Đại Kỷ Nguyên

Có nên tiếp tục tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất? Phần 1: Tại sao không nên

Tinh vân LL Ori và Orion. (NASA, ESA, và Hubble Heritage Team)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, việc tìm thấy nó sẽ không chỉ rất khó khăn với trình độ công nghệ hiện tại của chúng ta, mà cũng sẽ thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta hay cuộc sống của những sinh vật ngoài hành tinh mà chúng ta tìm thấy.

M27: Tinh vân Dumbbell (Bill Snyder/NASA)

Nếu tìm thấy các vi khuẩn trên bề mặt sao Hỏa hay một thế giới xa xôi nào khác, hay khi chúng ta tiếp cận với một nền văn minh tiên tiến, xa xôi, thì khoa học của chúng ta chắc chắn sẽ phát triển vượt trội và hiểu biết của chúng ta về vũ trụ sẽ thăng tiến mạnh mẽ.

Câu hỏi đầu tiên là cân nhắc xem liệu sự sống có thể tồn tại ngoài kia để chúng ta có thể liên lạc hay không?

Câu trả lời hầu như là “Có”, nếu tính theo phương trình Drake. Phương trình Drake được tiến sĩ Frank Drake đưa ra lần đầu tiên vào năm 1961. TS Drake là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất; ông đã học ngành thiên văn học vô tuyến tại Harvard và nắm giữ nhiều vị trí trong lĩnh vực này, bao gồm công việc với Phòng thí nghiệm Phản lực Máy bay của NASA, giữ vị trí giáo sư trường Đại học Cornell, và làm giám đốc Đài quan sát thiên văn Arecibo ở Puerto Rico. Ông đã sử dụng một công thức khá đơn giản để dự đoán số lượng các nền văn minh có công nghệ tiến tiến trong hệ Ngân Hà của chúng ta.

Phương trình Drake như sau: N = R* x fp x ne x fl x fi x fc x L

N (Number) = Số lượng các nền văn minh trong hệ Ngân Hà có khả năng phát sóng điện từ mà con người bắt được.

R* = Tỷ lệ hình thành các ngôi sao phù hợp với sự phát triển của sinh vật có trí thông minh

fp = Tỷ lệ những ngôi sao đó với các hệ hành tinh.

ne = Xác suất các hành tinh trong hệ mặt trời có môi trường phù hợp cho sự sống.

fl = Xác suất hành tinh có môi trường phù hợp để sự sống có thể thật sự xuất hiện.

fi = Xác suất các hành tinh chứa sự sống có thể xuất hiện sinh vật thông minh.

c = Xác suất các nền văn minh có thể phát triển công nghệ, cho phép phát các tín hiệu tồn tại của họ vào không gian.

L = Chiều dài thời gian mà những nền văn minh như vậy có thể phát các dấu hiệu vào không gian.

Xem thêm: Đừng ‘kích động người ngoài hành tinh đến hủy diệt Trái đất’, các nhà khoa học cảnh báo

Tất nhiên, đây chỉ là lý thuyết thuần túy, bởi vì chúng ta không biết giá trị thực của các thừa số được xét đến. Nhưng dựa trên ước lượng của mình, TS Drake cho rằng hiện nay có khoảng 50.000 nền văn minh thông minh có thể đang tồn tại, và họ có thể truyền phát các tín hiệu vào không gian. Đây dường như là một con số lớn, nhưng nếu xét đến sự to lớn của vũ trụ và xác suất nền văn minh của chúng ta bắt được tín hiệu đó, thì xác suất tìm được một hệ mặt trời có sự sống chỉ là một phần một triệu. Vì vậy, đối với tổ chức SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence-Tìm kiếm sự thông minh ngoài Trái đất), mà Drake giữ vị trí giám đốc danh dự, thì đây là một cây kim trong đại dương mênh mông.

Câu hỏi kế tiếp là: Liệu nhân loại đã sẵn sàng lên lạc với sinh vật ngoài hành tinh, cho dù là các vi khuẩn hay một nền văn minh tiên tiến?

Khía cạnh thứ nhất là, cần xem xét là sự ô nhiễm tiềm năng theo cách này hay cách khác giữa các sinh vật trong và ngoài Trái đất. Liệu chiến tranh, nạn đói, tham nhũng chính trị, bệnh tật, và ô nhiễm môi trường có thể tác động đến một nền văn minh ngoài hành tinh nguyên sơ hơn không?

Một khía cạnh phải xem xét, đó là sự ô nhiễm tiềm năng theo cách này hay cách khác giữa các sinh vật trong và ngoài Trái đất.

Chúng ta làm ô nhiễm gần như tất cả khối nước ngọt trên Trái đất cũng như gây ô nhiễm cho đất đai và bầu khí quyển. Khó tin rằng chúng ta có thể gây ô nhiễm cho sự bao la của không gian vũ trụ ngoài kia, nhưng NASA hiện đang theo dõi 500.000 mảnh “rác vũ trụ” di chuyển với vận tốc lên đến 28.000 km/h.

