Đại Kỷ Nguyên

Chiếc bát 5000 tuổi của châu Mỹ và mối liên hệ với nền văn minh Sumer, Lưỡng Hà

Chiếc bát Fuenta Magna (Ảnh: Nhóm nghiên cứu của Bernardo Biados) Nền: Hồ Titicaca ở Bolivia (Ảnh: Wikimedia)

Fuenta Magna là một cái bát đá lớn được phát hiện gần hồ Titicaca ở Bolivia, Nam Mỹ vào năm 1958. Chiếc bát này chạm khắc những hình người khá đẹp đẽ, các mô-típ động vật mang đặc điểm văn hóa địa phương, và kỳ lạ hơn nữa, hai loại ký tự – một loại ký tự cổ đại từ thời tiền Sumer và một loại ngôn ngữ Pukara cổ đại ở địa phương, tiền thân của nền văn minh Tiahuanaco.

Thường được mệnh danh là “hòn đá Rosetta của Châu Mỹ”, chiếc bát đá này là một trong những món đồ tạo tác gây tranh cãi nhất ở Nam Mỹ vì nó đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một mối liên hệ giữa những người Sumer ở Trung Đông và những cư dân cổ đại trú ngụ ở dãy núi Andes ở Bắc Mỹ, nằm cách đó hàng nghìn dặm ở hai châu lục khác biệt nhau? Nên nhớ rằng nếu điều này là thật, thì như vậy đã có sự tiếp xúc giao lưu giữa Châu Mỹ và thế giới sớm hơn rất nhiều so với thời Christopher Columbus.

Chiếc bát Fuenta Magna đã được phát hiện gần hồ Titicaca nổi tiếng ở Bolivia. (Ảnh: Shutterstock)

Di vật cổ đại này đã được một nông dân ngẫu nhiên phát hiện khi đang làm việc trên một mảnh đất cá nhân thuộc quyền sở hữu của gia đình Manjon. Những người chủ mảnh đất sau đó đã gửi nó tới tòa thị chính ở La Paz vào năm 1960 để trao đổi lấy mảnh đất gần thủ đô. Cũng trong khoảng thời gian này, nhà khảo cổ học người Bolivia Max Portugal Zamora đã biết đến sự tồn tại của nó và đã thử giải mã các ký tự chạm khắc kỳ dị trên mình bát, nhưng không thành, cụ thể là do ông không biết văn tự trên chiếc bát là loại chữ hình nêm có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi.

Bát Fuenta Magna đã nằm trong kho lưu trữ của Museo de los Metales Preciosos (bảo tàng kim loại quý hiếm) trong khoảng 40 năm, cho tới khi hai nhà nghiên cứu Bolivia, Argentine Bernado Biados và nhà khảo cổ học Freddy Arce, bắt tay nghiên cứu nguồn gốc của di vật bí ẩn. Rốt cục họ đã được dẫn dắt làm quen với Maximiliano, một cụ ông 92 tuổi ở địa phương, người tuyên bố từng sở hữu chiếc bát này sau khi được cho xem ảnh chụp. Không nhận thức được tầm quan trọng của nó, ông Maximiliano thừa nhận đã sử dụng chiếc bát này để đựng thức ăn cho bầy heo.

Chiếc bát Fuente Magna được phát hiện có hai loại ký tự chạm khắc bên trong. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu của Bernardo Biados)

Hai nhà nghiên cứu đã chụp các bức ảnh chi tiết chiếc bát và gửi chúng cho nhà nghiên cứu văn khắc, TS Clyde Ahmed Winters, với hy vọng ông có thể giải mã các ký tự này. TS Winters, một chuyên gia ngôn ngữ cổ đại, đã đối chiếu các ký tự chạm khắc với hệ chữ viết Libyco-Berber được sử dụng ở sa mạc Sahara (Châu Phi) vào khoảng 5.000 năm trước. Hệ chữ viết đã được sử dụng trong ngôn ngữ Proto-Dravidian (tại lưu vực sông Ấn), ngôn ngữ Proto-Mande, ngôn ngữ Proto- Elamite, và ngôn ngữ Proto-Sumerian. Trong bài viết “Giải mã các chữ hình nêm trên chiếc bát Fuente Magna”, TS Winters đã kết luận rằng các ký tự trên chiếc bát “có lẽ thuộc hệ ngôn ngữ Proto-Sumerian”, và đưa ra bản dịch sau:

