Lần đầu tiên trong lịch sử du hành vũ trụ của nhân loại, một đóa hoa cúc 13 cánh đã nở ngoài không gian.
11 giờ sáng ngày 17 tháng 1 vừa qua, phi hành gia vũ trụ người Mỹ, Scott Kelly, đã tự hào chia sẻ bức ảnh bông hoa cúc nở trên trạm vũ trụ quốc tế với lời nhắn: “#SpaceFlower out in the sun for the first time! #YearInSpace” (Tạm dịch: Lần đầu hoa vũ trụ đón ánh mặt trời). Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bước tiến mới của khoa học đã lan truyền trên mạng xã hội.
Đối với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), sự kiện này giúp họ khẳng định được khả năng sống sót và phát triển của một dạng sống trong không gian vũ trụ. Tuy nhiên, kỳ tích này sẽ không xảy ra nếu không có sự cố gắng chăm sóc và “vi phạm quy tắc” của anh chàng Scott.
Theo đó, trong quá trình được vận chuyển lên trạm vũ trụ quốc tế, cây hoa cúc gần như đã chết. Scott đã phải rất vất vả để cây hoa cùng những thực vật khác có thể sống sót được. Ngày 27 tháng 12 năm ngoái, anh từng chia sẻ: “Đám thực vật có vẻ không được tốt lắm. Sẽ là một khó khăn trên sao Hỏa“. NASA thì thông báo trên blog của mình rằng thiết bị vận chuyển hạt giống bị rò rỉ, còn rễ của đám cây thì bị ngập, khiến chúng trở nên yếu ớt. Có vẻ như tham vọng lớn của NASA hiện đang là phủ xanh sao Hỏa.
Tuy nhiên, công việc trước mắt của Scott là phải bằng mọi cách cứu sống đám thực vật và chăm sóc chúng. Trong tình huống đặc biệt này, Scott đã quyết định bỏ qua lịch tưới nước đều đặn cho cây, mà hoàn toàn sử dụng bản năng của mình – anh sẽ tưới nước khi nào cảm thấy cây cần nước. Vài ngày sau, chàng phi hành gia tốt bụng đã cứu được một số cây, trong khi một số cây khác thì bị chết.
Năm 1996, phi hành gia Shannon Lucid của NASA lần đầu tiên trồng thành công cây lúa mì trên trạm vũ trụ Nga. Trong khi đó, các nhà du hành vũ trụ cũng đã trồng thành công rau diếp cá trên trạm vũ trụ quốc tế ISS vào tháng 6 năm 2014. Tuy nhiên, nếu nói riêng về hoa, thì cúc đã trở thành loài cây đầu tiên nở hoa trên vũ trụ.
Theo Elite Reader
Quang Minh
Xem thêm: