Đại Kỷ Nguyên

Bí mật về mỹ nhân ngư

Columbus không phải là nhà hàng hải duy nhất phát hiện ra mỹ nhân ngư trên biển. Vào thế kỷ 17, khi nhà thám hiểm nổi tiếng Henry Hudson đi tàu gần biển Na Uy ở Bắc Băng Dương, thủy thủ đoàn của ông báo cáo đã nhìn thấy một người cá…

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay chúng ta hãy nói về mỹ nhân ngư – người cá. Mỹ nhân ngư rốt cuộc có tồn tại không? Nếu họ tồn tại, họ trông như thế nào?

Mỹ nhân ngư và yêu tinh rắn – Lịch sử Trái đất cách đây hai vạn năm

Hai vạn ba nghìn năm trước, trên Trái đất đồng thời tồn tại ba nhân chủng: đại, trung và tiểu. Trung nhân, tức là những người có kích thước hình thể tương đương chúng ta, xưng vương trên lục địa. Còn trong đại dương bao la, có rất nhiều bộ lạc mỹ nhân ngư sinh sống. Họ có nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá; cũng có loại nửa thân trên là cá, nửa thân dưới là người. Người cá có nhiều loại, có loại chỉ có thể sống dưới nước, một số lại đồng thời có cả mang và phổi nên có thể sống trên lục địa 2-3 giờ. Khi đó, mỹ nhân ngư có nửa thân trên giống người thống trị thế giới đại dương. Họ thân cao khoảng khoảng 2,5 mét, tóc nâu nhạt, da xám trắng, đôi mắt màu lam đậm. Đôi tai họ áp sát vào cơ thể, vành tai rất nhỏ, có màng ngăn nước vào tai. Họ toàn thân được bao phủ bởi lớp vảy, có vảy mịn ở hai bên mặt và má. Mặc dù có nửa thân dưới là cá, nhưng mỹ nhân ngư rất hoạt bát. Người cá nữ chỉ có thể sinh sản một lần trong đời, người cá nam có thể hình cường tráng, có thể nâng vật nặng ngàn cân. Người cá nữ chú trọng công năng pháp thuật, sẵn có năng lực siêu tự nhiên. Họ thọ mệnh tương đối dài, thông thường có thể sống đến hai trăm tuổi. Còn những mỹ nhân ngư tu luyện có thể sống đến hơn ba trăm tuổi. 

Người cá tôn thờ Thần Biển, đền thờ Thần của họ là cung điện của các nền văn minh tiền sử đã chìm xuống biển. Trong đền, có những câu thần chú bằng chữ tượng hình và những tấm bia đá về chú ngữ và bí pháp tu hành. Đây là vùng đất cấm của bộ lạc, chỉ có vua và hoàng hậu, và những người cá cảnh giới tu luyện cao thâm mới có thể ra vào. Phương thức tu luyện của họ rất đơn giản, đó là hàng ngày cầu nguyện Thần Biển, giảng Thiên, Hải, Nhân hợp nhất. Tuy nhiên họ một đời tu không thành, thường phải chuyển sinh bảy lần mới có thể thành tựu quả vị.

Đừng nhìn họ sống dưới đáy biển tăm tối, nhưng ngôi đền đó luôn rực rỡ ánh đèn. Đèn của họ rất đặc biệt, là một loại quặng chứa magie dưới đáy biển. Sau khi quặng này được đốt cháy bằng pháp thuật, nó sẽ thành một ngọn lửa màu trắng xanh trong nước, ngọn lửa này sẽ không tắt trong một thời gian dài.

Thời đại do mỹ nhân ngư vương thống trị phi thường bình hòa, có rất ít cuộc chiến tranh trong thế giới đại dương. Mỗi bộ lạc đều có quyền cai quản một vùng biển, và điều đó cũng đã được sự chấp thuận của Thần.

