Tại bất kỳ thời điểm nào, cũng có hàng vạn dự án gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) trên mạng. Lướt qua hai trang Kickstarter và Indiegogo, bạn sẽ tìm thấy đủ các loại dự án kỳ lạ, vô dụng và “có vấn đề”, bên cạnh các hòn ngọc thật sự tiềm năng.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ bỏ qua tất cả các thiết bị “vô thưởng vô phạt” và các món đồ nhái kính thực tế ảo Oculus Rift để lọc ra các dự án khác độc đáo, táo bạo, và thú vị nhất. Nhưng đừng vội rút hầu bao. Hãy nhớ rằng bất kỳ dự án crowdfunding nào cũng có thể thất bại, thậm chí cả những dự án tiềm năng nhất. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi chi tiền cho thiết bị mơ ước của bạn.
Freedum: Thiết bị đánh trống ảo
Bạn muốn trở thành một tay trống cự phách giống Trọng Nhân trong Vietnam Got Talent mùa vừa qua, nhưng không đủ quỹ để tự sắm cho mình một bộ trống thật sự? Không nên lo lắng, vì đã có Freedrum – một thiết bị đánh trống ảo chuyên nghiệp.
Cách dùng rất đơn giản, bạn gắn thiết bị Freedrum lên tay trống, rồi kết nối bluetooth với smartphone, và thế là có một bộ trống thực thụ. Bạn sẽ không cần gõ lên bất kỳ cái trống nào, ngoài một cái trống tưởng tượng trong không trung, nhưng trải nghiệm lại rất chân thực.
Freedrum tích hợp một bộ cảm ứng thông minh. Về cơ bản, hệ thống cảm ứng sử dụng một con quay hồi chuyển được tinh chỉnh (gyroscope) và một gia tốc kế để xác định một vài thông số, ví như khi đánh trống, cường độ lực tác động lên mặt trống lớn đến đâu, dựa trên góc đánh và tốc độ vụt. Dữ liệu này sau đó được biến đổi thành “các khu vực tác động” được lập trình để phát ra âm thanh mong muốn thông qua một ứng dụng kết nối Bluetooth đi cùng. Freedrum chạy bằng một cục pin Lipo cỡ tiểu, dung lượng cao, sạc đầy trong khoảng 1 tiếng, có khả năng vận hành liên tục trong 7 giờ đồng hồ.
Video giới thiệu thiết bị đánh trống ảo Freedrum:
AirSelfie — máy bay drone chụp ảnh selfie
Máy bay drone đã cải tiến vượt bậc trong vài năm gần đây, nhưng chúng khá cồng kềnh và không dễ mang theo, nên hiện các nhà sản xuất đang tìm cách thu nhỏ kích thước của chúng, khiến chúng dễ di chuyển hơn, thậm chí xách tay được. Với sự phát triển như vũ bão của smartphone, cảm ứng compact, camera, và bộ xử lý – những bộ phận cấu tạo của drone – chúng ta có thể chế tạo một máy bay drone mini siêu di động (ultraportable), nhưng vẫn đầy đủ các tính năng thông thường.
AirSelfie là sản phẩm mới nhất trong danh mục mới nổi này. Đây là một máy bay drone chụp ảnh selfie, tuy không phải là ý tưởng mới, nhưng lại đặc biệt thon gọn, có thể bỏ túi để mang theo bên mình. Chính nhờ kích thước thon gọn, máy bay drone này có thể “chui vào” một ốp lưng (case) điện thoại đặc chế không lớn hơn một chiếc smartphone cỡ bự, đặc biệt tương thích với cả hệ điều hành iOS lẫn Android. Để vận hành, chỉ cần kết nối với một ứng dụng smartphone đi kèm. Công việc còn lại? Chụp ảnh thỏa thích thôi! Với một camera có độ phân giải 5 megapixel tương đương video HD, AirSelfie về cơ bản là một “nhiếp ảnh gia bay” cho vừa túi quần hoặc túi áo của bạn.
Tin vui: sản phẩm này đã gây đủ quỹ để sản xuất trên quy mô rộng. Nếu bạn hứng thú, có thể đặt trước hoặc chờ đến năm sau (2017) khi sản phẩm này được mở bán chính thức trên toàn cầu.
