Đại Kỷ Nguyên

Công nghệ khiến chúng ta đần độn hay thông minh hơn?

(Ảnh: Shutterstock)

Chiếc điện thoại thông minh nằm gọn trong tay có thể giúp bạn quay video, chỉnh sửa và gửi nó đi khắp thế giới. Bạn còn có thể tìm đường trong thành phố, mua xe, theo dõi những dấu hiệu sinh học của cơ thể và thực hiện hàng ngàn công việc khác. Nhưng vậy thì sao?

Trước đây, mỗi hoạt động này đều đòi hỏi phải có kỹ năng cụ thể cũng như các nguồn lực để hoàn thành. Ví như làm một bộ phim thì đầu tiên cần có máy quay phim và các công nghệ hỗ trợ (phim, thiết bị chiếu sáng và chỉnh sửa). Thứ hai, cần học cách sử dụng chúng và thuê một đội làm phim. Thứ ba, quay phim. Thứ tư, rửa phim và chỉnh sửa phim. Thứ năm, tạo bản sao rồi phân phối chúng.

Bây giờ, tất cả những công việc này có thể được giải quyết bằng công nghệ. Chúng ta không cần phải học những kỹ năng chi tiết phức tạp nữa, vì các lập trình viên smartphone đã tự động hóa chúng. Như vậy, các nhà làm phim giờ đây có nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc của họ, và trở thành một nhà làm phim cũng dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong lịch sử, công nghệ đã làm chúng ta ngu ngơ hơn và thông minh hơn xét trên khía cạnh cá nhân – nhưng xét trên tập thể thì là thông minh hơn. Công nghệ giúp chúng ta làm được nhiều hơn, nhưng lại hiểu ít hơn về những gì chúng ta đang làm, và tăng sự lệ thuộc vào người/công cụ khác.

Đây không phải là xu hướng mới gần đây, mà là một phần của lịch sử công nghệ kể từ khi con người bắt đầu biết làm nông. Trong những thập kỷ gần đây, ba thay đổi lớn đã đẩy nhanh quá trình này, bắt đầu bằng việc gia tăng tốc độ chuyên môn hóa kỹ năng của con người. Ngoài ra, chúng ta tận dụng nhiều kỹ năng từ công cụ công nghệ, chẳng hạn như ứng dụng làm phim trên điện thoại thông minh giúp giảm bớt việc phải học một lượng lớn kiến thức kỹ thuật. Và ngày càng có nhiều người hơn có thể tiếp cận công nghệ so với trước đây, điều này giúp họ sử dụng những phương tiện như thế dễ dàng hơn.

Kiến thức chuyên ngành

Kiến thức chuyên ngành giúp chúng ta trở nên chuyên nghiệp ở một số lĩnh vực, nhưng sẽ làm mất cơ hội học các lĩnh vực khác, ví dụ: học làm y tá phòng cấp cứu hay lập trình viên máy tính thì sẽ không thể học trồng cây lương thực hay xây dựng nhà.

Adam Smith đã cho biết trong cuốn sách “Của cải của các quốc gia” vào năm 1776 rằng kỹ năng chuyên môn giúp con người làm việc hiệu quả hơn khi tập trung vào một số nhiệm vụ, nhưng lại đánh đổi bằng việc phụ thuộc vào người khác cho các nhu cầu khác. Về lý thuyết thì tất cả mọi người đều đang hưởng lợi.

Chuyên môn hóa là hệ quả liên quan đến đạo đức và tính thực dụng. Công nhân lành nghề thường được tuyển dụng và kiếm nhiều tiền hơn những công nhân chưa qua đào tạo. Một lý do khiến Hoa Kỳ chiến thắng trong Thế Chiến II chính là vì họ giữ những lao động có tay nghề, các kỹ sư và nhà khoa học làm việc tại quê nhà thay vì gửi họ vào cuộc chiến. Với kỹ năng điều hành máy móc công cụ hay giàn khoan dầu, họ có thể cống hiến nhiều hơn cho cuộc chiến bằng việc ngồi ở nhà và gắn bó với một nhiệm vụ chuyên biệt, hơn là ra tiền tuyến với một cây súng. Điều này cũng có nghĩa là những người đàn ông khác (và một số phụ nữ) phải mặc quân phục và đối mặt với cái chết nhiều hơn.

