Ngày 17/12/1903 đã được ghi nhận là ngày đầu tiên thử nghiệm thành công chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới. Nhưng liệu họ có phải là những người hiện đại đầu tiên chế tạo được máy bay?
Không phải vậy. Anh em nhà Montgolfier đã chế tạo thành công khinh khí cầu và nó đã bay qua bầu trời thành phố Paris, Pháp vào tháng 11/1783. Trước đó, Leonardo da Vinci đã thử nghiệm với máy bay có cánh và một trong những bản thảo của ông có vẽ mô hình máy bay trực thăng. Ông cũng vẽ các thiết kế cho một loại dù và có thể còn nhiều hơn nữa nếu một số tài liệu của ông không bị thất lạc trong lịch sử hay được lưu trữ ở đâu đó một cách bí mật.
Bản vẽ khắc họa ‘máy bay trực thăng’ của Leonardo da Vinci.
Xem video sau đây về cơ cấu hoạt động của trực thăng Leonardo da Vinci:
Nhưng nguồn gốc của máy bay có người lái có thể còn sâu xa hơn nữa trong lịch sử. Tuyên bố này đã được củng cố bởi việc phát hiện một số cổ vật hiện đang làm đau đầu rất nhiều nhà sử học thuộc dòng chính. Một trong những cổ vật này là con chim gỗ Saqqara.
Con chim gỗ này đã được phát hiện trong một cuộc khai quật lăng mộ pa-di-Imen ở Saqqara, Ai Cập vào năm 1898 và được xác định niên đại vào khoảng năm 200 trước Công nguyên. Tất nhiên có thể đây là một con chim ưng, nhưng hình dáng của nó làm chúng ta liên tưởng đến một chiếc máy bay hiện đại. Nó có thể là một vật phẩm nghi lễ hay cũng có thể là trò chơi của trẻ con. Ngay cả nếu đây là một phiên bản thu nhỏ của một chiếc máy bay, nhưng hiện vẫn chưa phát hiện ra chiếc máy bay có kích thước thật ở Ai Cập.
Nó được phân vào cùng nhóm với những đồ vật mang hình tượng chim và được đặt cùng các sản phẩm chạm khắc chim khác tại Bảo tàng Cairo cho tới khi Tiến sỹ Khalil Messiha, một bác sĩ y khoa và nhà Ai Cập học, nhìn thấy nó vào năm 1969 và nhận ra nó trông giống như các mô hình máy bay mà ông đã từng làm khi còn nhỏ.
Giáo sư danh dự về kỹ thuật cơ khí tại Đại học Houston John H. Lienhard giải thích trong báo cáo “Engines of Our Ingenuity” (tạm dịch: Những cỗ máy của trí tuệ): “Những con chim khác có chân. Mô hình mô phỏng này không có. Những con chim khác được vẽ lông. Mô hình này không có. Các con chim khác có lông đuôi ngang như một con chim thật. … Mô hình bằng gỗ kỳ lạ này có phần đuôi được vuốt thon lại theo chiều dọc như một bánh lái. Ai cũng có thể thấy rằng các cánh của mô hình chim gỗ này có phần cắt ngang như cánh máy bay. Đó hoàn toàn là khí động học chính xác. Có quá nhiều chi tiết của mô hình vượt qua sự trùng hợp thông thường.”
Xem thêm: Người Ai Cập cổ đại có máy bay?
Nhiều người cho rằng những gì nhìn thấy dường như là bánh lái theo chiều dọc của một chiếc máy bay chứ không phải là mô tả lông đuôi của loài chim; ví dụ, hình ảnh chim trang trí trên cột đỡ mái thuyền của đền Khonsu dưới đây:
Tuy vậy, có những bức chạm khắc còn kỳ lạ hơn nữa trong Đền thờ Quốc vương Seti I ở Abydos, Ai Cập. Những hình chạm khắc này được phát hiện trên một tấm bảng, lộ ra do tấm bảng che ở phía trên đã bị vỡ vụn. Chúng cho thấy một hình ảnh giống một chiếc máy bay trực thăng. Khi ảnh của những hình vẽ chạm khắc này xuất hiện, chúng đã tạo nên chấn động và một số người tin rằng những hình chạm khắc này chính là bằng chứng của việc con người cổ đại sở hữu công nghệ hàng không. Tuy vậy, các nhà khảo cổ học đã bác bỏ giả thuyết này, đồng thời tuyên bố rằng những hình khắc này chỉ là kết quả của hai chữ viết tượng hình chồng lên nhau và rằng tấm bảng này đã được khắc lên trước đó.