Tuy nhiên, sau 180 năm sống yên bình, ma nạn ập đến. Một con rắn biển cố thủ dưới đáy Bắc Băng Dương đã thành tinh. Con rắn biển này đã tu luyện 788 năm, toàn thân đen nhánh, ăn tươi nuốt sống các sinh vật dưới biển, ngay cả kẻ thống trị tối cao của biển cả là mỹ nhân ngư cũng không chịu bỏ qua.

Sau khi nhận được tin báo, vua và hoàng hậu người cá đã xuất hiện với quyền trượng trong tay để trừ yêu. Hoàng hậu dẫn 180 quân mai phục gần hang rắn. Sau đó, lại phái một người cá nhỏ bơi quanh lối vào hang rắn để dụ xà tinh ra ngoài. Quả nhiên, xà tinh trúng bẫy, chui ra ngoài ăn đồ ăn cực độc do hoàng hậu người cá chế sẵn, chẳng mấy chốc nó đã tê liệt không còn sức lực.

Vua người cá giơ cao pháp trượng, bắn ra một tia năng lượng bao phủ lấy đầu xà tinh, khiến nó không thể thi triển pháp thuật. Cùng lúc đó, 180 chiến binh mỹ nhân ngư ném những ngọn giáo bằng xương độc vào rắn biển. Xà tinh rất nhanh đã mất mạng.

Dù thân thể rắn đã chết, nhưng linh hồn vẫn còn, nếu nó chuyển sinh quay lại, trăm năm sau sẽ lại gây họa lần nữa. Làm thế nào bây giờ? Vua người cá liền niệm niệm thần chú, phong ấn linh hồn xà tinh vĩnh viễn nhập vào xương của nó, theo đó chìm xuống rãnh sâu ở Bắc Băng Dương. Cho đến ngày nay nó vẫn còn trong vùng biển băng giá đó.

Quý vị cảm thấy thế nào về câu chuyện này? Đó là tiểu thuyết hư cấu, hay lịch sử chân thực?

Đây là một câu chuyện về mỹ nhân ngư đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Câu chuyện ban đầu đến từ Zhengjian.com. Tiên sinh Đào Minh, người kể lại câu chuyện, nói rằng ông không bịa ra câu chuyện này, mà đó là lịch sử của Trái đất mà ông đã nhìn thấy thông qua công năng trong quá trình tu luyện của mình.

Ông nói, trong hàng trăm triệu năm qua, một tộc mỹ nhân ngư dưới sự chỉ dẫn của Thần, đã quản lý những thăng trầm của thế giới đại dương phương Tây. Trong đại dương hôm nay vẫn còn tám ngàn mỹ nhân ngư đang sinh sống. Họ chủ yếu phân bố dưới đáy Đại Tây Dương và hải vực châu Úc.

Người cá trong sách cổ

Những gì tiên sinh Đạo Minh nói có thể là sự thật không? Hãy cùng điểm qua những ghi chép về mỹ nhân ngư trong lịch sử.

Trong tam đại kỳ thư thời thượng cổ trong “Sơn Hải Kinh”, có rất nhiều mô tả về mỹ nhân ngư:

“Bắc Thứ Tam Kinh” kể rằng có một người cá có thân cá và bốn chân, giọng nói như trẻ con.

“Nam Sơn Kinh” có ghi chép về hai loại người cá. Một loại màu đỏ, mặt người thân cá, giọng nói như vịt bầu kêu. Ngoài ra còn có một loại là cá nhưng hình trạng giống trâu, đuôi như rắn, cánh như chim, gọi là “lưu ngưu”, có năng lực tái sinh thần kỳ, chết trong mùa đông và tái sinh vào mùa hè.

Còn mỹ nhân ngư trong “Hải Nội Bắc Kinh” lại là một cách nhìn khác, họ sống ở đất nước Cô Xạ trên biển, thân cá mặt người, có tay chân như người.

