Đại Kỷ Nguyên

Chim vẹo cổ, ngụy trang tài tình để dọa kẻ thù, có mặt cả ở Việt Nam

Một khả năng đặc biệt cũng như chiến thuật thông minh của loài chim vẹo cổ nhằm giúp chúng tránh được các mối nguy hiểm từ môi trường sống xung quanh từ việc làm giả các động tác giống loài rắn.

Chim vẹo cổ có tên khoa học là Jynx torquilla, thuộc họ Gõ kiến. Chúng là là loài chim di cư, mùa đông chúng từ châu Âu, Bắc Á và Đông Á di chuyển xuống châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á. Thức ăn của chúng chủ yếu là kiến.

Vẹo cổ có kích thước 16–18 cm và cân nặng 26–50 g, nó có có mỏ ngắn, bộ lông phía dưới có màu trắng xám kèm theo các vệt vằn ngang màu đen nâu, phần phía trên có màu nâu nhạt kèm theo các đốm. Thân hình của vẹo cổ khá mảnh mai và thon dài. Với hình dạng và màu lông như vậy nó trông giống như một con cú muỗi nhiều hơn là gõ kiến.

Hình ảnh loài chim vẹo cổ. (Ảnh: Birds Wiki – Fandom)

Đúng với cái tên chim vẹo cổ của nó, cổ của loài chim này có khả năng quay đầu gần như là 180o. Bởi mỗi khi phải đối mặt với nguy hiểm hay bị đe dọa, chúng lại ngửa mặt phơi hàm, liên tục lắc lư, vặn vẹo cái cổ. Cùng với đó là cổ họng của chúng cũng phát ra âm thanh giống như tiếng rít của loài rắn và sẽ không dừng lại cho đến khi mối đe dọa đi qua.

 Hoặc khi bị kích động, nhất là khi bị con người cầm trên tay, cổ của nó bắt đầu xoắn theo nhiều hướng, đôi khi nó còn có hành vi giả vờ chết, treo lơ lửng với đôi mắt nhắm lại. Dù kỳ lạ song chiến lược bắt chước của chim vẹo cổ lại khá hiệu quả và giới khoa học thậm chí phải đánh giá rằng đó chính là một chiến lược vô cùng thông minh. 

Cũng đúng thôi, việc giả rắn rất đơn và có hiệu quả hơn cả bởi nhiều loài động vật đều sợ nọc độc nguy hiểm mà loài rắn sở hữu. 

Chim vẹo cổ sẽ xoay cổ liên tục khi gặp nguy hiểm. (Ảnh: Pinterest)

Lý do loài chim này có hành động kỳ quặc như vậy khi gặp nguy hiểm là vì chúng quá yếu ớt. Dù thuộc họ nhà Gõ kiến nhưng chim vẹo cổ lại không hề khỏe như với họ hàng của mình. Thay vì dùng mỏ gõ công cốc như anh em cùng họ, chim vẹo cổ chỉ quanh quẩn nhặt kiến trên mặt đất. Nhờ cái lưỡi rất dài, nó có thể luồn vào tổ kiến và lôi con mồi béo múp ra ngoài. Cách thức săn mồi này rất giống với thú ăn kiến.

Vì quá yếu ớt, bay kém nên chim vẹo cổ thường trốn trong các hốc cây tối tăm. Và trong bóng tối ấy, nó cất tiếng rít như loài rắn, xua đuổi mọi động vật ăn thịt tới gần.

Chim vẹo cổ có chiếc lưỡi rất dài dùng để bắt mồi. (Ảnh: Oiseaux.net)

Cũng chính vì nguyên nhân này nên trước đây loài chim này bị gán cho cái mác “tà ma” vì nó cứ ngoặt ngoẹo cái đầu như lên đồng và rít lên những âm thanh ghê rợn. Sau này, khoa học đã bác bỏ quan niệm đó. Thực ra, nó chỉ có tiếng rít giống rắn mà thôi chứ nhiều lúc vặn vẹo hay lắc cái đầu trông cũng buồn cười đấy chứ. 

Video:

Trong giới tự nhiên, có không ít loài động vật cũng có thể “giả rắn” đỉnh hơn chim vẹo cổ rất nhiều, ví dụ như sâu bướm, bướm đêm hay bạch tuộc. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể giả được ngoại hình; còn giả được âm thanh như chim vẹo cổ thì chỉ có các loài có lông vũ. 

Loài chim này còn sống ở Việt Nam với phân bố chủ yếu ở cả Bắc Bộ và Nam Bộ. Môi trường sống của chúng là: Thảm rừng thứ sinh, vùng canh tác, rừng ngập mặn.

Sơn Tùng

Exit mobile version