Đại Kỷ Nguyên

Ảnh chụp hào quang cơ thể hé lộ sự tồn tại của linh hồn

Các nhà khoa học chứng thực sự tồn tại của linh hồn nhờ theo dõi sự biến đổi của hào quang trên cơ thể người trước và sau khi chết.

Cuộc sống sau khi chết. Đây không phải là chủ đề chỉ mới được quan tâm ngày nay, mà đã được nhân loại băn khoăn trong hàng thế kỷ. Từ xưa đến nay, cuộc sống sau khi chết là một lĩnh vực thuộc phạm trù triết học, thường thấy xuất hiện nhiều trong sách vở hoặc văn chương.

Nhưng liệu có khả năng tiếp cận cuộc sống sau khi chết sử dụng các phương pháp của khoa học hiện đại, trong cái khung lý luận của mô hình khoa học phương Tây? Có thể, và một nhà khoa học phương tây, một giáo sư vật lý người Nga với cái tên Konstantin Korotkov đã làm được điều này.

Giáo sư vật lý Korotkov. Ảnh: tunuevainformacion

Giáo sư Konstantin Korotkov tuyên bố đã tìm ra mối liên hệ giữa cơ thể vật lý và linh hồn

Ông đã làm được điều này nhờ đo lường sự suy giảm độ sáng huỳnh quang của mô tế bào (còn gọi là sự suy giảm độ sáng hào quang), được biết đến rộng rãi hơn với cái tên “hiệu ứng Kirlian”.

Phương pháp này đã được phát minh ra cách đây hơn hai thế kỷ, và sau đó được công bố ra công chúng dưới dạng thức nhiếp ảnh bởi cặp vợ chồng Kirlians từ thành phố Krasnodar của Nga. Trong phương pháp này, người ta đặt vật thể vào trong một trường điện từ có cường độ cao, khiến vật thể phát ra một vầng hào quang điện (hay trường năng lượng). Vầng hào quang điện này sẽ được chụp hình, và đây chính là ảnh chụp hào quang vật thể theo phương pháp Kirlian.

Với mẫu thiết kế thực nghiệm thích hợp, bạn có thể làm cho bất kỳ vật thể nào tỏa ra hào quang và phát sáng: lá cây, đồng tiền xu, quả táo, và các ngón tay,… Tức là bao gồm cả vật thể sống (hữu cơ) và không sống (vô cơ).

Hào quang đồng xu theo phương pháp Kirlian. Ảnh: Pinterest
Hào quang lá cây theo phương pháp Kirlian. Ảnh: Walter Myers
Hào quang quả táo theo phương pháp Kirlian. Ảnh: doorofperception
Hào quang cơ thể người theo phương pháp Kirlian. Ảnh: wakingtimes

Trạng thái hào quang cơ thể người (sáng hay tối, đầy đủ hay thiếu khuyết)  phụ thuộc vào trạng thái tâm sinh lý và  trạng thái năng lượng hiện tại của một cá nhân. Có thể dựa vào hào quang này để chẩn đoán sức khỏe tâm sinh lý của một người.

Người khỏe mạnh và năng động sở hữu hào quang sáng sủa và đều đặn. Nếu năng lượng của một người bị rối loạn, ví như bị viêm nhiễm, hào quang của người đó sẽ xuất hiện các chỗ đứt gãy hay kẽ hở, không đầy đặn. Những căn bệnh sắp khởi phát nhưng chưa khởi phát, tức chưa bắt đầu có biểu hiện trên cơ quan nội tạng, sẽ khiến hào quang phai nhạt, không đồng đều và đứt gãy ở một số nơi.

Hào quang cơ thể phản ánh tình trạng sức khỏe tâm sinh lý của người đó. Trái: một người ốm. Phải, một người khỏe mạnh. Ảnh:.orgoneffectsaustralia

Theo GS Korotkov, các quan sát trước đó cho thấy hình ảnh phát sáng quang điện quang (hào quang) xung quanh đầu ngón tay của một người có thể phản ánh một cách rõ ràng và đầy đủ về tình trạng sức khỏe – bao gồm sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất – của người đó. Do đó nhóm nghiên cứu chỉ cần chụp ảnh hào quang các đầu ngón tay (hay bàn tay) là có thể biết được trạng thái hào quang của toàn bộ cơ thể.

