Người ta có thể hỏi tại sao lại chia giờ thành 60 phút, chia ngày thành 24 giờ – mà không phải là một bội số của 10 hay 12?
Nói đơn giản, câu trả lời là bởi các nhà phát minh ra việc đo thời gian không sử dụng hệ thập phân (cơ số 10) hoặc thập nhị phân (cơ số 12) mà là hệ lục thập phân (cơ số 60). Những nhà phát minh người Sumer cổ xưa lần đầu tiên đã chia chuyển động của thời gian trên trời thành các khoảng đo được, 60 là con số hoàn hảo.
Tính hữu ích của số 60
Số 60 có thể chia được cho 1,2,3,4,5,6,10,12,15,20,30 thành các phần bằng nhau. Hơn nữa, các nhà thiên văn cổ xưa tin rằng đã có 360 ngày trong một năm, con số trong đó số 60 xuất hiện đúng 6 lần.
Đế chế Sumer đã không tồn tại mãi mãi, tuy nhiên, trong hơn 5.000 năm, thế giới vẫn tiếp tục sử dụng sự phân định thời gian của họ.
Thời gian trôi
Nhiều nền văn minh cổ xưa đã sử dụng một cách đo phỏng chừng thời gian trôi qua. Ngày bắt đầu tất nhiên với mặt trời mọc và đêm bắt đầu với hoàng hôn.
Các tuần, các tháng và các năm trôi đi một cách hiển nhiên nhưng khó xác định cụ thể, và chúng được làm tròn bởi các dân tộc cổ đại. Một tháng là số đo thời gian của một chu kỳ trăng tròn, và một tuần là đo thời gian cho một khoảng của chu kỳ trăng.
Một năm có thể được ước tính dựa trên sự thay đổi của các mùa và vị trí tương đối của mặt trời. Một khi đỉnh của mặt trời được xác định, các học giả có thể đếm số lần bình minh và hoàng hôn của mặt trời đang trôi qua cho đến khi mặt trời đạt đến đỉnh một lần nữa.
Bằng cách này, những người cổ đại: Ai Cập, người Maya và người Babylon, và những dân tộc khác nữa đã xác định năm có 360 ngày. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học và toán học người Sumer là những người đầu tiên đã chia một cách có hệ thống thời gian trôi qua. Công việc của họ đã được chấp nhận rộng rãi và lan rộng khắp châu Á.
Các nền văn minh cổ đại ngắm bầu trời để đánh dấu thời gian trôi Hệ thập phân không phải là hệ thống đếm đầu tiên
Hệ thập phân hiện nay là cơ sở số học phổ biến nhất được sử dụng. Đây là một hệ đếm được sử dụng ngay lập tức, bởi lẽ con người có 10 ngón tay để đếm.
Ta có thể tìm thấy việc phát minh ra hệ thập phân bắt nguồn từ rất nhiều nơi, đáng ghi nhận có người Hy Lạp (khoảng 300 TCN), người Trung Quốc (dấu vết đầu tiên vào khoảng năm 1400 TCN), và người Ấn Độ ( khoảng 1000 TCN).
Còn nguồn gốc của hệ thập nhị phân thì ta ít biết đến hơn, mặc dù nó dường như đã xuất hiện một cách độc lập trong ngôn ngữ của người Nigeria cổ, người Trung Quốc và Babylon, có lẽ xuất phát từ tín ngưỡng vào 12 dấu hiệu của hoàng đạo.
Tuy nhiên, tất cả những hệ đếm này đều đến sau, bởi người Sumer cổ đại đã thiết lập hệ đếm lục thập phân của họ trong thiên niên kỷ thứ 3 TCN.
Người Sumer phát minh ra hệ lục thập phân
Người Sumer trước hết chọn số 60 bởi nó dễ chia. Chỉ có một ít số mà số 60 và bội số của nó không chia hết, số dư xuất hiện không phải là số thập phân được lặp đi lặp lại (ví dụ. 1/3 = 0,333 …), một khái niệm mà người Sumer không thể đối phó vào thời đó.
Vùng đất của người Sumer đã bị người Akkadien chinh phục năm 2400TCN, sau đó là người Amorrite (còn được gọi là người Babylon) vào năm 1800 TCN. Mỗi thế lực chiếm đóng cũng đều áp dụng hệ đếm lục thập phân đơn giản và kết hợp nó vào lĩnh vực toán học riêng của họ.
Khái niệm về phân chia thời gian thành 60 đơn vị vẫn tồn tại và lan rộng về phía Đông đến Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc cũng như đến phương Tây ở Ai Cập, Carthage và Rome.
Hệ đếm này được điều chỉnh tốt hơn từ sau khi người Trung Quốc phát hiện ra 12 giờ thiên văn của các ngôi sao (một phát hiện chủ yếu là lý thuyết bởi hầu hết mọi người sống theo mặt trời).
Nó cũng được sử dụng trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt dùng để sự phân chia các buổi canh đêm thành nhiều phần bằng nhau. Người Ai Cập duy trì 3 canh mỗi đêm, người La Mã thì 4 canh.
Với những đổi mới của Hy Lạp và Hồi giáo trong hình học, người ta phát hiện ra rằng 360 không chỉ để đo thời gian của quỹ đạo lý tưởng của Trái Đất, mà còn là số tuyệt vời để đo hình tròn.
Hệ lục thập phân này đã bắt đầu củng cố vị trí của mình trong lịch sử khi trở nên thiết yếu cho toán học và cho hàng hải (trái đất được chia thành các kinh độ và vĩ độ).
Cuối cùng với sự xuất hiện của đồng hồ ở thế kỷ XIV, sự thể hiện vòng tròn của nó được chia thành 4 cung phần tư, một giờ là 60 phút, mỗi phút là 60 giây.
(Nguồn ảnh: Epoch Times France)
Xuân Hà