Lịch sử của ngành tư pháp hình sự và khoa học pháp y thật sự rất hấp dẫn bởi vì tất cả những nghi thức phi lý và mê tín mà các tòa án từng dựa vào để phán quyết tội trạng mãi cho đến thế kỷ 19.
Trước khi xuất hiện các phương pháp xét nghiệm máu, phân tích dấu vân tay, và thử ADN, thì rất nhiều nơi đã viện đến nhiều phương pháp thử tội khác nhau để xác định tội trạng của một nghi phạm. Lấy ví dụ, để chứng minh một kẻ sát nhân là có tội, rất nhiều tòa án ở Châu Âu đã dựa vào loại hình phiên tòa thử tội bao gồm một thi thể “chảy máu”.
Một phiên tòa thử tội là một phương pháp thời cổ đại nhằm mục tiêu phán quyết một nghi phạm là có tội hay vô tội, và có thể được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Những cộng đồng xã hôi từng viện đến một phiên tòa thử tội tin rằng các vị thần sẽ chỉ trừng phạt kẻ có tội và bảo vệ người vô tội khỏi tai họa. Những phiên tòa thử tội kiểu này đã được áp dụng cho các tội danh như giết người, dị giáo, và thuật phù thủy.
Có rất nhiều loại hình thử tội mà một tòa án có thể dùng để “phán quyết” sự trong sạch của một đối tượng tình nghi. Trong một phiên tòa bằng lửa, nghi phạm sẽ phải bước qua lớp than nóng bỏng hay dùng tay không lôi một vật thể ra khỏi ngọn lửa đang cháy. Nếu anh ta hay cô ta không bị hề hấn gì, thì họ sẽ được tuyên bố vô tội, và ngược lại. Trong một phiên tòa bằng nước, một nghi phạm sẽ bị trói lại rồi thả xuống nước. Nếu vô tội, họ sẽ bị chìm; ngược lại nếu có tội, họ sẽ nổi lên trên mặt nước.
Một phiên tòa thử tội khác, có từ cuối thời kỳ Đế quốc La Mã, đã được dành riêng cho các nghi phạm mang tội sát nhân. Phép thử tội Bier-right, hay Cruentation, được dựa trên niềm tin cho rằng cơ thể sẽ vẫn có thể nghe và phản ứng (trước các yếu tố ngoại lai) một thời gian ngắn sau khi chết, vậy nên nếu một kẻ sát nhân tiến đến gần và chạm vào thi thể nạn nhân của họ, cái xác sẽ chảy máu và sùi bọt mép. Tên gọi Bier-right bắt nguồn từ cái xe ba gác, gọi là bier, chuyên dùng để chở thi thể hay quan tài. Cruentation bắt nguồn từ tiếng Latin ‘cruentatio’, có nghĩa là nhuộm máu hay ‘cruentare’ có nghĩa là làm đổ máu.
Xem thêm:
Một chiếc xe bier tang lễ tại nhà thờ St. Helen, làng Brant Broughton, hạt Lincolnshire, Vương quốc Anh. (Ảnh: Internet)
Trong tác phẩm Cruentation: In Legal Medicine and Literature (Cruentation: Trong Y học và Văn học hợp pháp) (1965), Brittain đã thảo luận cách thức tiến hành một cruentation.
“… nghi phạm sẽ được đặt tại một khoảng cách nhất định với nạn nhân, lúc đó đang nằm ngửa trong trạng thái khỏa thân. Ông tiến đến cái xác, liên tục gọi nó bằng tên, sau đó đi lại xung quanh hai hoăc ba lần. Sau đó ông ta nhẹ nhàng dùng tay mình chạm vào các vết thương. Nếu trong quá trình này máu chảy ra, hay nếu cơ thể động đậy, hay nếu bọt mép sùi ra, thì nghi phạm này sẽ bị nhìn nhận là đã phạm tội giết người”.
Loại chất liệu mà những người này đã nhìn thấy là chất dịch thanh tẩy, hay chất dịch phân hủy. Chất dịch thanh tẩy, vốn sẽ trào ra khỏi miệng, mũi, và các lỗ khác trong quá trình thi thể thối rữa, trông rất giống với máu và thường bị nhầm lẫn với nó.
Bier-right đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nghi lễ này đã góp mặt trong văn thơ và kịch nghệ. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là vở kịch Richard III, Hồi I, Cảnh II của đại văn hào Shakespeare (Fitzharris 2011).
Diễn viên David Garrick trong vai vua Richard III (năm 1745) tranh của William Hogarth. (Ảnh: Wikimedia)
Nước Anh đã ngừng áp dụng phương pháp thử tội bier-right vào cuối thế kỷ 17, và các tòa án ở Đức đã từ bỏ cruentation vào cuối thế kỷ 18. Nhưng vẫn có các hồ sơ ghi chép của các tòa án ở Mỹ đề cập đến việc sử dụng nó cho đến năm 1869.
Năm 1767 ở New Jersey, một phiên tòa thử tội bier-right đã được áp dụng để tìm ra kẻ sát hại Nicholas Tuers, bất chấp việc nhân viên điều tra những cái chết bất thường cho rằng toàn bộ sự việc thật lố bịch.
“Năm 1767, bổi thẩm đoàn của nhân viên điều tra những cái chết bất thường tại Hạt Bergen, bang New Jersey, Mỹ đã được triệu tập để xem xét thi thể của Nicholas Tuers, người đã bị sát hại một cách đáng ngờ. Lời chứng của Joannes Demarest, nhân viên điều tra những cái chết bất thường, tuyên bố rằng ông không tin vào phép thử tội bier-right, và không quan tâm đến kết quả thí nghiệm, khi một trong những người bồi thẩm đoàn đã chạm vào thi thể nhưng không có gì bất thường xảy ra. Sau cùng, Harry, một nô lệ, người đã bị tình nghi nhưng không có bằng chứng, đã bị mang ra cho cùng mục đích, khi có ai đó hô lên rằng ‘Chính là hắn ta’, và được bảo rằng Tuers đã chảy máu khi bị Harry chạm vào người. Sau đó ông ra lệnh cho người nô lệ đặt bàn tay vào khuôn mặt thi thể, và một ngụm máu đã ngay lập tức trào ra khỏi mỗi lỗ, và sau đó Harry đã thú nhận tất cả các chi tiết của vụ giết người (Lea 1878)”.
Ở Philadelphia vào năm 1860, một thi thể đã được khai quật để tiến hành phép thử bier-right sau khi đã bị chôn cất hàng tuần lễ.
“Năm 1860, các tờ báo ở Philadelphia đã đề cập đến một trường hợp trong đó những thân nhân của một người quá cố, đã thúc bách nhân viên điều tra những vụ chết bất thường khai quật thi thể nhưng không thành, khoảng một vài tuần sau khi bị chôn cất, để nó có thể được một người nào đó có liên can đến cái chết của ông chạm tay vào [để thử tội] (Lea 1878)”.
Bier-Right’ (1879) bởi Jenő Gyárfás. (Ảnh: Wikimedia)
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, có lẽ lễ bier-right lớn nhất từng được thực hiện là ở thành phố Lebanon, Illinois vào năm 1869.
“… vào năm 1869 ở thành phố Lebanon, Illinois, thi thể của hai nạn nhân bị sát hại đã được đào lên, và hai trăm người hàng xóm đã tuần hành qua chúng, mỗi người trong số đó được yêu cầu chạm vào các thi thể với hy vọng tìm được những kẻ tội phạm”.
Tác giả: Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: