Đại Kỷ Nguyên

Các nhà thống kê tiếp cận hiện tượng trùng hợp: Xác suất xảy ra là bao nhiêu? (Phần 1)

(Ảnh: Lia Brand Photography)

Tính không chắc chắn là đặc trưng của các hiện tượng trùng hợp. Lấy ví dụ, một hiện tượng trùng hợp thường gặp là khi bạn đang nghĩ về một người bạn nào đó thì đột nhiên người đó gọi điện cho bạn. Suy nghĩ đầu tiên của bạn có thể là, “Sao lại có thể trùng hợp đến vậy?”

Trong bài viết “Tiềm năng và các vấn đề của xác suất trong các nghiên cứu về hiện tượng trùng hợp” (The Promise and Problems of Probability in Coincidence Studies), chúng ta đã gặp phải những khó khăn khi tính toán xác suất của hiện tượng trùng hợp này.

Vấn đề chính là có rất nhiều biến số đặc thù cho mỗi từng trường hợp; rất khó để có thể tính toán được tần suất xảy ra (tỷ suất nền) của mỗi yếu tố của hiện tượng trùng hợp đó. Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối hai người liên hệ với nhau? Bạn có thường hay nghĩ đến người bạn này không? Còn rất nhiều yếu tố khác góp phần làm vấn đề này thêm phức tạp.

Việc tính toán xác suất của các hiện tượng trùng hợp khác dường như cũng khó tương đương, nếu không muốn nói là còn khó hơn. Do tính không chắc chắn là đặc trưng của các hiện tượng trùng hợp, nên việc xác định xác suất của các hiện tượng này là một nhiệm vụ cần thiết để hiểu rõ hơn về chúng.

Nếu việc tính toán xác suất của các hiện tượng trùng hợp trở nên quá phức tạp, thì chúng ta sẽ làm thế nào? Dường như có ít nhất ba phương pháp xử lý: phương pháp thống kê, phương pháp tâm lý và phương pháp thực tiễn. Mỗi phương pháp lại đóng góp một phần vào tiềm năng và các vấn đề của xác suất. Trong bài viết này, trước hết tôi sẽ đề cập đến phương pháp của những người chuyên môn trong lĩnh vực này – các nhà thống kê.

Các nhà thống kê chuyên nghiên cứu các hiện tượng trùng hợp thường cho rằng những người “bình thường” không biết được cách phán đoán xác suất, hay khả năng xảy ra của một sự việc. Các nhà thống kê thường viện đến bài toán về ngày sinh để minh chứng cho luận điểm trên của họ: “Cần bao nhiêu người trong phòng để xác suất hai người bất kỳ trong số đó có cùng ngày sinh là bằng 50%?”. Đa số chúng ta đều ước đoán một con số quá cao. Đáp án chính xác là 23 người.

Các nhà thống kê chuyên nghiên cứu các hiện tượng trùng hợp thường cho rằng những người “bình thường” không biết được cách phán đoán xác suất, hay khả năng xảy ra của một sự việc.  

Lỗi thông thường đầu tiên mà nhiều người “bình thường” hay mắc phải là hiểu sai về câu hỏi đó.

Chúng ta thường hiểu lệch câu hỏi đó thành: “Cần bao nhiêu người trong một căn phòng để hai người trong số đó có cùng ngày sinh, giống như ngày sinh của tôi?” Chúng ta thường giả định rằng cái ngày sinh trùng nhau đó đã được xác định từ trước.

Với giả định này, ước đoán sát nhất cũng phải trên 100. Tại sao? Bởi vì việc xác định trước ngày sinh khiến xác suất giảm xuống rất nhiều. Việc không xác định trước một ngày sinh đồng nghĩa với việc bất cứ ngày sinh nào cũng hợp lệ. Điều này làm gia tăng xác suất.

Do đó, vấn đề đầu tiên là chúng ta không hiểu đúng câu hỏi.

Lỗi thông thường thứ hai là việc bỏ qua yêu cầu 50%. Dạng thức câu trả lời là khá lạ lẫm đối với hầu hết trong chúng ta: Trong 100 căn phòng với 23 người mỗi phòng, chỉ có một nửa số phòng trong đó sẽ có hai người có cùng ngày sinh. Chúng ta thường không quen suy nghĩ theo kiểu này.

Thứ ba, tuy có một số cách để giải bài toán này, nhưng cách dễ dàng nhất là đặt giả thiết rằng không có sự trùng hợp và bắt đầu việc tính toán từ giả thiết đó. Không có nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ đến việc giải quyết vấn đề theo cách này.

Sử dụng bài toán ngày sinh, các nhà thống kê đã đi đến kết luận rằng chúng ta không hiểu xác suất. Tuy nhiên, kết luận này được dựa trên một loại câu hỏi mà phần lớn chúng ta chưa từng thử tìm đáp án.

Bài toán ngày sinh không chứng minh rằng chúng ta có xu hướng phóng đại xác suất không xuất hiện của các hiện tượng trùng hợp xảy đến với mình. Nó chỉ cho thấy chúng ta không nghĩ về các vấn đề xác suất theo cách thức tương tự các nhà thống kê.

Trong phần 2 của loạt bài này, tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về khả năng con người đánh giá chính xác tính không chắc chắn của các hiện tượng trùng hợp.


Tara MacIsaac, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, là đồng tác giả bài viết này.

Bài viết này được đăng bản gốc trên trang web của Tiến sĩ Bernard Beitman. Ts. Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia, Mỹ. Ông nguyên là trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia.

Trong chuyên mục Khoa học Huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ để có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Bernard D. Beitman, M.D, Psychology Today.
Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version