Đại Kỷ Nguyên

Có sự liên hệ nào giữa đười ươi, hổ, bánh quy và nạn phá rừng? (Video)

lien he giua dong vat va nan pha rung

Nạn phá rừng ở Indonesia (Ảnh chụp Video)

Đoạn video được quay bởi một máy bay không người lái dưới đây cho thấy nạn phá rừng đáng sợ ở Indonesia.

Tổ chức Forest Heroes đã cho thấy sự phá hoại tàn khốc của con người đối với môi trường tại một trong những khu rừng nguyên sinh cuối cùng trên thế giới.

https://www.youtube.com/watch?v=8ZZ9wpA6_U0

Nhu cầu ngày càng lớn của dầu cọ trong ngành công nghiệp bánh kẹo và mỹ phẩm đã dẫn đến việc phá rừng ở Indonesia, nơi sinh sống của loài đười ươi và hổ.

Vậy liệu có sự liên hệ nào giữa đười ươi, hổ, bánh quy và nạn phá rừng? Bề ngoài rõ ràng không có: nhưng trên thực tế, có tồn tại một kết nối ẩn giữa chúng. Đấy là “dầu cọ”, một thành phần có mặt trong gần như tất cả các sản phẩm bánh kẹo đóng gói và phần lớn trong chúng ta đều không biết đến điều này, vì nó thường được gọi chung là “dầu” thực vật (hoặc chất béo thực vật). Dầu cọ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới chỉ sau dầu  nành với mức tiêu thụ tăng dần qua các năm.

Cọ (Elaeis guineensis) dùng để chiết xuất ra dầu, được trồng chủ yếu ở Indonesia và Malaysia. Hai quốc gia này sản xuất khoảng 90% sản lượng dầu cọ trên thế giới.

Chất béo này thực sự là nguyên nhân của việc tàn phá nhiều khu rừng nhiệt đới. Hiện nay, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự biến mất của các khu rừng cuối cùng trong những vạt xanh của đảo Sumatra (Indonesia) – nơi sinh sống của các loài như đười ươi, voi, hổ và tê giác. Tất cả các loài đã giảm xuống còn vài trăm cá thể chỉ trong một vài thập kỷ. Điều này đang xảy ra trong một khu vực thuộc rừng nhiệt đới nguyên sinh hiếm hoi còn lại trên Trái Đất, một thiên đường xanh giàu đa dạng sinh học.

Nếu 50 năm trước, 82% diện tích Indonesia được bao phủ bởi rừng, thì đến năm 1995, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 52%. Với tốc độ giảm như hiện tại, ước tính cho tới năm 2020 các khu rừng của Indonesia (nằm trong số những khu rừng lớn nhất trên thế giới, cùng với rừng của Amazon và của lưu vực Congo) sẽ có thể bị phá hủy vĩnh viễn. Những hệ sinh thái thiết yếu cho sự sống của người dân địa phương và của đa dạng sinh học cũng sẽ biến mất cùng với khu rừng.

Những thực phẩm sử dụng dầu cọ làm thành phần trong nguyên liệu có rất nhiều: từ các loại ngũ cốc giòn, bánh quy, snack cho tới kem, đồ ngọt dùng sau bữa tối.

Bên cạnh việc dầu cọ là nguyên nhân tàn phá rừng và động vật, còn có những lý do khác để nói KHÔNG với dầu cọ. Như hai lý do dưới đây:

Dầu cọ là một trong những động lực để lấy đất (land grabbing)

Land grabbing là một thuật ngữ có nghĩa là “lấy đất” và chỉ ra xu hướng của các công ty đa quốc gia, các doanh nhân và chính phủ nước ngoài mua những diện tích lớn đất canh tác ở các nước thế giới thứ ba và đang phát triển.

Công cuộc lập ra các đồn điền cọ dầu đã thúc đẩy việc lấy đất quy mô lớn ở châu Á và châu Phi, thực tế này đã gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng tới nền kinh tế địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà nông nhỏ và thị trường thực phẩm của hàng triệu người trong khu vực. Nhiều người đã từng là các hộ nông dân nhỏ đang buộc phải làm việc trong các đồn điền, trong những điều kiện vô cùng tồi tệ.

Dầu cọ rất giàu chất béo bão hòa

Không phải tất cả các loại dầu thực vật đều tốt, dầu cọ chứa các chất béo bão hòa có hại cho hệ tim mạch, chúng thuộc về nhóm “dầu xấu” cần hạn chế. Nếu để ăn thô, nó có thể có một số đặc tính chống oxy hóa, nhưng hầu hết lại là dầu đã được tinh chế, hydro hóa, và được sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp, chúng trở thành nguồn gốc tiềm tàng gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Theo Đại Kỷ Nguyên Romania
Xuân Hà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version