Người cá trong “Đại Hoang Tây Kinh” là đặc biệt nhất, liên quan đến một câu chuyện về sự tái sinh. Nhân vật chính của câu chuyện là Chuyên Húc, một trong tam Hoàng ngũ Đế Trung Quốc thời cổ đại. Khi Chuyên Húc chết, một trận gió bắc khởi lên, mưa như trút nước. Lúc này, một con rắn trên mặt đất hóa thành cá. Linh hồn của Chuyên Húc đã phục sinh trên cơ thể của con cá, phục sinh thành người cá, nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá. Tên của loài cá này là “ngư phụ”. “Thần thoại về ngư phụ” là một trong những câu chuyện thần thoại nổi tiếng trong “Sơn Hải Kinh”, tượng trưng cho linh hồn bất diệt, sinh mệnh tuần hoàn đến rồi đi.

Những kiểu người cá này xem ra thật khó tưởng tượng phải không? Kỳ thực, không chỉ có người cá, “Sơn Hải Kinh” cũng mô tả rất nhiều loài kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, một số trong đó thì con người không thể tưởng tượng được. Vì vậy, trong nhiều năm, nhiều người đã coi “Sơn Hải Kinh” là kinh điển kỳ đàm quái luận không có thực. Tuy nhiên, kể từ khi con cừu trư (tên khoa học dasypodidae), một loài động vật kỳ dị trông giống thỏ, mỏ giống chim và đuôi giống rắn trong “Sơn Hải Kinh” được phát hiện ở Bắc Mỹ, mọi thứ đã thay đổi. Đặc biệt, nhà khảo cổ học người Mỹ, tiến sĩ Henriette Mertz, vào những năm 1950, đã lần lượt tìm ra các dãy núi đối ứng trong số 46 dãy núi trong “Sơn Hải Kinh” và “Đông Sơn Kinh” ở vùng núi Bắc Mỹ. Từ đó nhiều người bắt đầu coi “Sơn Hải Kinh” là một bảo tàng tự nhiên cổ xưa.

Con cừu trư một loài động vật kỳ quái giống với mô tả trong Sơn Hải Kinh được phát hiện ở Bắc Mỹ

Trên thực tế, mỹ nhân ngư cũng được ghi lại trong cuốn lịch sử tự nhiên sớm nhất và uy tín nhất ở phương Tây, “Naturalis Historia” (Lịch sử Tự nhiên) hoàn thành bởi Pliny the Elder, một học giả La Mã cổ đại vào năm 77 sau Công nguyên, đó được coi là tác phẩm tiêu biểu của bách khoa toàn thư phương Tây cổ đại. Cuốn sách bao gồm 37 quyển, 2.500 chương liên quan đến các phương diện khác nhau như thiên văn học, địa lý, động thực vật, nhân chủng, y dược và luyện kim, nhân văn và nghệ thuật v.v.

Trong chương thứ chín của cuốn sách, Pliny the Elder nói trên bờ biển Olisipo (Lisbon, Bồ Đào Nha ngày nay), đã phát hiện một người cá, thể mạo đặc trưng tương tự như những gì người xưa đã thấy. Tổng đốc Gaulo đương thời cũng đề cập trong một báo cáo lên đế vương rằng nhiều sinh vật lạ đã bị sóng biển đánh dạt vào bờ, được người dân địa phương gọi là tiên nữ biển. Những tiên nữ biển này có phần thân trên giống người, nhưng thay vì có làn da mịn màng, toàn thân họ được bao phủ bởi lớp vảy. Họ có thể ca hát. Những ngư dân trên biển đã nghe thấy họ hát trong lúc lâm chung, tiếng ca vô cùng bi thương.

Và gần như cùng một thời kỳ, ở Trung Quốc xa xôi, Thái sử công Tư Mã Thiên cũng đề cập đến mỹ nhân ngư trong cuốn “Sử Thư” ông tuyển viết. Trong sách nói rằng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có một ngọn nến luôn cháy sáng, đó là một ngọn nến làm bằng mỡ nhân ngư, đốt rất lâu cũng không tắt.

