Công nghệ đáng kinh ngạc này rất phổ biến thời cổ đại và bằng chứng về nó có thể được tìm thấy ở tất cả các ngóc ngách trên thế giới.
Không biết các thợ xây thời tiền sử đã sử dụng chất liệu gì để tạo ra các những cái lỗ tròn hoàn hảo như vậy.
Kỹ thuật đục lỗ ấn tượng này cho thấy tổ tiên chúng ta đã khá quen thuộc với một công nghệ cực kỳ tiên tiến.
Các lỗ tròn có kích thước lớn được tìm thấy trên các phiến đá đòi hỏi kỹ thuật cao và dụng cụ đục cắt chính xác. Độ cứng của phiến đá không là gì đối với những đôi bàn tay tài hoa của thợ xây thời tiền sử!
Tất cả các loại đá (thậm chí những loại cứng nhất) đã được khoan để phục vụ cho các mục đích kiến trúc, nghi lễ hay biểu tượng.
Lấy ví dụ, các thợ xây thời cổ đại đã sử dụng một ống khoan để khoan rỗng cỗ quan tài bằng đá trong Căn phòng Nhà Vua ở Đại Kim tự tháp.
Họ đã khoan lệch ra ngoài và để lại một vết khoan trên phần đỉnh ở phía bên trong chiếc quan tài ở phía Đông. Họ đã đánh bóng một chút để che lấp nó đi, nhưng chúng ta sẽ vẫn có thể nhìn thấy nếu quan sát kỹ.
Những nhà khảo cổ học đầu tiên khám phá ra nơi này đã rất ngạc nhiên trước trình độ kỹ thuật của người cổ đại. W.M. Flinders Petrie (1853-1942), một nhà khảo cổ học người Anh và cũng là một nhà Ai Cập học nổi tiếng từng chia sẻ:
“Các mũi khoan hình ống này có độ dày khác nhau, với đường kính dao động trong khoảng 0,6 cm đến 12,7 cm, và độ dày từ 0,84 mm đến 0,58 cm .
Lỗ nhỏ nhất được tìm thấy trong đá granite có đường kính khoảng 5cm. Trong một trường hợp khác, một tảng đá vôi được khoan bỏ một phần, bằng cách cắt bỏ các mũi khoan có đường kính khoảng gần 46cm; các đường rãnh tròn thỉnh thoảng giao cắt nhau, chứng tỏ nó được làm chủ yếu là để loại bỏ tảng đá “.
Bình luận về các mũi khoan dạng này, Robert Francis từ Dự án Giáo dục Toàn cầu (The Global Education Project) nhận định:
“Những người thợ thủ công đã làm được việc này chắc chắn đã nắm vững các nguyên tắc khoan các lỗ tròn trên bất kỳ loại chất liệu nào, tính mềm và hay tính cứng như: gỗ, đá hoặc kim loại, và biết đâu được, có khi họ đã khoan lỗ gần như tất cả mọi loại chất liệu tự nhiên trên hành tinh này…”
Truyền thống khoan cắt những lỗ tròn hoàn hảo trên đá bí ẩn cũng được biết đến ở phía Tây hạt Cornwall (Anh), nơi có thể tìm thấy những phiến đá Men-a-Tol nổi tiếng. Đây là một khối đá nổi tiếng, độc đáo và rất đặc thù (hình dưới).
Cần phải nhấn mạnh rằng không ai biết mục đích của những phiến đá Men-an-Tol là gì và cũng không ai biết chúng được xây dựng khi nào.
Các lỗ tròn tương tự cũng thấy có ở Ai Cập cổ đại, ở Abusir và khu phức hợp kim tự tháp Abu Ghurob trực thuộc, nằm cách thung lũng Giza (vị trí của Đại Kim tự tháp) 2 km về phía nam và nằm trong khu vực “Sanctuary of the Knife”, ở rìa khu phức hợp kim tự tháp Neferefre tại Abusir.
Năm 1996, mảnh khoan đá granit này được trưng bày tại Bảo tàng Cairo mà không có bất kỳ thông tin nhận dạng liên quan nào.
Hình ảnh của nó (bên dưới) rõ ràng cho thấy các đường rãnh xoáy ốc rất đồng đều.
Những cái khe rãnh trên có độ sâu và khoảng cách rất đồng đều, tròn trịa, như một bông hoa nhiều cánh, mỗi cánh là một hình bán nguyệt. Nếu các rãnh bán nguyệt này được tạo ra nhờ sự ma sát, mài mòn với bùn đất dưới đáy sông, thì chúng không thể đồng đều đến vậy.
Những kỹ năng ấn tượng của các thợ thủ công thời tiền sử cũng được nhìn thấy trên các tảng đá cổ đại tại khu vực tàn tích Ugarit, một thành phố được xây bằng đá gần Latakia – một thành phố cảng quan trọng của Syria.
Nhìn vào những kỹ thuật đục cắt lỗ ấn tượng này, nhiều người không khỏi tự hỏi rằng phải chăng nhiều công nghệ được cho là hiện đại của chúng ta thực ra đã có nguồn gốc cổ xưa, hoặc thậm chí trong một số trường hợp từng được phát minh thời cổ đại, đã bị thất lạc rồi lại được tái phát minh vào thời hiện đại.
Nhật Quang