Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn các ‘hộp sọ kéo dài’ bất thường trong bụng mẹ

(Ảnh: Root Race Research)

Các hộp sọ kéo dài thường được giải thích như kết quả của tục bó đầu hay việc làm biến dạng hộp sọ nhân tạo. Mô thức này đã xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19 như một cách lý giải cho các hộp sọ dị thường được phát hiện ở Châu Âu và Nam Mỹ, tại những khu vực như Crimea và Peru.

Ý tưởng chính đằng sau mô thức bó đầu là TẤT CẢ các hộp sọ kéo dài đều là do tác động lực cố ý từ bên ngoài. Nói cách khác, TẤT CẢ các hộp sọ kéo dài đều chỉ đơn thuần là các hộp sọ ‘bình thường’ giống của con người hiện đại sau khi đã bị làm biến dạng.

Hộp sọ kéo dài từ Crimea và các bộ phận khác trên thế giới, Baer 1860. (Ảnh: Root Race Research)

Bằng chứng nào có thể thách thức mô thức này? Đúng vậy – sự tồn tại của các bào thai với hộp sọ kéo dài, nghĩa là bằng chứng cho thấy những hộp sọ này đã có một hình dạng thon dài trước khi sinh, trước khi có thể tiến hành bất kỳ loại hình bó đầu nào. Liệu chúng ta có bằng chứng như vậy hay không? Có, chúng ta có! Ngoài ra, bằng chứng này đã được giới học giả biết đến trong hơn 163 năm qua!

Trong cuốn Peruvian Antiquities (Các món đồ cổ ở Peru – phiên bản tiếng Tây Ban Nha năm 1851, phiên bản tiếng Anh năm 1853), Rivero và Tschudi đã lập luận rằng những người ủng hộ giả thuyết sự biến dạng hộp sọ nhân tạo đã nhầm, vì họ chỉ xem xét hộp sọ của những người trưởng thành. Nói cách khác, giả thuyết này chưa bao hàm các trường hợp hộp sọ của những đứa trẻ sơ sinh và, quan trọng nhất là, các bào thai có hình dáng hộp sọ thon dài.

Cần trích dẫn nhận định của Rivero và Tschudi:

“Chúng tôi đã tự mình quan sát thực tế tương tự [của tình trạng vắng mặt các dấu hiệu của áp lực nhân tạo] trên rất nhiều xác ướp của trẻ em nhỏ tuổi, những người mà, tuy rằng được bọc trong các tấm vải, nhưng không hề có bất kỳ dấu vết hay vết tích nào của áp lực lên hộp sọ.

Không chỉ vậy: những cái đầu thon dài với hình dáng tương tự cũng đã được quan sát ở những đứa trẻ chưa được sinh ra; và về điểm này chúng tôi đã có một bằng chứng khá thuyết phục; một bào thai, nằm trong bụng của một phụ nữ đang mang bầu, mà chúng tôi đã phát hiện được ở trong động Huichay, cách tỉnh Tarma [ở Peru] khoảng 9 km, và hiện đang nằm trong bộ sưu tập của chúng tôi.

Tranh thạch bản của D. Leopoldo Mueller từ ấn bản tiếng Tây Ban Nha năm 1851 của cuốn sách Peruvian Antiquities. (Ảnh: Root Race Research)

Giáo sư D’Outrepont, một người khá nổi tiếng tại khoa sản thuộc Đại học Würzburg, đã khẳng định với chúng ta rằng bào thai này được 7 tháng tuổi. Dựa trên hình dáng rất rõ nét của hộp sọ, đứa trẻ này thuộc về bộ lạc Huancas. Chúng tôi đưa cho độc giả xem một bức vẽ của cái bằng chứng xác định và thú vị này, trái ngược với những người ủng hộ các thao tác cơ học (tục bó đầu) như nguyên nhân căn bản và duy nhất cho hình dáng não bộ của chủng người ở Peru.

Bằng chứng tương tự được phát hiện trên một xác ướp khác được trưng bày tại bảo tàng Lima, dưới sự giám sát của Don M. E. de Rivero.