Hào quang xung quanh 5 đầu ngón tay của một người phản ánh trọn vẹn tình trạng sức khỏe tâm sinh lý của người đó. Ảnh: blogspot

Dựa trên nguyên lý của phương pháp Kirlian, GS Korotkov đã phát triển một kỹ thuật kết hợp việc xử lý ảnh và chuyển đổi dữ liệu trên máy tính nhằm đo lường hiệu quả trạng thái tâm sinh lý và năng lượng của bệnh nhân, gọi là kỹ thuật “hiển thị phóng điện khí (Gas Discharge Visualization)” hay GDV. Kỹ thuật này hiện đang được hàng trăm bác sĩ ở châu Âu, Nga, Mỹ, Châu Á, Australia và hơn 40 quốc gia sử dụng.

Với kinh nghiệm trong việc áp dụng hiệu ứng Kirlian để chẩn đoán tình trạng sức khỏe bệnh nhân dựa trên các bức ảnh chụp hào quang, nhóm nghiên cứu của GS Korotkov đã có thể tiếp cận gần hơn với quá trình cụ thể khi “sự sống chuyển dịch dần sang cái chết”. Ý tưởng thực ra rất đơn giản: Hào quang cơ thể người thực chất chính là sự phân bố năng lượng trên cơ thể sống. Những tia sáng trong ảnh chụp chính là biểu hiện của năng lượng (lực sống, hay lực sinh mệnh). Nếu chúng ta có thể quan sát được sự phân bổ năng lượng trên cơ thể sống, dựa vào kỹ thuật GDV (thuộc phương pháp chụp ảnh Kirlian), chúng ta sẽ có thể biết được nguồn năng lượng trên cơ thể sống này tản mất đi như thế nào sau khi người ta chết. Nói cách khác, chúng ta sẽ biết được quá trình chuyển dịch từ sự sống sang cái chết đã diễn ra như thế nào.

GS Korotkov và chiếc máy chụp ảnh hào quang áp dụng kỹ thuật GDV của ông. Ảnh:gdvcamera.com

Thí nghiệm

Thí nghiệm này được thực hiện trong một căn phòng, duy trì mức nhiệt độ không đổi tại +18 ± 2 độ C, nhờ hệ thống thông gió và điều hòa.

Đối tượng thí nghiệm (cơ thể người chết) được lựa chọn sẽ được mang vào phòng và đặt cố định ở một vị trí với phần đầu hướng về phía Tây, phần chân hướng về phía Đông. Tay trái được đặt trên một điện cực ở một vị trí xác định, được cố định bằng một thiết bị đặc biệt, làm sao để bàn tay và ngón tay duy trì vị trí ổn định trên điện cực trong suốt quá trình. Sở dĩ đặt ngón tay trên điện cực là để tạo trường điện từ nhằm tiến hành chụp ảnh hào quang theo phương pháp Kirlian.

Hào quang của 4 ngón tay trên tay trái đã được chụp hình, bao gồm: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út (ngón đeo nhẫn), ngón út.

Ảnh chụp hào quang ngón tay dựa trên kỹ thuật GDV (thuộc phương pháp Kirlian) của GS Korotkov. Ảnh minh họa: korotkov.eu

Hàng chục đợt thí nghiệm đã được thực hiện trong giai đoạn 1995-2000, mỗi đợt kéo dài khoảng 3-5 ngày. Đối tượng thí nghiệm trong tầm tuổi từ 19-70, bao gồm cả nam lẫn nữ.

Kết quả chính của thí nghiệm

Kết quả chính của thí nghiệm rất thú vị. Sau khi tử vong, độ sáng hào quang cơ thể người chết sẽ sụt giảm, nhưng không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, các dữ liệu cũng cho thấy, sự suy giảm này không đồng đều ở tất cả các trường hợp, mà tùy vào các dạng thức tử vong khác nhau mà sẽ có quá trình suy giảm hào quang khác nhau.

Dựa trên dữ liệu về sự biến đổi của độ sáng hào quang sau tử vong, GS Korotkov đã phân hoạch những người chết ra làm 3 nhóm, tương ứng với 3 phương thức tử vong khác nhau.

Nhóm I: “bình lặng”, tử vong vì các lý do tự nhiên, ví như tuổi già. Ở nhóm này, độ sáng hào quang suy giảm một cách đều đều sau khi chết. Đồ thị biểu thị độ sáng hào quang có biên độ dao động tương đối nhỏ.