Đến trong tương lai (một người) được phú cho sự bảo hộ từ Thần Nia vĩ đại. [Đấng thần thánh Nia] thiết lập sự thuần tịnh, mừng vui và nhân cách. (Nhà tiên tri này của quần chúng thiết lập sự thuần tịnh và nhân cách [cho những ai đang tìm kiếm nó]). [Sử dụng tấm bùa này (chiếc bát Fuente)] để làm xuất hiện [hỡi] thần linh lời khuyên độc nhất [tại] đền thờ. Điện thờ chân chính, xức dầu thánh lên điện thờ (này), xức dầu thánh lên điện thờ (này); Người đứng đầu phát thệ nguyện thiết lập sự thuần tịnh, một nhà tiên tri được ban ân (và để) thiết lập nhân cách. [Ôi người đứng đầu giáo phái], mở ra một ánh sáng độc nhất [cho tất cả], [những người] mong cầu một cuộc sống cao thượng.

Bản dịch này cho thấy chiếc bát Fuenta Magna có thể đã được sử dụng để rải rượu cúng đến Nữ thần Nia nhằm cầu xin việc sinh đẻ được thuận lợi. Nhân vật trên chiếc bát Fuente Magna, vốn dường như đang ở trong một tư thế với cánh tay mở rộng và đôi chân dang ra, được cho là đã củng cố cho bản dịch của TS Winters.

Một nhân vật chạm khắc trên chiếc bát Fuente Magna. (Ảnh: nhóm nghiên cứu của Bernardo Biados)

Nếu bản dịch của TS Winters là chính xác, thì nó sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về nền văn minh Sumer lẫn nền văn hóa cổ đại ở Bolivia. Nhà nghiên cứu Yuri Leveratto đã đưa ra một câu hỏi khá phù hợp: “Làm thế nào các văn tự của ngôn ngữ Proto-Sumerian lại có thể được tìm thấy trên một chiếc bát được phát hiện gần hồ Titicaca, 3.800 m trên mặt nước biển, hàng ngàn cây số cách xa nơi những người Sumer từng sinh sống [miền nam Lưỡng Hà – Iraq hiện đại]?”

Theo Bernardo Biados, bát Fuente Magna rất có thể đã được chế tạo thủ công bởi người Sumer, vốn định cư ở Bolivia trong khoảng thời gian nào đó sau 2.500 TCN. Theo ông Biados, người Sumer đã giương buồm băng qua Tiểu lục địa Ấn Độ (Nam Á) xa xôi và một số tàu thuyền của người Sumer có thể đã đi vòng qua Nam Phi để tiến nhập vào một trong những dòng hải lưu chảy trên Đại Tây Dương từ Châu Phi đến Nam Mỹ. Có khả năng một số người đã quyết định ở lại để khai hoang vùng núi Andes, có lẽ tìm kiếm các khu vực trên cao nguyên Bolivia nơi có thể trồng cây lương thực. Ông Yuri Leveratto nói, “Nền văn hóa Sumer đã tác động đến người dân vùng cao nguyên, không chỉ trên phương diện tín ngưỡng, mà còn trên phương diện ngôn ngữ. Trên thực tế, một số nhà ngôn ngữ học đã phát hiện được các điểm tương đồng giữa các hệ ngôn ngữ Proto-Sumer và Aymara”.

Tuy nhiên, quan điểm này, và bản dịch đầu tiên của TS Winters cũng đã vấp phải sự phản đối. Jason Colavito, một người hoài nghi và “nhà lật tẩy” có tiếng, cho rằng chỉ có một mối liên hệ nhỏ giữa văn tự trên chiếc bát và văn tự Proto-Sumerian. Colavito chỉ ra rằng chiếc bát này có một lai lịch cực kỳ mơ hồ, và có thể đơn thuần chỉ là một trò bịp. Ông Biados cho rằng điều này không chính xác, khi đề cập đến sự ủng hộ áp đảo từ một bộ phận lớn trong giới học giả.

Rõ ràng chiếc bát Fuente Magna vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới học giả. Hy vọng các nghiên cứu bổ sung trên phương diện khảo cổ và ngôn ngữ học có thể giúp làm sáng tỏ câu chuyện đằng sau món đồ tạo tác bí ẩn này, vì làm vậy có thể sẽ giúp nâng cao vốn hiểu biết của chúng ta về các nền văn minh vĩ đại trong quá khứ và ảnh hưởng của chúng trên thế giới.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: April Holloway, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version