Đại Kỷ Nguyên

Các hòn đá chạm khắc ở Peru: Một thư viện thời tiền sử?

Thoạt nhìn, Ica, một thị trấn nhỏ bé ở Peru tọa lạc trên sa mạc Nazca, cách thủ đô Lima 5 giờ xe buýt, không có bất cứ điều gì ấn tượng. Nhưng ngay khi bước chân vào Bảo tàng Cabrera, nơi trưng bày những hòn đá chạm khắc của Ica, một thế giới hoàn toàn khác biệt sẽ hiện lên trước tầm mắt.

Hơn 10.000 hòn đá với kích thước khác nhau được trưng bày chật kín trong bảo tàng. Chúng đều có một bề mặt trơn nhẵn, màu đen, bên trên chạm khắc các hình tượng. Khi nhấc chúng lên, bạn sẽ cảm nhận thấy chúng nặng hơn rất nhiều so với những hòn đá  cùng kích cỡ thông thường.


Hình vẽ trên hòn đá này cho thấy một con khủng long đang ăn thịt một người, khiến một số người cho rằng con người đã có mặt trên Trái Đất từ 65 triệu năm trước (thời đại khủng long). (Ảnh: Eugenia Cabrera/Museo Cabrera)


Bao phủ trong một loại chất liệu: Những hòn đá Ica là loại đá andexit được phủ một lớp chất liệu chưa được xác định. (Ảnh: Tư liệu của Eugenia Cabrera/Museo Cabrera)

Tiến sĩ Javier Cabrera Darquea, người thu thập và nghiên cứu những hòn đá loại này trong hơn 42 năm qua, đã nhận được món quà sinh nhật là một hòn đá nhỏ. Khá bất ngờ với trọng lượng đáng kể và các hoạ tiết chạm khắc trên bề mặt hòn đá, ông đã bắt đầu thu thập và nghiên cứu chúng.

Euginia Cabrera C., giám đốc bảo tàng và là con gái của TS. Cabrera, cho biết cha bà đã tiến hành phân tích những hòn đá này và phát hiện thấy chúng là một loại đá phổ biến có tên là andexit (andesite), được phủ một lớp đặc biệt trên bề mặt, khiến chúng có màu đen, trơn nhẵn, và có lẽ cũng làm chúng nặng hơn.

Ông phỏng đoán rằng lớp phủ này có lẽ khá mềm lúc ban đầu, cho phép người ta vẽ hình lên đó, rồi sau đó mới trở nên khô cứng lại. Cho đến tận ngày nay, lớp phủ này vẫn còn lưu lại trên bề mặt các hòn đá, cho phép chúng ta thấy được các hình vẽ.

Thông điệp trên các hòn đá


Quan sát sao chổi: Hòn đá Ica này khắc hoạ một người đội mũ đang quan sát một ngôi sao chổi bằng kính viễn vọng. (Ảnh: Eugenia Cabrera/Museo Cabrera)

Trên bề mặt những hòn đá này là các hình người, thực vật, động vật và cả những ký hiệu trừu tượng. Hình người trên đó đội mũ, đi giày và mặc quần áo. Một số hòn đá miêu tả những cảnh tượng như truyền máu, cấy ghép nội tạng và mổ đẻ ngày nay. Một số hòn đá có chạm khắc những hình người, tay cầm một chiếc kính viễn vọng đang quan sát các chòm sao, hành tinh và sao chổi.

Các loài động vật được khắc hoạ trông giống với bò, hươu, hươu cao cổ cùng các loài khác. Một số còn trông giống như bọ ba thùy (một loài sinh vật cổ đại tồn tại từ 600 triệu cho đến 260 triệu năm trước), những loài cá đã tuyệt chủng, và các loài động vật khác mà chúng ta không quen thuộc. Điều ngạc nhiên nhất là, một số hòn đá còn có khắc những hình người đang cố gắng giết khủng long, hoặc bị khủng long ăn thịt.

Tiến sĩ Dennis Swift, nhà nghiên cứu khảo cổ từ Đại học New Mexico (Mỹ), đã ghi chép trong cuốn sách “Những bí ẩn về các hòn đá Ica và những hình vẽ trên cao nguyên Nazca” (Secrets of the Ica Stones and Nazca Lines) những bằng chứng cho thấy những hòn đá này đã có niên đại từ thời tiền Columbus (tức trước khi phát hiện ra châu Mỹ).

Dựa trên nội dung các bức hình, một số người tin rằng những hòn đá này đã có niên đại từ 65 triệu năm trước, trước khi loài khủng long bị tuyệt chủng, và rằng đã có con người vào thời đó – những người đã tạo nên các hòn đá này.

Ý tưởng này không được chấp nhận rộng rãi, vì có nhiều người cho rằng những hòn đá này là đồ giả, được con người thời nay chế ra. Trong một bài viết, TS. Swift đã đề cập đến một trong những lý do những hòn đá này bị coi là đồ giả mạo; vì vào những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà cổ sinh học cho rằng loài khủng long kéo lê cái đuôi dưới đất khi di chuyển, trong khi các hòn đá này lại miêu tả loài khủng long với cái đuôi dựng lên.

Vì những bức hình khủng long này bị xem là thiếu chính xác, nên các nhà khoa học đã cho rằng những hòn đá này không thể được tạo ra bởi con người vào 65 triệu năm trước đây. Tuy nhiên, sau đó người ta đã khám phá ra rằng khủng long thực sự di chuyển với cái đuôi không chạm đất. “Hiện chúng tôi biết rằng các nhà cổ sinh vật học đã sai, còn những hòn đá Ica đã đúng”, theo TS. Swift.

Không chỉ đơn thuần là các bức vẽ

Cabrera xem những hòn đá Ica như một thư viện, với mỗi hòn đá là một cuốn sách hay một trang sách ghi chép lại lịch sử. Những điều quan trọng được vẽ lên các hòn đá lớn, còn những điều ít quan trọng hơn được vẽ lên các hòn đá nhỏ hơn.

Bà Cabrera đã diễn giải chi tiết hơn về hiểu biết của cha bà như sau: “Họ [những người đã tạo ra các hòn đá này] đã truyền tải không chỉ các hình vẽ đơn thuần về những thời điểm nhất định, mà còn truyền đạt một loại ngôn ngữ dựa trên hình họa”.

Thông qua nghiên cứu của mình, TS. Cabrera dần dần tin rằng những chiếc lá [được khắc họa trên các hòn đá] ám chỉ cuộc sống, và tập hợp những chiếc lá này ám chỉ các nền văn minh. Còn về những chiếc mũ đội trên đầu những người trong hình, TS. Cabrera cho rằng chúng biểu tượng cho trí tuệ, do đó những người thông thái đã được khắc họa với những chiếc mũ đội trên đầu.

Trong chuyên mục Khoa học Huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ để có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Cornelia Ritter,  Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version