Mỹ nhân ngư trong truyền thuyết

Trên thực tế, không chỉ ở Châu Âu và Trung Quốc, mà vào thời cổ đại xa xôi, mỹ nhân ngư đã xuất hiện ở hầu hết năm châu lục. Ở lục địa Nam Á, mỹ nhân ngư xuất hiện trong sử thi nổi tiếng “Ramayana” của Ấn Độ. Công chúa mỹ nhân ngư Suvannamaccha là con gái của quỷ vương, nàng tuân theo lệnh của vua cha phá hủy cây cầu lớn do vua khỉ Hanuman xây dựng. Sau khi Hanuman giải thích cho nàng tình huống chân thực về lý do tại sao cần xây dựng cây cầu, nàng đã yêu chú khỉ thần thông quảng đại này, và đứng về phía chính nghĩa. Nàng công chúa người cá này rất được yêu thích ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Nhiều cửa hàng ở Thái Lan thích treo ảnh nàng với hy vọng sẽ mang lại may mắn cho cửa hàng.

Trong nền văn minh Lưỡng Hà cổ lão ở Tây Á, mỹ nhân ngư được khắc trên con dấu lăn mà mọi người sử dụng để đóng dấu trên khế ước. Những con dấu như vậy đã có từ năm 3500 trước Công nguyên.

Theo thần thoại và truyền thuyết của người Maori ở Úc, Pania, một tiểu nữ hải dương xinh đẹp, đã yêu Karitoki, con trai của một tù trưởng Maori, và họ đã dùng sinh mạng để thề sẽ bí mật kết hôn. Tuy nhiên, là một sinh vật biển, Pania phải trở về biển vào ban ngày, nếu không tính mạng của nàng sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng Karitoki dường như không tin điều này, chàng luôn nghĩ cách giữ vợ lại bên mình. Những người lớn tuổi trong làng nói với chàng nếu Pania nuốt thức ăn đã nấu chín, thì sẽ không thể quay trở lại biển. Karitoki đã bí mật nhét một miếng nhỏ thức ăn chín vào miệng vợ khi nàng đang ngủ say. Pania kinh hoàng thức dậy và chạy ra biển. Tộc nhân của nàng từ đáy biển sâu đã nổi lên mặt nước và đón nàng đi. Hai người từ đó không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Câu chuyện buồn này đã được lưu truyền giữa những người trong bộ tộc Maori trong nhiều năm. Cho đến bây giờ, một số người nói rằng họ đã nhìn thấy Pania ở rạn san hô sâu, hai tay dang rộng, như thể chờ đợi lời xin lỗi của người chồng. Ngoài ra còn có một bức tượng Pania ở Napier, New Zealand. Pania cũng là một biểu tượng của thành phố.

Tuy nhiên, những nàng tiên cá lại không mấy nổi tiếng khi đến châu Phi. Họ thường được miêu tả là những mỹ nhân rắn độc chuyên dụ đàn ông đến chỗ chết. Trong nền văn hóa Caribe của châu Mỹ, mỹ nhân ngư lại được coi như thần linh, đại biểu cho tài phú và sắc đẹp.

Nhân chứng mục sở thị

Thật trùng hợp khi Columbus đang tìm kiếm Tân thế giới, ông đã phát hiện ra ba mỹ nhân ngư gần đảo Hispaniola ở vùng biển Caribe. Tuy nhiên, ông nói rằng khuôn mặt của họ trông nam tính hơn và không đẹp như mọi người miêu tả về họ.

Columbus không phải là nhà hàng hải duy nhất phát hiện ra mỹ nhân ngư trên biển. Vào thế kỷ 17, khi nhà thám hiểm nổi tiếng Henry Hudson đi tàu gần biển Na Uy ở Bắc Băng Dương, thủy thủ đoàn của ông báo cáo đã nhìn thấy một người cá. Hudson nổi danh về thám hiểm Canada và vùng đông bắc Mỹ. Vịnh Hudson nổi tiếng ở Canada và sông Hudson ở New York được đặt theo tên ông.