Ví dụ về một trường hợp thuộc nhóm I:

Giới tính: nam, Tuổi: 70, Nguyên nhân tử vong: do tuổi già. Trục tung biểu thị độ sáng hào quang, trục hoành biểu thị số giờ trôi qua sau khi chết.

Như có thể thấy trên hình, độ sáng hào quang có sự biến đổi lên xuống hơi thất thường trong khoảng 16 giờ đầu, sau đó suy giảm dần dần một cách bình ổn theo thời gian. Sự suy giảm này là bình lặng nhất trong 3 nhóm.

Nhóm II: “đột ngột”, tử vong do tai nạn giao thông với dấu hiệu chấn thương sọ não. Ở nhóm này, độ sáng cũng suy giảm dần theo thời gian, tuy nhiên lại có một sự thay đổi lên xuống thất thường ở mức độ lớn hơn so với nhóm I, đặc biệt trong khoảng chục giờ đầu tiên. Biên độ dao động độ sáng hào quang là lớn hơn so với nhóm I.

Ví dụ về một trường hợp thuộc nhóm II:

Giới tính: nam, Tuổi: 40, Nguyên nhân tử vong: chấn thương (do tai nạn giao thông đi kèm chấn thương sọ não).

Như có thể thấy trong hình, độ sáng hào quang tăng vọt lên trong khoảng 8 giờ đầu, sau đó giảm đột ngột, rồi bình ổn dần theo thời gian. Dường như một cái chết đột ngột cũng sẽ đi kèm theo nó những biến đổi thể chất thất thường tương đương.

Nhóm III: “phi tự nhiên”, tử vong do các tác nhân không thuận lợi, nhưng có khả năng tránh được, như tự sát, chăm sóc y tế sai sót, tắc nghẽn mạch máu não, v.v… Ở nhóm này, độ sáng hào quang có biên độ dao động rất cao, rất thất thường, lên xuống cao thấp không theo quy luật. Tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài (gần 3 ngày sau khi chết).

Dường như một cái chết không mong muốn nhất (do có khả năng tránh được) cũng sẽ đi kèm theo nó sự biến đổi dữ dội, bất ổn nhất của độ sáng hào quang. Đặc biệt, GS Korotkov còn phát hiện ra một chi tiết vô cùng thú vị:

Sau khi nạn nhân tử vong, thì vào buổi đêm những ngày sau đó, độ sáng hào quang thường gia tăng đột ngột một cách khó hiểu, bắt đầu từ 9h tối.

Chi tiết này sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo.

Cơ thể người chết có rất nhiều biến đổi lạ thường

1. Độ sáng hào quang biến đổi theo dạng thức tử vong, không phải do quá trình phân hủy thông thường

Trên quan điểm sinh học, sau khi một sinh vật chết đi, cơ thể sẽ trải qua quá trình phân hủy, trong đó vật chất hữu cơ bị tan rã thành các dạng vật chất đơn giản hơn. Trong hai ngày sau khi chết, đáng nhẽ ra cơ thể không thể còn có bất kỳ hoạt động nào ngoại trừ quá trình phân hủy, do đó độ sáng hào quang nên phải suy giảm dần dần một cách ổn định, chứ không phải dao động lên xuống thất thường trong khoảng 36 giờ đầu tiên như có thể thấy ở các xác chết trong cả 3 nhóm.

Minh họa quá trình suy giảm độ sáng hào quang kỳ vọng trên lý thuyết. Ảnh: researchgate

Một số người có thể cho rằng, sự dao động thất thường của độ sáng hào quang này là do sự biến đổi vật lý của cơ thể trong quá trình tự phân hủy. Ngay cả như vậy, thì đáng nhẽ ra độ sáng hào quang trong cả 3 nhóm người nên phải suy giảm một cách tương tự nhau. Nói cách khác, trong cả 3 nhóm, đồ thị biểu thị độ sáng hào quang sau khi chết nên phải là như nhau. Cần nhớ rằng, môi trường thí nghiệm được duy trì ổn định tại mức nhiệt  +18 ± 2 độ C và độ ẩm không đổi, nhờ hệ thống điều hòa và thông gió. Do đó, cả 3 nhóm xác chết đều đang phân hủy trong cùng một môi trường. Tuy vậy trên thực tế, 3 đồ thị biểu thị độ sáng hào quang lại rất khác biệt, thậm chí trong xu thế suy giảm chung của độ sáng hào quang song song với quá trình phân hủy, một số trường hợp lại cho thấy sự gia tăng của độ sáng hào quang sau 2-3 ngày. Ví như ở đồ hình 3, tại thời điểm 6 giờ sau tử vong độ sáng đang ở mức thấp hơn 1000, nhưng sau gần 72 giờ sau tử vong độ sáng lại cao hơn mức 1000.

