Hàng ngày khi nhìn lên cuốn lịch treo tường cũng như nhiều loại lịch khác thông dụng trong công việc và cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam, chúng ta đều thấy có hai phần dương lịch và âm lịch. Dương lịch giúp người ta lên kế hoạch làm việc, tính chu kì thời tiết, nói cách khác về cơ bản nó mang phần nhiều ý nghĩa vật chất. Trong khi đó, âm lịch lại có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với đời sống văn hóa và tinh thần của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Hiểu về âm lịch như thế nào cho đầy đủ, cho đúng cả về cơ sở khoa học lẫn ý nghĩa văn hóa, là điều không nên bỏ qua.
Cơ sở thiên văn học của Âm lịch
Khác với Dương lịch được đặt ra dựa trên chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, Âm lịch dựa trên chu kỳ chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất.
Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất mỗi vòng hết 27,32 ngày. Tuy vậy trên thực tế, vì bản thân Trái Đất còn có chuyển động quanh Mặt Trời nên Mặt Trăng cần thêm một chút thời gian nữa để trở về vị trí cũ trên bầu trời khi nhìn từ Trái Đất, do vậy chu kỳ mà chúng ta quan sát thực tế của Mặt Trăng là 29,53 ngày. Chu kỳ này được gọi là một “tuần trăng”. Từ xa xưa người phương Đông đã nhận thấy khoảng 12 tuần trăng tương đương với một chu kỳ thời tiết. Để thuận tiện cho việc quan sát, dự đoán thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp, người ta chọn một chu kỳ này là một năm, mỗi tuần trăng gọi là một tháng. Tuy vậy, cứ 3 năm thì lại bị chậm so với chu kì thời tiết khoảng 1 tháng nên cần có thêm một tháng bù vào. Những năm có tháng bù vào này được gọi là năm nhuận, chẳng hạn như năm Giáp Ngọ vừa qua là một năm nhuận.
Người phương Đông xưa lại đặt ra Can và Chi, hay gọi đầy đủ là Thiên Can và Địa Chi, đều có cơ sở từ quan sát thiên văn. Thời trước, người ta chưa biết rằng các ngôi sao trên bầu trời đều là các thiên thể như Mặt Trời, chỉ có riêng các hành tinh là chuyển động quanh Mặt Trời. Tuy vậy, người thời đó đã nhận thấy có năm đốm sáng không đứng im so với nền trời sao mà vị trí thay đổi mỗi ngày, họ gọi chúng là các hành tinh. Năm hành tinh này gồm: Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ, được gọi là ngũ hành (Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương chỉ có thể quan sát qua kính thiên văn nên người thời xưa không nhìn thấy). Khi quan sát năm hành tinh này, người phương Đông cổ nhận thấy mỗi hành tinh đều có một chu kỳ nhất định để chúng trở về vị trí cũ so với nền trời sao. Cụ thể như sau: Sao Thủy: khoảng 0,25 năm; Sao Kim: khoảng 0,6 năm; Sao Hỏa: khoảng 2 năm; Sao Mộc: khoảng 12 năm; Sao Thổ: khoảng 30 năm.
Sao Hỏa cứ hai năm lại về vị trí cũ, nên mỗi chu kỳ của nó được coi tương ứng với một hành trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), mỗi hành hai năm như vậy nên có một năm mang tính dương và một năm mang tính âm. Tổng cộng mỗi chu kỳ như vậy là 10 năm, vậy nên người ta đặt ra 10 can tương ứng với âm và dương của mỗi hành.
10 can gồm: Giáp, Ất tương ứng với Mộc; Bính, Đinh tương ứng với Hỏa; Mậu, Kỷ tương ứng với Thổ; Canh, Tân tương ứng với Kim; Nhâm, Quý tương ứng với Thủy.
Trong khi đó Sao Mộc hết khoảng 12 năm trở về vị trí cũ. Con số 12 này cũng trùng với số tuần Trăng trung bình của một năm. Vậy nên 12 chi được đặt ra, mỗi chi gắn vào một năm theo chu kỳ này và vào một tháng trong năm. Sao Mộc có chu kỳ trùng khớp như vậy nên còn được gọi là Tuế Tinh. 12 chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Mỗi năm âm lịch được gọi tên bằng một can đi với một chi, ví dụ năm vừa rồi là năm Giáp Ngọ, năm tới là năm Ất Mùi. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60 nên có thể thấy ngay rằng cứ 60 năm thì chu kỳ mới kết thúc; chẳng hạn chúng ta đón Tết Ất Mùi bây giờ thì phải đúng 60 năm sau mới lại được thấy Tết Ất Mùi.