Thật trùng hợp, nhà thám hiểm người Hà Lan David Danell cũng tìm thấy dấu tích của người cá ở vùng biển Greenland thuộc Bắc Băng Dương. Không giống như những gì Columbus nhìn thấy, mỹ nhân ngư mà ông nhìn thấy có “mái tóc bồng bềnh, phi thường mỹ lệ”.

Ngay cả Benjamin Franklin, quốc phụ của Hoa Kỳ, đã từng nói về người cá. Năm 1736, chàng trai trẻ Franklin giới thiệu với độc giả về người cá vừa được phát hiện ở Bermuda trong tờ “Công báo Pennsylvania” (The Pennsylvania Gazette) của mình, nói: “hình dạng bộ phận trên của thân thể nó giống một cậu bé 12 tuổi với mái tóc dài màu đen, nửa dưới giống như một con cá”.

Bác sĩ và nhà sử học tự nhiên người Đan Mạch Thomas Bartholin cũng đã vẽ lại những mỹ nhân ngư mà ông nhìn thấy với thủ pháp chuyên nghiệp. Bartholin nổi tiếng trong lĩnh vực y tế vì đã tìm ra hệ thống mạch bạch huyết, và bức tranh người cá của ông cũng được hậu nhân coi là bằng chứng rất đáng tin cậy về người cá. Người cá này bị bắt ở Brazil. Mặc dù chân của nó không có dạng đuôi cá, nhưng một đôi ngón tay có màng lại mang những đặc điểm rõ ràng của sinh vật biển.

Cuối cùng, chúng ta hãy đến với một nhân chứng mục sở thị từ Trung Quốc. Câu chuyện bắt nguồn từ cuốn sách “Thanh Bại Loại Sao” ghi lại những giai thoại của triều đình và dân chúng vào cuối thời nhà Thanh. Tác giả Từ Kha là một cử nhân năm Quang Tự.

Nhân chứng nhìn tận mắt là một lão nhân họ Quách đến từ Nam Hải, Quảng Đông. Khi còn trẻ, ông đã vượt đại dương, làm đầu bếp trên một con tàu của Bắc Mỹ. Một ngày nọ, ngay sau buổi trưa, mây đen giăng kín, một cơn bão sắp ập đến. Lúc này, phía xa có người nhìn thấy hai người đang hành tẩu trong sóng cả. Mọi người đều cảm thấy họ thật thần kỳ.

Sau khoảng nửa giờ, hai người đó dần dần đến gần. Lúc này mọi người mới nhìn thấy, hai người đó từ trên rốn có hình người, dưới rốn có hình cá. Họ di chuyển bằng cách vỗ nước bằng đuôi. Các thủy thủ đã bắt được họ và chủ tàu nuôi họ trong một chiếc bể lớn.

Hai người cá này cao khoảng 1m, tóc ngắn bồng bềnh, mắt, tai, miệng, mũi giống hệt con người, chỉ khác là toàn thân được bao phủ bởi dịch cơ thể nhầy nhụa, không có mùi hôi. Họ là một nam một nữ, đặc biệt thân thiện. Mọi người đến xem xung quanh, họ không sợ hãi, đôi khi họ mỉm cười, nhưng họ không thể nói. Có người ném bánh cho họ, họ biết lấy ăn. Sau vài ngày như vậy, thủy thủ đoàn lại thả những người cá trở lại biển.

Cho đến ngày nay, người cá vẫn là chủ đề có thể gây tranh cãi. Trên mạng cũng có rất nhiều tin đồn và video, chẳng hạn như xác ướp trong các ngôi mộ cổ, bộ xương người cá được tìm thấy trên bờ biển, hóa thạch người cá và các mẫu vật mỹ nhân ngư khác nhau, v.v. Số người tin theo không ít, nhưng cũng có những người không tin. Có người nói: Tin cũng được, không tin cũng không sao. Nó vẫn luôn mơ hồ như vậy.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version