Hình vẽ tái lập bào thai của Rivero và Tschudi. Tranh của Mark Laplume. (Ảnh: Root Race Research)

Các hộp sọ kéo dài của những đứa trẻ sơ sinh đã được các nhà nghiên cứu Châu Âu tiếp cận ngay từ năm 1838. Các hộp sọ của “chủng người Peru cổ đại” cũng nằm trong bộ sưu tập của bác sĩ Samuel Morton ở Philadelphia (Mỹ).

Hộp sọ kéo dài của hai đứa trẻ sơ sinh, mà Rivero và Tschudi đã đề cập đến trong cuốn Các món cổ vật Peru, đã được phát hiện và mang đến Anh bởi thuyền trưởng Blankley và hiến tặng cho Bảo tàng Devon và Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Cornwall vào năm 1838. TS Bellamy đã cung cấp một miêu tả chi tiết về những hộp sọ này vào năm 1842, khi gợi ý rằng chúng thuộc về hai đứa trẻ sơ sinh – một nam một nữ; bé nam vài tháng tuổi, bé nữ gần một tuổi. Ông đã chỉ ra những sự khác biệt cấu trúc đáng kể so với những hộp sọ trẻ sơ sinh “thông thường” và sự thiếu vắng các dấu hiệu của áp lực nhân tạo, cũng như sự tương đồng giữa chúng và các hộp sọ “Titicaca” khác tại Bảo tàng của trường Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia (The Royal College of Surgeons of England) ở London.

Tranh thạch bản các hộp sọ của J. Basire từ bài viết của Bellamy (1842) và các bản vẽ tái lập nghệ thuật của Mark Laplume. Bấm vào hình để phóng to. (Ảnh: Root Race Research)

Bằng chứng của các hộp sọ kéo dài trong các bào thai và đứa trẻ đã dẫn Rivero và Tschudi, Bellamy, Graves và những người khác đến một giả thuyết cho rằng những hộp sọ này thuộc về một chủng người đã tuyệt chủng, những người đã để lại di sản của họ cho những chủng người kế tục: tục làm biến dạng hộp sọ nhân tạo.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm cách nào mô thức làm biến dạng hộp sọ lại trở nên phổ biến đến vậy? Câu trả lời phần lớn nằm ở tầm ảnh hưởng của ý kiến chuyên môn của bác sĩ Morton và bộ sưu tập rộng lớn các hộp sọ của ông, vốn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học thuộc trường Đại học Pennsylvania. Sức ảnh hưởng của ông là đủ lớn vào thời đó để chấm dứt cuộc tranh luận lâu dài về các hộp sọ kéo dài trong một thế kỷ rưỡi tiếp theo sau; cho tới khi xuất hiện các nhà nghiên cứu độc lập, và tôi muốn đề cập đến Robert Connolly (người đã phổ biến sự tồn tại của các hộp sọ kéo dài vào giữa những năm 1900) và đặc biệt là Brien Foerster, khi ông bắt đầu chất vấn tính xác thực của giả thuyết làm biến dạng hộp sọ bằng cách xác định vị trí và đưa các hộp sọ kéo dài cho công chúng hứng thú với việc tìm hiểu nguồn gốc đích thực của loài người.

Hai bức tranh thạch bản năm 1839 của John Collins, từ cuốn sách Crania Americana của bác sĩ Samuel Morton. (Ảnh: Root Race Research)

Trong cuốn Crania Americana, bác sĩ Morton đã cung cấp một miêu tả về sự khác biệt giữa các hộp sọ kéo dài kỳ dị với các hộp sọ kéo dài được ‘nhào nặn’ nhờ các phương pháp nhân tạo khác nhau. Ông gợi ý rằng lãnh thổ của Peru và Bolivia trước đây đã được định cư bởi một chủng “người Peru cổ đại”.