Máy móc được chế tạo để phục vụ hầu hết chúng ta

Việc tích hợp những kỹ năng của con người vào một máy tính gọi là “blackboxing” (hộp đen), vì các hoạt động của chúng vô hình đối với người dùng, cho phép nhiều người dùng có thể làm những việc như đo huyết áp mà không tốn thời gian, nguồn lực và công sức vào việc học các kỹ năng. Đưa những kỹ năng chuyên môn vào máy móc giúp làm giảm rào cản tham gia vì người ta không cần phải học nhiều như trước, chẳng hạn so sánh giữa việc học lái một chiếc xe sang số bằng tay với xe có hộp số tự động.

Việc sản xuất hàng loạt các công nghệ hộp đen cho phép nhiều người dùng có thể tiếp cận hơn. Điện thoại thông minh và bộ kiểm tra huyết áp tự động sẽ ít hiệu quả nếu chỉ hàng ngàn người sử dụng chúng, thay vì hàng triệu người đều cần nó. Nhưng có một thực tế đáng buồn đó là việc sản xuất hàng chục triệu khẩu súng trường tự động như AK-47 đồng nghĩa với việc một cá nhân có thể giết nhiều người dễ hàng hơn so với các loại vũ khí thô sơ như dao.

Trên thực tế, chúng ta phụ thuộc vào người khác để làm những gì chúng ta không thể làm hay làm không tốt. Đặc biệt, cư dân thành phố phải phụ thuộc vào nhiều cấu trúc vô hình để được cung cấp nguồn điện, loại bỏ chất thải, hay đảm bảo nguồn thực phẩm và còn hàng chục nghìn những thứ khác.

Phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ là nguy hiểm

Một nhược điểm chính của việc gia tăng sự phụ thuộc vào công nghệ là những hậu quả cũng sẽ gia tăng theo nếu những công nghệ này bị phá hủy hay biến mất. Cuốn “Kiến thức” của Lewis Dartnell cung cấp một thăm dò thú vị (và đáng sợ) về cách những người sống sót sau ngày tận thế sẽ cứu vãn và duy trì công nghệ của thế kỷ 21 như thế nào.

Một ví dụ điển hình là Học viện Hải quân Hoa Kỳ vừa tiếp tục duy trì việc đào tạo nhân viên có thể định hướng bằng kính lục phân. Trong lịch sử, đây là cách duy nhất xác định vị trí của một con tàu trên biển, kỹ thuật này đang được giảng dạy lại một lần nữa để đề phòng trường hợp những kẻ tấn công mạng máy tính làm nhiễu loạn tín hiệu GPS và để cho chuyên gia định hướng hàng hải tin tưởng hơn về những gì máy tính đang làm.

Làm sao người ta có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc và hay thay đổi? Dù không thể thực sự tự chủ được, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu thêm về các công nghệ đang sử dụng, học các kỹ năng cơ bản để sửa chữa chúng (gợi ý: luôn kiểm tra các kết nối và đọc hướng dẫn) và tìm những người biết nhiều hơn về các vấn đề cụ thể. Bằng cách này, cổng thông tin vô hạn như Internet không làm gia tăng sự phụ thuộc của chúng ta mà còn giúp giảm nó (tất nhiên, chủ nghĩa hoài nghi về thông tin trực tuyến không bao giờ là một ý tưởng tồi). Suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu một thứ nào đó hỏng hóc, đây có thể là một bài tập hữu ích để lập kế hoạch, hoặc cũng có thể là phương pháp gây ra nỗi lo lắng ám ảnh.

Đối với cá nhân, chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ hơn bao giờ hết, nhưng chúng ta cũng có thể làm nhiều thứ hơn trước đây. Nói chung, công nghệ đã làm cho chúng ta thông minh hơn, có nhiều khả năng hơn và làm việc hiệu quả hơn. Nhưng những gì công nghệ chưa làm, đó là khiến chúng ta khôn ngoan hơn.

Jonathan Coopersmith, Phó giáo sư môn Lịch sử học, Đại học Texas A&M.
Bài viết này được đăng đầu tiên trên The Conversation. Xem bài gốc tại đây.
Phúc Long biên dịch.

Exit mobile version