rất muốn nhưng cơ thể không thể cử động một chút nào.

Do những hạn chế trong việc xác định bệnh nhân vẫn còn sống hay đã tử vong ở một số trường hợp đặc thù như trên, nên giới y học đã đưa ra khuyến cáo về thời gian quan sát tối thiểu sau khi bệnh nhân mất dấu hiệu sự sống, trước khi chính thức kết luận, tránh những sai lầm đáng tiếc hay những vụ “hồi sinh” trong nhà xác kể trên.

Thanh Tước

Exit mobile version