Đại Kỷ Nguyên

Đây là lý do khiến công nghệ năng lượng mặt trời chậm tiến dù được phát minh từ 140 năm trước?

Đây là lý do khiến công nghệ năng lượng mặt trời chậm tiến dù được phát minh từ 140 năm trước?

(Ảnh: cleantechnica.com)

Thế giới ngày nay có thể đã khác rất nhiều nếu không có các “bàn tay đen” kìm hãm sự phát triển của loại công nghệ tiên tiến này.

Tác giả của các phát minh nổi tiếng như đèn điện, radio, xe ô tô…được rất nhiều người biết tới. Nhưng có lẽ bạn chưa bao giờ nghe về nhà phát minh người Pháp Augustin Mouchot, người đã giới thiệu công nghệ ‘cách mạng’ năng lượng mặt trời vào năm 1878.

Nhà phát minh Augustin Bernard Mouchot. (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1871, thiên tài người Pháp này được Hội đồng chung Indre-et-Loire tài trợ để phát triển một thiết bị năng lượng mặt trời hoạt động tại thư viện Tours. Ông đã trình bày thành quả của mình bốn năm sau đó vào năm 1875 tại Viện hàn lâm Khoa học Pháp.

Phát minh cách mạng bị quên lãng

Năm 1878, Augustin Mouchot cùng với trợ lý Abel Pifre của mình đã trình diễn tại Triển lãm toàn cầu ở Paris một thiết bị thử nghiệm chứng minh việc tập trung năng lượng mặt trời có thể tạo ra một dòng điện ổn định.

“Bất chấp các thông tin truyền thông hiện đại, rằng ý tưởng sử dụng nhiệt mặt trời cho các hoạt động cơ học chỉ mới xuất hiện gần đây. Trái lại, chúng ta phải thừa nhận rằng ý tưởng này rất cổ xưa và sự phát triển chậm chạp của nó qua nhiều thế kỷ đã sinh ra nhiều thiết bị gây tò mò khác nhau.” – Augustin Bernard Mouchot nói tại Triển lãm toàn cầu ở Paris, Pháp 1878.

Thiết bị phát điện dùng năng lượng mặt trời do Augustin Bernard Mouchot phát minh năm 1878. (Ảnh: landartgenerator.org)

Thực tế, năng lượng mặt trời hoàn toàn không phải là một khái niệm mang tính cách mạng vì nhiều người sẽ đồng ý rằng các nền văn minh cổ đại không chỉ có thể khai thác năng lượng mặt trời mà còn là năng lượng tự nhiên từ hành tinh của chúng ta hàng ngàn năm trước .

Khoảng ba ngàn năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã phát hiện ra cách tạo ra các gương phản xạ lõm giúp biến ánh sáng mặt trời thành lửa. Tiếp sau, vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại đã độc lập phát triển các thiết bị năng lượng mặt trời như vậy và thật thú vị khi cả hai đều biết cách lợi dụng chúng để phục vụ đun nấu sinh hoạt.

Vào thế kỉ 2 trước công nguyên, có một câu chuyện nổi tiếng khác có liên quan đến việc ứng dụng năng lượng mặt trời. Đó là việc nhà bác học Acsimet tiến hành ghép hàng loạt tấm gương để hội tụ ánh sáng Mặt Trời vào một điểm trên thuyền gỗ của các chiến thuyền La Mã và thiêu rụi nó.

Hạm đội chiến thuyền hùng mạnh của quân La Mã chịu kết cục thảm hại khi đối đầu với gương Acsimet. (Ảnh: Pikabu)

Các ghi chép vào thế kỉ 7 cũng cho thấy con người thời đó đã biết phóng đại sức mạnh của mặt trời để tạo ra các đám cháy.

Ngay trước khi Augustin Mouchot trình diễn thiết bị của mình gần một thế kỷ, thì vào năm 1767, lò đun mặt trời đầu tiên được phát minh. Thiết bị này đã sử dụng năng lượng của mặt trời để hâm nóng bữa ăn. Trên thực tế công nghệ này vẫn đang được sử dụng ở một số khu vực trên thế giới.

