Các cấp chính quyền tỉnh và địa phương Cosenza ở Ý vừa triển khai một kế hoạch tìm kiếm một cách có hệ thống kho báu của Alaric, vua của tộc người Gô-tích (nhánh Visigoth), người đã cướp bóc của người giàu trong cuộc chinh phạt thành Rome vào thế kỷ thứ 5.
Các nhà khảo cổ học người Ý sẽ áp dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất trong cuộc tìm kiếm kho báu, mà theo truyền thuyết đã được chôn cất cùng với Vua Alaric ở đâu đó gần chỗ hợp lưu của hai con sông ở Cosenza. Adolf Hitler từng bị ám ảnh với việc tìm ra số của cải bị chôn giấu này, nhưng quân Nazi chưa bao giờ xác định được địa điểm chôn kho báu.
Cuộc chinh phạt thành Rome
Vua Alaric I (trị vì từ năm 395-410 SCN) là vị vua đầu tiên của tộc người Visogoth, và là thủ lĩnh của đội quân đã chinh phạt thành Rome vào tháng 8/410, một sự kiện đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã.
Người Hung (Hun) đã buộc những người Gô-tích phải sống lưu vong tại Đế quốc Đông La Mã, tuy nhiên tình trạng đánh thuế cao, nạn đói và sự đối xử tàn tệ của người dân La Mã đã khiến người Gô-tích vùng lên nổi loạn. Chính Vua Alaric đã dẫn đội quân của ông tiến hành một cuộc càn quét qua các nước Balkan và kéo dài đến tận nước Ý, tại đó họ đã cướp phá thành Rome, nơi tập trung những gia đình quý tộc nghị viện giàu có nhất và là trung tâm văn hoá của họ.
Trong ba ngày liên tiếp, người Gô-tích đã càn quét thành phố, cướp bóc các dinh thự, bao gồm nhà của các gia đình giàu có, kho bạc và lăng mộ của hai Hoàng đế Augustus và Hadrian. Vua Alaric được cho là đã rời thành phố với các cỗ xe ngựa chở đến 2 tấn vàng, 13 tấn bạc, 4.000 áo khoác lụa tơ tằm, 3.000 áo lông cừu và 1.360 kg hạt tiêu. Ông Francesco Sisci, người điều phối dự án, đã cho tờ The Telegraph biết rằng có lẽ phải đến 25 tấn vàng đã bị chôn cùng với Vua Alaric, với trị giá lên đến hàng tỷ đô-la ngày nay.
Sau khi cướp phá thành Rome, Vua Alaric đã lên kế hoạch hành quân đến Sicily và sau đó là châu Phi, nhưng ông không bao giờ có thể thực hiện được điều này vì ông đã qua đời vào cuối năm đó.
Cái chết của Vua Alaric
Không rõ Vua Alaric đã chết như thế nào, tuy nhiên có giả thuyết cho rằng ông chết do mắc bệnh hoặc trong chiến trận.
Theo nhà sử học Jordanes, nhà nghiên cứu về tộc người Gô-tích trong giai đoạn thế kỷ thứ 6, Vua Alaric đã được an táng cùng với kho báu cướp bóc của ông trong một hầm mộ tại vị trí hợp lưu giữa hai con sông Busento và Crathis.
Để không ai có thể biết được địa điểm này, họ đã thủ tiêu tất cả những phu đào huyệt.
— Jordanes
“Sau khi làm chệch dòng chảy của sông Busentus, gần thành phố Cosentia, họ đã dẫn một nhóm tù nhân đến giữa khu vực đáy sông để đào huyệt mộ”, theo trích đoạn trong cuốn sách của ông Jordanes với tựa đề “Nguồn gốc và những chiến công của tộc người Gô-tích” (tiếng Đức: De Origine Actibusque Getarum; tiếng Anh: The Origin and Deeds of the Goths). “Ở đáy huyệt mộ họ đã an táng Vua Alaric, cùng với rất nhiều vật báu, và rồi dẫn dòng nước trở lại con kênh vừa đào. Để không ai có thể biết được địa điểm này, họ đã thủ tiêu tất cả những phu đào huyệt”.
Cuộc tìm kiếm kho báu của Vua Alaric
Trong khoảng giữa thế kỷ 18, một dự án tầm cỡ đã được triển khai nhằm khai quật hầm mộ của Vua Alaric, nhưng kết quả không tìm thấy được gì. Sau đó, vào đầu thế kỷ 19, nhà văn kiêm nhà thám hiểm Alexandre Dumas đã ghé thăm Cosenza sau khi một trận động đất khủng khiếp rút cạn nước sông Busento. Ông Dumas miêu tả lại cảnh tượng có vô số người dân đã hăng hái đào bới tìm kiếm kho báu La Mã, nhưng một lần nữa không có một kho báu hay hầm mộ nào được khai quật.
Vào thế kỷ 20, Adolf Hitler và Heinrich Himmler, vốn rất hứng thú với các ghi chép trong lịch sử về kho báu của vua Alaric, đã ra lệnh tiến hành một cuộc truy tìm kho báu trên diện rộng. Tuy nhiên, họ cũng đã trở về tay trắng.
Tờ The Telegraph cho biết cuộc tìm kiếm này hiện đã được tái khởi động, lần này với sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền thành phố Cosenza.
“Các nguồn tư liệu và manh mối trong lịch sử đều khẳng định rằng kho báu của Vua Alaric đã được chôn cất tại thành phố Cosenza”, Mario Occhiuto, Thị trưởng thành phố Cosenza, trao đổi với tờ The Telegraph. “Kho báu này chứa khoảng 10 cỗ xe ngựa chở đầy vàng bạc, và có lẽ cả giá đựng nến linh thiêng Menorah của người Do Thái”.
Thành phố Cosenza đã thành lập một nhóm các nhà khảo cổ để truy tìm kho báu này, và hy vọng nếu tìm thấy, thành phố sẽ có thể thu hút thêm nhiều đoàn khách du lịch đến đây.
Tác giả April Holloway, Ancient Origins.
Xem bài gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch
Xem thêm: