Đại Kỷ Nguyên

Điều bí ẩn đằng sau Hamsa – biểu tượng thần bí trong thế giới cổ đại?

Hamsa là một biểu tượng cổ đầy uy quyền thường được người thời xưa mang theo như một tấm bùa hộ mệnh để cầu khẩn sự giúp đỡ từ Thượng Đế hoặc để chống lại mắt quỷ.

Để có thể lần tìm nguồn gốc của biểu tượng cổ này không phải là điều dễ dàng bởi vì các học giả Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều không đồng tình với cách giải thích về Hamsa.

Hamsa là hình ảnh một con mắt được gắn vào trong lòng bàn tay đang rộng mở, biểu tượng độc đáo này đã có rất nhiều tên gọi khác nhau trong suốt nhiều thời đại. Một số học giả cho rằng biểu tượng này có nguồn gốc từ Pagan giáo (hay còn gọi là Ngoại giáo) và sau đó được các tôn giáo khác chấp nhận. Có nhiều khả năng biểu tượng Hamsa bắt nguồn từ vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) thuộc Ai Cập cổ đại hoặc vùng Cartage, nơi mà nữ thần Tanit của người Punic và Phoenicia được thờ phụng.

Biểu tượng Hamsa bảo vệ chúng ta khỏi mắt quỷ

Hamsa là một biểu tượng bảo hộ được sử dụng rất phổ biến và chúng ta có thể gặp nó trong nhiều tín ngưỡng. Người ta tin rằng biểu tượng này mang lại hạnh phúc, sức khoẻ và phú quý cho chủ nhân của nó. Hamsa bảo vệ con người khỏi sự hắc ám của mắt quỷ.

Từ ngàn xưa con người đã tin rằng một số người nhất định có quyền năng siêu nhiên để gây ra thiên tai, bệnh dịch, ốm đau và thậm chí là cả cái chết. Họ có khả năng thực hiện những điều đó với một ánh mắt nhìn chằm chằm khiến cho người khác có cảm thấy khó chịu. Mắt quỷ hiện nay vẫn còn đang mang lại sự sợ hãi cho con người ở nhiều nơi trên thế giới.

Mắt quỷ (Ảnh: Irelands Folklore and Traditions)

Theo một số tài liệu cổ xưa, “mắt quỷ” đã được người Hy Lạp và La Mã cổ đại nhắc đến nhiều trong kinh Koran (Kinh Thánh của người Hồi giáo). Người xưa tin rằng “mắt quỷ” là một dạng trù ếm, hình thành từ những đố kỵ, ghen ghét, thèm khát của con người. Nó nhập vào ai đó và rồi thông qua đôi mắt – nơi được coi là cửa sổ tâm hồn, bắt đầu lan tỏa, tạo nên những bệnh dịch không rõ nguyên nhân và không thể chữa khỏi. Đó được coi là những đôi mắt chứa đầy tai họa.

Đó là lý do tại sao biểu tượng Hamsa có thể được tìm thấy ngày nay tại khắp Trung Đông. Theo đạo luật Qu’ran, việc đeo các loại bùa hộ mệnh là không được phép, nhưng ở các quốc gia Hồi giáo, người ta thường thấy các vật phẩm khác nhau miêu tả biểu tượng Hamsa trong đó có những chiếc vòng tay Hamsa, dây chuyền, mặt dây chuyền, dụng cụ gõ cửa và nhiều vật thể khác mô tả biểu tượng quyền uy này.

Khi đeo hoặc giữ chúng ở nhà, người ta tin rằng họ có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực mà họ không thể tự mình kiểm soát được. Bàn tay có thể được miêu tả bằng những ngón tay xòe ra để ngăn ngừa cái ác, hoặc khép lại với nhau để mang lại may mắn.

Biểu tượng Hamsa được sử dụng bởi người Do Thái, người Hồi giáo và cả người Cơ Đốc giáo

Biểu tượng Hamsa đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người Do Thái và người Hồi giáo. Hamsa được gọi là Hand of Fatima (Bàn tay của Fatima – con gái của nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed) và Hand of Merriam (Bàn tay của Merriam – người em gái của nhà tiên tri Moses), đó là lý do tại sao tấm bùa hộ mệnh này mang ý nghĩa đến với người Do Thái lẫn người Hồi giáo. Nó cũng đôi khi được gọi là Hand of Mary (Bàn tay của Đức mẹ Maria – đại diện cho Mẹ Maria, mẹ của Chúa Jêsus).

Cái tên “Hamsa” bắt nguồn từ năm ngón tay trên bàn tay. Tên gọi này được sử dụng đầu tiên từ Đạo Hồi mặc dù tên Hamsa là tiếng Ả Rập. Đây là một trong những biểu tượng quốc gia của Algeria và xuất hiện trong cả huy hiệu của quốc gia này.

Biểu tượng Hamsa (Ảnh: ancient page)

Theo một giả thuyết, người Ai Cập cổ đại thường mang theo một tấm bùa hộ mệnh với hai ngón tay đại diện cho Isis và Osiris, và một ngón tay cái đại diện cho con của bọn họ – Horus. Bùa hộ mệnh này đã được sử dụng để kêu gọi sự bảo hộ của các linh hồn của các bậc cha mẹ cho con của họ.

Các nhà nghiên cứu khác cho rằng trong giai đoạn từ năm 1550 đến năm 330 trước công nguyên, người Phoenicia đã sử dụng hình ảnh của một bàn tay để đại diện cho Tanit, vị nữ thần hộ mệnh thủ đô Carthage của họ và là người điều khiển chu kỳ âm lịch. Một số người cho rằng thần Tanit có thể là một trong những nữ thần Hy Lạp như Hera và Athena.

Trong tiếng Hebrew (ngôn ngữ của người Do Thái), số 5 là “hamesh” và “Hamesh” là đại diện cho năm cuốn sách của Torah (Ngũ thư của Do Thái giáo). Nó cũng tượng trưng cho chữ cái thứ năm của bảng chữ cái Hebrew – “Het”, tượng trưng cho một trong những thánh danh của Thiên Chúa, và nhắc nhở người Do Thái sử dụng cả năm giác quan khi ca ngợi Thiên Chúa. Một số người Hồi giáo Sunni giải thích năm ngón tay của Hamsa là đại diện cho Năm trụ cột của đạo Hồi.

Hamsa được dùng như một món đồ trang sức với mong muốn mang lại bình an cho người đeo (Ảnh: efytal.com)

Nhiều người Do Thái và người Ả Rập đeo các biểu tượng Hamsa để minh chứng cho những nét chung trong tôn giáo của họ. Trong thế giới hiện đại, Hamsa đã trở thành một biểu tượng của hy vọng và bình an. Vượt qua cả những khoảng cách về địa lý, ngày nay Hamsa còn được yêu thích và sử dụng bởi nhiều người trên thế giới, bao gồm cả các ngôi sao lớn của làng giải trí.

Khi đeo nó, người ta tin rằng khi biểu tượng bàn tay chỉ xuống đất, Hamsa sẽ mang đến cho người đeo nó hạnh phúc, may mắn và sức khỏe. Khi biểu tượng bàn tay chỉ lên trời, Hamsa sẽ mang đến sự tự tin, dũng cảm và bảo vệ con người khỏi nhừng điều xấu xa.

Nhật Quang

Exit mobile version