Edmund Becquerel phát hiện ra hiện tượng quang điện năm 1839. (Ảnh: getty.edu)

Tuy nhiên, khái niệm năng lượng mặt trời chỉ chính thức xuất hiện vào thời cận đại. Vào năm 1839, ở tuổi 19, nhà vật lý người Pháp Edmund Becquerel đã phát hiện ra hiệu ứng quang điện khi ông nhận thấy điện áp được tạo ra thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng một chất quang dẫn. Năm 1873, 34 năm sau khi nhà vật lý người Pháp Edmund Becquerel phát hiện ra hiệu ứng quang điện, kỹ sư người Anh Willoughby Smith đã phát hiện ra rằng selen là một chất siêu quang. Đáng tiếc, hai khám phá mang tính cách mạng đã hoàn toàn bị bỏ qua.

Tại sao người ta lại bỏ qua nguồn năng lượng quý giá này?

Nếu công nghệ năng lượng mặt trời tồn tại trước đó và nó đã được chứng minh là có hiệu quả thì tại sao lại bị từ chối? Câu trả lời là: giá than. Lợi ích kinh tế liên tục của Hiệp ước Cobden-Chevalier, kết hợp với vận chuyển nội bộ hiệu quả hơn đã làm giảm sự cần thiết phải nghiên cứu về năng lượng thay thế cho than. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện được cho là rẻ hơn nhiều so với việc tài trợ cho các nghiên cứu năng lượng mặt trời, nó cũng tạo ra nguy cơ cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất than và điện than. Về cơ bản mọi người đã chọn con đường dễ dàng hơn mà ít gây hấn hơn cho nền kinh tế. Ngay sau đó, chính phủ Pháp tuyên bố rằng năng lượng mặt trời là không kinh tế và cắt ngân sách tài trợ cho Mouchot.

“Cuối cùng, ngành công nghiệp [năng lượng từ than] sẽ không còn tìm thấy ở châu Âu các nguồn lực để đáp ứng sự bành trướng phi thường của nó. Than rồi chắc chắn sẽ được sử dụng hết. Ngành công nghiệp sẽ làm gì sau đó? “- Augustin Bernard Mouchot nói sau khi ông trình diễn một ứng dụng công nghiệp đầu tiên của năng lượng nhiệt mặt trời vào năm 1880.

Tranh vẽ một đoàn tàu chở than ở Pháp thế kỉ 19. (Ảnh: SSPL Prints)

Sau Mouchot, các nhà khoa học khác đã nghiên cứu năng lượng mặt trời và các giá trị đáng kinh ngạc của nó. Vào năm 1883, Charles Fritts, một nhà phát minh người Mỹ đã giới thiệu một kế hoạch tạo ra pin mặt trời. Một trong những nhà khoa học danh tiếng nhất thế giới, Albert Einstein đã tìm tòi về năng lượng mặt trời vào năm 1905 để nghiên cứu hiệu ứng quang điện, và 16 năm sau, vào năm 1921, nó đã đóng góp cho nghiên cứu giúp ông giành giải thưởng Nobel.

Có lẽ một trong những đột phá quan trọng nhất về năng lượng mặt trời đã diễn ra khi Gerald Peterson, Calvin Fuller và David Chapin thiết kế một thiết bị lấy ánh sáng mặt trời và biến nó thành năng lượng điện trong Phòng thí nghiệm Bell.

Vào giữa những năm 1950, các tấm pin mặt trời đã được phát triển để có thể được sử dụng trên tàu vũ trụ và vệ tinh nhưng hơn 50 năm sau, hiện tính phổ biến của những tấm pin ưu việt này vẫn còn rất hạn chế.

Pin mặt trời được gắn trên trạm vũ trụ Skylab của Hoa Kỳ năm 1973. (Ảnh: Wikipedia)

Như bạn có thể thấy, hơn 100 năm trước, con người có khả năng thay đổi thế giới và chấm dứt mạnh mẽ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng như những gì đã diễn ra trong quá khứ, bộ óc thông minh nhất hành tinh không thể đưa ra tất cả các lựa chọn và hệ quả là ngày nay, chúng ta phải vật lộn với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch qua thời gian dài.

Con người luôn cho rằng mình khôn ngoan, tài giỏi, nhưng chính sự vị tư và ích kỉ đã dẫn đến hàng loạt các quyết định sai lầm trong lịch sử. Hãy tưởng tượng toàn bộ nền văn minh của chúng ta sẽ khác biệt như thế nào nếu chúng ta đưa vào cuộc sống hàng ngày công nghệ năng lượng mặt trời hơn một trăm năm trước?

Hoài Anh

Video: Nhà dùng năng lượng xanh của Thái Lan – BBC News Tiếng Việt

Exit mobile version