“Tôi đã rất may mắn có được kết quả giám định của gần một trăm hộp sọ Peru, do tôi thực hiện đồng thời lấy từ các bộ sưu tập khác: và kết quả là, vào các thời điểm khác nhau trong quá khứ Peru dường như đã được định cư bởi hai dân tộc có hình thái hộp sọ khác biệt, và một trong số đó có lẽ đã bị tuyệt chủng, hay ít nhất chỉ tồn tại do sự pha trộn chủng tộc nhờ các hoàn cảnh ngẫu nhiên, ở những bộ lạc xa xôi và rải rác khác nhau của chủng người da đỏ ngày nay. Trong số hai dân tộc này, thì dân tộc tổ tiên của người Inca ngày nay được gọi là người Peru cổ đại, trong khi dân tộc kia cho đến nay mới chỉ được phát hiện ở Peru, và đặc biệt tại vùng đất tách ra khỏi nó mà hiện được gọi là Bolivia”.

Tuy rằng người Peru cổ đại đã có các hộp sọ kéo dài tự nhiên, bác sĩ Morton kết luận rằng họ còn cố gắng làm nổi bật đặc điểm này bằng cách bó đầu. Đây là một quan sát thú vị, vì nó đặt ra một câu hỏi rằng tại sao một chủng người với những hộp sọ kéo dài tự nhiên lại muốn kéo dài chúng thêm nữa. Có lẽ trước họ còn tồn tại một chủng người với hộp sọ thậm chí còn dài hơn nữa?

Bộ sưu tập của bác sĩ Morton, hộp sọ #1277, Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học thuộc trường Đại học Pennsylvania, Kho lưu trữ Chụp quét Nghiên cứu Mở (Open Research Scan Archive) tại Penn, và Janet Monge và P. Thomas Schoenemann; ảnh đằng trước từ Meigs, năm 1857. (Ảnh: Root Race Research)

Sau đó, bác sĩ Morton đã thay đổi quan điểm của ông và bắt đầu cho rằng tất cả các hộp sọ kéo dài đều có nguyên nhân là do tục bó đầu. Tuy nhiên, dưới bằng chứng của các bào thai với hộp so kéo dài của Rivero và Tschudi, cũng như các hộp sọ kéo dài của hàng trăm đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ các nhà nghiên cứu ngày nay có thể tiếp cận, cần thiết phải mở một cuộc thảo luận về “những người Peru cổ đại” và các đối tượng tương ứng (xem cuộc phỏng vấn của tôi với Mark Laplume) ở khu vực khác trên thế giới.

Do đó, cần thiết phải xem xét lại cuộc chạm trán ban đầu của bác sĩ Morton với các hộp sọ kéo dài. Đây là cách ông đã miêu tả các đặc điểm hộp sọ của người Peru cổ đại lúc ban đầu:

“[Cái đầu] khá nhỏ, và cực kỳ thon dài, thu hẹp toàn bộ chiều dài của nó, với một cái trán thụt sâu vào bên trong, và có tính đối xứng hơn thông thường so với các hộp sọ của chủng người Châu Mỹ. Khuôn mặt nhô ra, hàm trên nhô ra phía trước, và hàm răng nghiêng ra phía ngoài. Hai ổ mắt khá rộng và tròn, xương mũi nhô ra ngoài, các xương gò má mở rộng ra; và các đường nối gắn kết các xương của hộp sọ thì đơn giản đến bất ngờ”.

Bộ sưu tập của bác sĩ Morton, hộp sọ #1681, Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học thuộc trường Đại học Pennsylvania, Kho lưu trữ Chụp quét Nghiên cứu Mở (Open Research Scan Archive) tại Penn, và Janet Monge và P. Thomas Schoenemann. (Ảnh: Root Race Research)

Trong bối cảnh có ít nhất hai xác ướp chứa các bào thai với hộp sọ kéo dài, bên cạnh hàng trăm đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hộp sọ kéo dài (xem RootRaceResearch), nhiệm vụ ưu tiên đối với giới học giả là tìm kiếm các xác ướp và tiến hành phân tích ADN, vốn hiện đang được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu độc lập và những người hứng thú với các hộp sọ này nhưng lại thiếu thốn cơ sở hạ tầng và các nguồn lực tài chính, đồng thời còn phải đối mặt với các chướng ngại đáng kể trong việc xin các giấy phép cần thiết. Một điều đáng nhấn mạnh là chúng ta đang đối mặt với các DNA rất cổ xưa, và việc phân tích chúng sẽ là một quá trình tốn kém và phức tạp.

Tác giả: Tôior Gontcharov, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version