Ai Cập không phải là khu vực duy nhất xuất hiện các cổ vật loại này. Các vật điêu khắc kỳ lạ bằng vàng đã được phát hiện ở Trung Mỹ và dọc theo vùng duyên hải Nam Mỹ. Vàng là chất liệu không thể xác định tuổi thọ bằng đồng vị cacbon nhưng bối cảnh của địa điểm phát hiện đặt nó vào khoảng thời gian từ 500 đến 800 sau Công nguyên. Từ khi phát hiện, các nhà khảo cổ đã cho rằng chúng là các zoomorph, tức là các vật điêu khắc phỏng theo động vật.
Tuy nhiên, một số người cho rằng cách giải thích này là không thể chấp nhận được. Những vật điêu khắc này rõ ràng sở hữu các yếu tố cơ khí như cánh máy bay delta (hình tam giác), đuôi lái và vây thăng bằng ở đuôi. Chúng thậm chí còn có cả ghế ngồi cho phi công. Cộng với những hình vẽ kỳ lạ (như Nazca) vốn chỉ có thể nhìn thấy từ trên không, đây có thể được coi là bằng chứng cho những ai phản đối các kiến thức sử học thông thường.
Ảnh: Shutterstock
Người trị vì thành phố Palenque của người Maya, K’inich Janaab’ Pakal có một bức khắc họa đáng kinh ngạc trên nắp quan tài của ông. Bao quanh bởi các ký tự thiên văn, ông ngồi trên một cái có vẻ như là tàu không gian, với bộ điều khiển trên cả hai tay và chân của ông. Bức ảnh này tự nó đã nói lên tất cả:
Một cổ vật khác là Phi hành gia vũ trụ không đầu, một vật điêu khắc nhỏ bằng đá được cất giữ bí mật trong Bảo tàng Khảo cổ Istanbul. Người ủng hộ giả thuyết tồn tại phi hành gia thời cổ đại Zecharia Sitchin đã cố gắng thuyết phục bảo tảng tin rằng cổ vật này là vật chân thực và chúng ta không nên vội cho nó là giả tạo, chỉ bởi vì quan điểm hiện nay của chúng ta về lịch sử cổ đại không bao gồm tàu tên lửa.
Vật điêu khắc này trông giống như một tàu tên lửa mũi hình nón với 4 động cơ đằng sau. Ở giữa là một phi công, khoác lên mình một “bộ đồ chống áp lực” có kèm theo ủng và găng tay. Vì hình người này bị mất đầu, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán về việc liệu người này có mũ bảo hiểm hay không.
Xem thêm: Tại sao nền văn minh Maya lại biến mất?
Cổ vật này đã được phát hiện trong quá trình khai quật ở Toprakkale, Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến là Tuspa vào thời cổ đại. Khoảng 2.500 năm trước, vùng đất này là một phần của Vương quốc Urartu, được biết đến là Vương quốc Arahat trong Kinh Thánh.
Vật điêu khắc trông rất giống tàu vũ trụ.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, chúng ta có miêu tả về cung điện bay Vimana trong rất nhiều sử thi tiếng Phạn. Một trong số Vimana này đã được miêu tả chi tiết và nằm dưới quyền điều khiển của các vị Thần. Liệu tất cả những vật này chỉ mang tính chất biểu tượng? Hay chúng là trò bịp của ai đó? Hay phải chăng những người cổ đại đã từng sở hữu công nghệ mà xã hội hiện đại chúng ta mới biết đến trong một thế kỷ gần đây? Có lẽ thời gian sẽ hé lộ những bí ẩn này.
Tham khảo từ Locklip và The Epoch Times
Biên dịch: Quý Khải