Tại sao trong cùng một môi trường phân hủy, độ sáng hào quang lại có sự khác biệt ở 3 nhóm người? Tại sao trong một số trường hợp, độ sáng hào quang lại có biểu hiện gia tăng khi cơ thể đã phân hủy được 2-3 ngày?

Độ sáng hào quang có sự khác biệt theo dạng thức tử vong. Điều này không thể được lý giải bằng quá trình phân hủy thông thường.

2. Cơ thể người chết không chỉ đơn thuần là một tảng thịt 

Khi cơ thể người chết phân hủy, trên lý thuyết nó không có gì khác so với quá trình phân hủy của một tảng thịt vô tri vô giác. Năm 1984-85, nhóm nghiên cứu của GS Korotkov đã tiến hành một thí nghiệm ghi nhận sự biến đổi độ sáng hào quang của các sản phẩm thịt khi phân hủy trong môi trường nhiệt độ phòng (mục đích của thí nghiệm này là để kiểm định chất lượng của chúng). Kết quả cho thấy các sản phẩm thịt trong quá trình phân hủy có độ sáng hào quang suy giảm một cách đều đều, bình ổn, và có phần đơn điệu. Không một sự dao động đột biến, kỳ lạ, bất thình lình nào như được ghi nhận ở 3 đồ thị trên.

Tại sao lại có sự khác biệt về độ sáng hào quang giữa cơ thể người chết và một tảng thịt trong quá trình phân hủy?

Điểm lạ thường hé lộ sự tồn tại của linh hồn

Vậy làm sao để lý giải kết quả này? Theo GS Korotkov, sự khác biệt về độ sáng hào quang của cơ thể người với các vật chất hữu cơ (các loại thịt) và vật chất vô cơ vô tri vô giác (đồng xu, cái kéo,…) trong quá trình phân hủy  là do trong cơ thể người có tồn tại bổ sung một dạng “cấu trúc thông tin-năng lượng” đặc thù. Theo ông, cái “cấu trúc thông tin-năng lượng” này là một dạng cấu trúc không gian khách quan, có sự liên kết với cơ thể vật chất, nhưng tồn tại độc lập với nó, đặc biệt trong một đoạn thời gian nhất định sau khi một người tử vong. Ông nhận định, đây rất có thể  là một dạng thức biểu hiện của “linh hồn”.

Tồn tại một loại “cấu trúc thông tin-năng lượng”, có sự liên kết với cơ thể vật chất, nhưng tồn tại độc lập với nó. GS Korotkov cho rằng nó chính là “linh hồn”. Ảnh: Science Photo Library

Và nếu dựa trên giả thuyết này, cũng không khó để lý giải các đặc điểm bất thường khác. Tại sao lại có sự khác biệt giữa độ sáng hào quang của 3 nhóm người I,II,III? Tại sao những cái chết đột ngột (nhóm II) và phi tự nhiên do các tác nhân không thuận loại (nhóm III) lại có biên độ dao động hào quang lớn hơn, “dữ dội” hơn những cái chết bình lặng (nhóm I)? Liệu sự khác biệt này có thể là do linh hồn?

Có một chi tiết khá thú vị về nhóm 3, nay xin được nhắc lại:

Sau khi nạn nhân tử vong, thì vào đêm những ngày sau đó, độ sáng hào quang thường gia tăng đột ngột một cách khó hiểu, bắt đầu từ 9h tối. Liệu đây có phải là biểu hiện của việc linh hồn “nuối tiếc” quay trở lại cơ thể, chứ chưa rời đi sau một cái chết dữ dội, không mong đợi?

Linh hồn sẽ trở lại cơ thể trong các trường hợp tử vong phi tự nhiên. Ảnh: ĐKN

Sinh mệnh của một người không chỉ nằm ở cái cơ thể xác thịt này, mà còn bao hàm cả phần hồn (linh hồn) của người đó.

Quý Khải

Exit mobile version