Video giới thiệu về AirSelfie:
Rocketbook Everlast và Rocketbook Wave— Sổ ghi chép “tự tái chế”
Đây chắc chắn là một sản phẩm thần kỳ, như phép thuật vậy!
Bạn có đang phải mài bút qua hàng loạt cuốn sổ/vở ghi chép và thường xuyên phải mua mới? Nếu có, thì Rocketbook chính là thứ bạn cần. Cuốn sổ này được thiết kế với tính năng “tự tái chế”, tuy vậy không phải là loại bảng trắng dùng bút lông mà vẫn hoàn toàn là giấy dùng mực viết.
Có thể bạn tự hỏi: dùng mực viết lên giấy thì làm sao xóa được, làm sao tự tái chế đây?
Điều kỳ diệu nằm chính ở chất liệu giấy và loại bút đặc chế đi kèm, mang tên PILOT FRIXION PEN.
Có hai loại sổ: [Rocketbook] Wave và [Rocketbook] Everlast.
Với loại sổ Wave, khi dùng kết hợp với bút Frixion Pen, các dòng chữ sẽ biến mất sau khi… quay trong lò vi sóng trong 30 giây. Chính vì loại mực Frixion này (Frixion ink) sẽ mất màu sắc khi hơ nóng trên một mức nhiệt nhất định.Tức là, các dòng chữ đó vẫn nằm trên giấy, chỉ là đã mất màu sắc nên trang giấy trở thành trắng như mới, từ đó tạo nên tính năng tự tái chế của loại sổ này. Loại sổ này có giấy làm từ chất liệu cellulose.
Với loại sổ Everlast, công đoạn tự tái chế thậm chí còn đơn giản hơn. Được làm từ sợi tổng hợp nhân tạo chống thấm nước, chữ viết trên loại giấy này sẽ biến mất sau khi chùi qua bằng một tờ giấy ẩm. Tuy nhiên, nếu tờ giấy khô, thì vết mực sẽ bám chắc ở đó mà không bị mất khi chùi.
(Ảnh: Rocketbook)
Có thể bạn băn khoăn: Thần kỳ như vậy, có thể chất lượng màu sắc chữ cũng đặc thù, không nhất định đẹp như khi viết mực thường.
Không phải! Nhìn từ bề mặt thì không có chút gì khác biệt so với một trang giấy viết mực thường.
Khá giống với khi viết mực thường chứ! (Ảnh: Rocketbook)
Nếu không dùng giấy ẩm thì không xóa được đâu nhé! (Ảnh: Rocketbook)
Với sổ Wave, thì số lần tái chế kỳ vọng là 5-20 lần. Nhưng với sổ Everlast, thì đúng như tên gọi của nó, số lần tái chế là vĩnh cửu, kỳ vọng lên đến trên 1000 lần.
Thật quá đỗi kỳ diệu! Nhưng điểm độc đáo không chỉ dừng lại ở đó. Khi sử dụng ứng dụng Rocketbook để chụp ảnh trang giấy trong cuốn sổ, nội dung trong đó sẽ được kỹ thuật số hóa và lưu vào dịch vụ lưu trữ đám mây tùy chọn (Google Drive, Dropbox, OneDrive, Box…) hoặc ngay cả vào email của bạn.
Công đoạn lưu trữ nội dung trên trang giấy bằng ứng dụng Rocketbook trên smartphone. (Ảnh: Rocketbook)
Trên mỗi trang giấy có thiết kế 7 biểu tượng, mỗi biểu tượng liên kết với một nơi lưu trữ trực tuyến (email, Google drive, Dropbox…) tùy chọn. Đánh dấu một biểu tượng, và ứng dụng Rocketbook sẽ tự biết phải lưu trữ nội dung trên trang giấy đó vào đâu.
(Ảnh: Rocketbook)
Thực ra sản phẩm này đã xuất hiện trên Indiegogo một vài năm về trước, nhưng hiện các nhà sáng chế muốn đưa nó lên Kickstarter gây quỹ để mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Digital Trends
Quý Khải tổng hợp
Xem thêm: