Đại Kỷ Nguyên

Hiệu ứng phụ khó tin của các ca mổ ghép tim: Thay đổi tính cách và sở thích

(Ảnh minh họa, Getty Images)

Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi được ghép tim đã báo cáo rằng họ nhận thấy sư thay đổi trong sở thích, và thậm chí xuất hiện những cảm nhận giống như của người hiến tạng. Tình trạng này đã được báo cáo cả trong y học hiện đại lẫn các câu chuyện cổ.

Truyền thuyết kể rằng vào khoảng 2.500 trước đây, trong thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, có hai người đàn ông đến gặp một danh y nổi tiếng đương thời với tên gọi Biển Thước. Biển Thước đã chữa khỏi chứng bệnh của họ một cách nhanh chóng, nhưng phát hiện ra rằng họ có một vấn đề y học khác vốn đã phát triển nghiêm trọng hơn qua thời gian. Biển Thước nói rằng họ sẽ đều khỏe lại nếu họ chấp nhận hoán đổi quả tim cho nhau, và họ đã đồng ý để Biển Thước tiến hành ca phẫu thuật.

Biển Thước để hai người đàn ông uống thuốc mê và họ đã mất ý thức trong 3 ngày, và trong vòng 3 ngày này, Biển Thước đã phẫu thuật mở ngực, hoán đổi quả tim của họ, và cho thuốc. Khi tỉnh lại, họ đã hồi phục và mạnh khỏe như lúc trước.

Nhưng có một vấn đề: Khi họ trở về nhà, họ đều thấy kinh ngạc khi vợ của họ không thể nhận ra họ. Hóa ra họ đều đến nhà của người kia và tưởng rằng vợ của người khác chính là vợ của mình.

Thật khó có thể tưởng tượng một ca phẫu thuật như vậy có thể được tiến hành vào 2.500 năm trước, nhưng câu chuyện này lại có sự tương đồng đáng kinh ngạc với tình huống được quan sát trong một số ca phẫu thuật ghép tim hiện đại.

Danh y Biển Thước. (Ảnh: taijichinesemedicine.com)

Tờ Daily Mail của Anh đưa tin rằng, sau một ca phẫu thuật ghép tim, Sonny Graham ở Georgia đã yêu say đắm vợ của người hiến tim cho anh và đã cưới cô ta. Mười hai năm sau khi cưới, anh đã tự tử tương tự theo cách mà người hiến tim cho anh (chồng cũ của người vợ hiện tại) đã làm.

Trong một bài tin khác của tờ Daily Mail, một người đàn ông tên William Sheridan đã nhận quả tim từ một người họa sĩ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Sau khi cấy ghép tim, đột nhiên ông có thể vẽ ra những bức họa tuyệt vời về phong cảnh thiên nhiên hoang dã.

Claire Sylvia, người được cấy ghép một quả tim và một lá phổi vào năm 1988, đã viết trong cuốn sách Sự thay đổi trái tim: Một tự truyện (A Change of Heart: A Memoir) rằng sau ca cấy ghép cô bắt đầu thích uống bia, ăn gà rán, và ớt xanh. Đó là những thứ cô không thích trước đây, nhưng lại là thứ người hiến tạng cho cô, một cậu bé 18 tuổi, ưa thích.

Cô có một giấc mơ, trong đó cô đã hôn một cậu bé cô nghĩ có tên là Tim L., rồi hít cậu ta vào bên trong cơ thể mình. Sau này cô phát hiện ra rằng Tim L. là tên của người hiến tạng cho cô. Cô tự hỏi phải chăng một trong các bác sĩ đã đề cập đến cái tên này trong ca phẫu thuật, nhưng các bác sĩ không hề biết đến tên của người hiến tạng.

Ký ức trong tế bào: Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng sự thay đổi trong tính cách của người nhận tạng cấy ghép là do ký ức đã được lưu trữ trong các tế bào. (Ảnh: photos.com)

Trong một bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Hiện tượng Cận tử (Journal of Near-Death Studies), Tiến sĩ Linda Russek từ trường Đại học Arizona (Mỹ) đã thảo luận về 10 trường hợp cấy ghép tim hoặc tim-phổi, trong đó người nhận tạng được báo cáo đã có “các thay đổi trong xu hướng ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật, tính dục, giải trí, và nghề nghiệp, cũng như các khoảnh khắc nhận thức được tên gọi và các cảm giác có liên quan đến người hiến tạng”.

Trong một trường hợp, người hiến tạng là người Mỹ gốc Phi, nên người nhận tạng nghĩ rằng người hiến tạng sẽ thích nhạc rap và do đó ông không cho rằng ca hiến tạng này gây ra sở thích mới của ông đối với nhạc cổ điển. Tuy nhiên, về sau ông này mới phát hiện rằng người hiến tạng chơi vĩ cầm và rất say mê nhạc cổ điển.

Trường hợp này cho thấy sự thay đổi trong sở thích của người nhận tạng xảy ra ngay cả khi họ không trông mong chúng. Do đó những trường hợp này khá khác với hiệu ứng giả dược (placebo) – tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến theo hướng kỳ vọng của họ.

Tương tự như trường hợp vừa kể, có thể do kì vọng sai về người hiến tạng mà nhiều người nhận tạng khác cũng không nghĩ rằng họ đã tiếp thụ các xu hướng tính cách của người hiến tạng. Vì vậy, số lượng những người nhận tạng từng trải qua hiện tượng biến đổi tính cách có thể không được ghi nhận đầy đủ.

TS Pearsall, TS Schwartz, và Ts Russek đã đi đến kết luận rằng khó có khả năng những trường hợp này xảy ra một cách ngẫu nhiên, và đưa ra giả thuyết cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là ký ức tế bào, nghĩa là trí nhớ và sở thích của một người có thể được lưu trữ trong các tế bào.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu loại hình thức ký ức này có thật sự tồn tại hay không.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả:  và , Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version