Đại Kỷ Nguyên

Các nhà địa-vật lý học: Trái Đất rung lắc không ngừng, tiếng rung của nó tiết lộ bí ẩn dưới lòng đất

NASA đã nghe được âm thanh của Mặt Trời, hiện nay các nhà địa-vật lý học lại có thể lắng nghe được tiếng rung của Trái Đất, hành tinh của chúng ta đang rung lắc không ngừng.

Sẽ thoải mái hơn khi nghĩ rằng Trái Đất là thể rắn và bất động, nhưng điều đó lại là sai. Trái Đất đang rung lắc, dãn ra và co lại. Chúng ta cũng đang rung lắc cùng với nó.

Trái Đất đang phát ra tiếng rung, nó đang rung lắc không ngừng. Tiếng rung chưa rõ nguồn gốc từ bên dưới lòng đất, và không thể nghe bằng tai người.

McCarthy trong tác phẩm “The Road” (tạm dịch: “Con đường”) đã viết: “sâu bên dưới các thung lũng, là nơi có mọi thứ, lâu đời hơn con người và nơi đang phát ra tiếng rung bí ẩn.”

Spahr Webb, một nhà địa chấn học của trường Đại học Columbia cho biết: “Trái Đất luôn kêu như một cái chuông đang rung.”

Trái Đất của chúng ta luôn kêu như một cái chuông đang rung, các nhà khoa học đã đo được tần số của nó. (Ảnh: Xenophilia)

Tiếng kêu có ở mọi nơi, các tần số cực thấp của nó đã được ghi lại tại Nam Cực và An-giê-ri, và theo như công bố của Hiệp hội Địa-Vật lý Mỹ, có cả ở dưới đáy của Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa biết điều gì đã gây ra tiếng kêu đó.

Một số nhà khoa học đã giả thuyết rằng, đó là tiếng rung do sóng biển va đập, hay sự di chuyển của khí quyển, hay những rung động sinh ra bởi biển và bầu trời.

Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, nếu chúng ta lắng nghe âm thanh này một cách rõ ràng hơn, nó sẽ tiết lộ những bí mật ẩn sâu dưới lòng đất, hay thậm chí dạy cho cung ta cách tham chiếu đến các hành tinh khác. Tiếng kêu trở nên ngày càng rõ ràng hơn.

Âm thanh rung lắc hứa hẹn tiết lộ những bí mật ẩn sâu dưới lòng đất. (Ảnh: undergroundscience)

Trái Đất rung lắc với các tần số và biên độ khác nhau bởi các lý do khác nhau, và không phải tất cả các rung động đó đều tạo ra tiếng kêu. Động đất giống như tạo ra những tiếng chuông lớn. Khi một trận động đất lớn xảy ra ở Nhật Bản năm 2011, Webb cho biết, toàn Trái Đất tiếp tục kêu trong vòng 1 tháng sau đó.  Những người ngồi ở bờ bên kia của thế giới thì bị nâng lên hạ xuống khoảng 1cm, nhưng với tốc độ rất chậm, và họ đã không cảm thấy điều đó.

Năm 1998, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một máy đo trọng lực ở phía đông của Nam Cực và nhận ra rằng, thực tế là, một số rung động này không bao giờ dừng lại.

Vào năm 2001, một nhà nghiên cứu của trường Đại học California cho biết: “Họ phát hiện ra các đặc điểm trong dữ liệu mà gợi ý rằng, đó là các tín hiệu liên tục”. Các sóng địa chấn này dao động từ 2 đến 7 mili Hz – nhỏ hơn hàng ngàn lần so với ngưỡng mà con người có thể nghe thấy – và nó tiếp diễn không ngừng, kể cả khi có các trận động đất.

Hiện tượng này được biết một cách rộng rãi với cái tên “tiếng rung của Trái Đất”.

Webb là một trong nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu nguyên nhân của tiếng rung của Trái Đất trong thế kỷ 21. Một số nhà khoa học cho rằng, những tương tác giữa khí quyển và mặt đất rắn gây nên sự rung lắc, nhưng Webb đã không đồng ý với ý kiến này.

Webb cho rằng, hầu hết những nghiên cứu gần đây gợi ý rằng, nguyên nhân chính là do sóng biển – “va đập dưới thềm đại dương dường như xảy ra ở mọi nơi.”

Thi thoảng các đợt sóng di chuyển theo các hướng đối lập, giao thoa nhau, gây ra những rung động từ sâu bên dưới lên bề mặt Trái Đất. Thi thoảng những đợt sóng ở vùng biển nông va đập vào thềm đại dương thô và thêm các tần số của nó vào tiếng rung của Trái Đất.

Kết quả nghiên cứu này là một bước quan trọng trong việc chuyển âm thanh bí hiểm sang một tín hiệu có thể hiểu được.

Bất kể nguồn gốc gây ra tiếng rung là gì, kết quả này là sự cộng hưởng các tần số gần như là giống nhau trên toàn cầu – và đó là một điều dường như là vô giá cho những người muốn biết chuyện gì đang diễn ra bên dưới bề mặt Trái Đất, nơi phần lõi đang quay và các mảng kiến tạo thì dịch chuyển.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, tiếng rung xuyên suốt xuống tận phần lõi của Trái Đất. Một số nhà khoa học thậm chí còn liên tưởng đến việc sử dụng những tiếng rung trên các hành tinh khác để lập bản đồ  địa lý về các hành tinh.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình tìm hiểu tiếng rung của hành tinh chúng ta. Hơn nữa các nhà khoa học đã bị hạn chế trong nhiều năm trước, bởi vì họ chỉ biết cách đo đạc tiếng rung từ trên đất liền, trong khi gần ¾ của Trái Đất là biển.

Hiện nay đã có thể đo được tiếng rung không chỉ trên đất liền mà còn cả dưới đáy đại dương. (Ảnh: UFO sightings hotspot)

Trong một nghiên cứu mới, nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Martha Deen, một nhà địa-vật lý tại Viện Vật lý Trái Đất Paris, đã xuất bản kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí của Hiệp hội Địa-Vật lý Mỹ.

Các nhà khoa học này đã thu thập dữ liệu từ các trạm địa chấn được đặt tại Ấn Độ Dương, gần quốc đảo Ma-đa-ga-xca vài năm trước. Các trạm này có mục đích nghiên cứu các điểm nóng về núi lửa – không liên quan gì đến tiếng rung – nhưng nhóm các nhà khoa học này đã tìm ra một phương pháp để làm sạch dữ liệu dòng hải lưu, sóng, chấn và các loại tiếng động khác.

Trong một bài báo phản hồi, Hiệp hội Địa-Vật lý Mỹ cho biết: “Họ có thể giảm mức tạp âm xuống gần như là một trạm mặt đất yên tĩnh.”

Sau khi hoàn thành, họ thu được tiếng rung của Trái Đất đầu tiên được ghi lại dưới nước.

Tần số lớn nhất giao động từ 2,9 đến 4,5 mili Hz, một khoảng tần số chặt chẽ hơn so với tiếng rung mà các nhà nghiên cứu đo được trong những năm 1990. Nó cũng tương tự như kết quả đo đạc được thực hiện ở trạm đất liền được đặt tại An-giê-ri.

Vì vậy, nhiều bằng chứng cho thấy, tiếng rung của Trái Đất tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, và nhiều hy vọng là, một ngày nào đó, chúng ta sẽ khai mở được những bí ẩn dưới lòng đất.

Đường Chính

Exit mobile version