Năm 1996, một vệ tinh của Pháp đã bị mảnh vụn từ một chiếc tên lửa của Pháp phát nổ một thập kỷ trước đây va phải. Năm 2009, một vệ tinh không hoạt động của Nga va chạm với một vệ tinh thương mại đang hoạt động của Mỹ. Vụ va chạm này làm tăng thêm 2.000 mảnh vụn vào khối rác vũ trụ. Năm 2007, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm công nghệ tên lửa chống vệ tinh. Nó đã phát hủy một vệ tinh thời tiết bị hỏng, làm tăng thêm 3000 mảng vụn nữa vào khối rác này. Hơn 20.000 mảnh vụn có kích cỡ lớn hơn một quả bóng mềm và một số trong chúng nhỏ đến nỗi nằm ngoài tầm giám sát của chúng ta.

Nếu chúng ta đối xử với Trái đất của chúng ta và không gian xung quanh như vậy, thì có lẽ điều tốt nhất là chúng ta không nên tự giới thiệu bản thân với người ngoài hành tinh.

Mặt khác, tình trạng của chúng ta có thể chuyển từ xấu thành tệ hại nếu sinh vật ngoài Trái đất làm ô nhiễm thêm thế giới của chúng ta. Chúng ta đã thấy cách một chủng loài ngoại lai có thể hủy hoại môi trường sinh thái như thế nào. Sinh vật từ các thế giới khác cũng có thể tạo nên nguy cơ tương tự.

Chúng ta đã thấy cách một chủng loài ngoại lai có thể hủy hoại môi trường sinh thái như thế nào. Sinh vật từ các thế giới khác cũng có thể tạo nên nguy cơ tương tự.

Các chuyến thám hiểm không gian của chúng ta một phần là để tìm kiếm các nguồn tài nguyên, và người ngoài hành tinh cũng có thể có mục đích tương tự. Nếu chúng ta tìm thấy sinh vật thông minh, có lẽ tốt nhất là chúng ta không nên thu hút sự chú ý thái quá đến tài nguyên cũng như chính bản thân chúng ta.

Trong bộ phim tài liệu trên kênh Discovery, “Khám phá vũ trụ với Stephen Hawking”’ Hawking tưởng tượng khả năng các sinh vật ngoài hành tinh tiên tiến du cư trong các phi thuyền lớn, tìm cách xâm chiếm và đô hộ bất kỳ hành tinh nào họ có thể tiếp cận để khai thác nguồn tài nguyên ở đó.

“Chúng ta chỉ cần phải nhìn vào chính bản thân mình, để suy nghĩ ra được các tình huống xấu mà các sinh vật thông minh có thể gây ra”. Ông so sánh các chuyến thăm của người ngoài hành tinh với việc Colombo phát hiện ra Tân Thế Giới, “cuối cùng thì đó không phải là tin mừng đối với thổ dân Mỹ bản địa”.

Chúng ta chỉ cần phải nhìn vào chính bản thân mình, để suy nghĩ ra được các tình huống xấu mà các sinh vật thông minh có thể gây ra

— Stephen Hawking


Stephen Hawking (NASA)

Dù sẵn sàng hay không, cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiến hánh và một cuộc đụng độ với người ngoài hành tinh có thể xảy ra vào bất cứ ngày nào. SETI đã làm việc rất chăm chỉ để liên lạc hay tìm kiếm các tín hiệu truyền phát từ sinh vật ngoài hành tinh có trí thông minh từ năm 1984. Xe tự hành thăm dò Sao Hỏa Curiosity của NASA không chỉ dành riêng cho mục đích tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa, mà nó còn được thiết kế để đánh giá khả năng “định cư” trên Sao Hỏa, theo thông tin từ NASA.

Dải kính thiên văn Allen ở California, một dải kính thiên văn radio phục vụ mục đích quan sát thiên văn và tìm kiếm các sinh vật có trí thông minh ngoài hành tinh. (Colby Gutierrez-Kraybill/CC by 3.0)

Rất nhiều các nhà khoa học muốn liên hệ với sinh vật ngoài hành tinh để mở rộng phạm vi khoa học. Ngay cả các tôn giáo có tổ chức cũng đã thảo luận về vấn đề này. Năm 2008, trưởng nhóm thiên văn học của Vatican nói rằng niềm tin vào người ngoài hành tinh không mâu thuẫn với đức tin vào Chúa. Hơn nữa, Giám đốc Đài quan sát Thiên văn Vatican, Đức cha José Gabriel Funes nói rằng sự rộng lớn của vũ trụ cho thấy có khả năng tồn tại cuộc sống ngoài Trái đất, ngay cả tồn tại các sinh vật thông minh.

Xem thêm: Tôn giáo và khoa học: Từ Bruno, Galileo đến người ngoài hành tinh

Về cơ bản, cho dù chính phủ Mỹ và Vatican có quan điểm tích cực, thì cũng khó có thể xác định các nền văn hóa khác nhau trên Trái đất sẽ phản ứng thế nào về sự sống ngoài hành tinh.

Nếu xét đến lịch sử bạo lực của chúng ta, liệu chúng ta có phải đối mặt với một cuộc chiến tranh giữa các vì sao hay không? Một khi liên hệ được thiết lập, liệu chúng ta có thể kiểm soát và ngăn chặn được các diễn biến tiêu cực hay không?

Đón xem: “Cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất vẫn tiếp tục, nhưng có nên không? (Phần 2: Tại sao nên)”

Paul Darin, Epoch Times
Quý Khải biên dịch

Exit mobile version