Con số 60 này cũng chính là bội số chung nhỏ nhất của 2, 12 và 30 (chu kỳ của các hành tinh như nêu trên), nên 60 năm cũng chính là khoảng thời gian tương đối chính xác để tất cả 5 hành tinh quay trở lại vị trí tương đối như cũ. Chu kỳ này còn thường được gọi là Lục Thập Hoa Giáp. Ngoài ra, như chúng ta đều biết, can chi không chỉ được ứng dụng để gọi tên tháng, năm mà còn dùng cho cả tên gọi ngày, giờ.
Như vậy có thể thấy rằng âm lịch mà chúng ta đang sử dụng có cơ sở rất mật thiết từ các quan sát thiên văn. Dựa vào chu kỳ chuyển động của các thiên thể mà người ta đưa ra các qui ước tính thời gian, và ngược lại qua quan sát vị trí và chuyển động của các thiên thể cũng có thể phán đoán được các giá trị thời gian (Điều này được ứng dụng nhiều trong tra cứu lịch sử. Nhiều chi tiết trong lịch sử không rõ ngày tháng sau đó được làm rõ nhờ những văn bản còn lại có nhắc đến vị trí của các thiên thể trên bầu trời).
Khác với nhiều người vẫn nghĩ lịch chỉ đơn giản là để đếm thời gian, trên thực tế lịch cần đáp ứng được việc dự đoán chu kỳ chuyển động của các thiên thể và qua đó dự đoán được chu kỳ thời tiết, qui luật xảy ra các hiện tượng tự nhiên. Có thể thấy mặc dù đi theo một hướng khác với phương Tây ở nghiên cứu khoa học nói chung và lịch pháp nói riêng, nhưng văn hóa phương Đông cũng thể hiện tinh hoa riêng của mình.
Điều gì hạn chế ở Âm lịch?
Âm lịch chúng ta đang sử dụng đã được cải biên thêm về cách tính năm nhuận cho phù hợp hơn với Dương lịch, vì thế gọi một cách chính xác thì lịch cổ truyền ngày nay chúng ta sử dụng là “Âm Dương lịch”. Tuy vậy để gần gũi và dễ hiểu thì trong bài này tôi vẫn xin phép gọi ngắn gọn là “Âm lịch” như vẫn gọi từ đầu bài viết.
Như chúng ta đã thấy, Âm lịch có cơ sở khoa học rõ ràng và mang màu sắc văn hóa đặc sắc phương Đông. Tuy nhiên, cũng không nên phủ nhận việc nó vẫn có hạn chế so với Dương lịch. Hạn chế cơ bản nhất là: vì trên thực tế một chu kỳ Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời không phải là tương đương với 12 tuần Trăng (12 tháng Âm lịch) mà dài hơn khoảng 10 ngày, do đó dù Âm lịch được bổ sung việc tính năm nhuận nhưng sự dịch chuyển về ngày tương ứng hàng năm khiến cho ngày tháng trong Âm lịch không phản ánh chính xác chu kỳ thời tiết như Dương lịch (chu kỳ thời tiết trên Trái Đất là do Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời). Chẳng hạn, ngày xuân phân Mặt Trời chiếu vuông góc với xích đạo của Trái Đất, trong dương lịch luôn rơi vào ngày 21 tháng 3, có chăng có năm lệch đi chỉ vài giờ. Trong Âm lịch có 24 tiết khí và có tiết xuân phân này nhưng vì sự chênh lệch chu kì nên mỗi năm xuân phân lại rơi vào ngày khác nhau (Ví dụ: năm Ất Mùi 2015, Xuân phân là ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch, nhưng đến năm sau là Bính Thân thì xuân phân theo Âm lịch lại là 12 tháng 2). Không chỉ xuân phân mà cả 23 tiết khí còn lại trong năm tuy là được qui ước bởi người phương Đông nhưng lại không rơi vào cùng ngày hàng năm theo Âm lịch, chỉ đúng chu kỳ theo Dương lịch.
Chúng ta thấy rằng để dự đoán chu kỳ thời tiết thì Âm lịch không được tiện lợi và chính xác như Dương lịch. Vậy nên trong cuộc sống hiện đại, người phương Đông nói chung và người Việt chúng ta nói riêng cần sử dụng và kết hợp thật hài hòa: Sử dụng Dương lịch không chỉ cho hành chính mà còn cho dự đoán chu kỳ thời tiết, mùa màng, hiện tượng tự nhiên; đồng thời sử dụng Âm lịch đối với những nét văn hóa truyền thống quí giá cần được gìn giữ và phát triển, đặc biệt nhất chính là Tết cổ truyền đầu năm của chúng ta.
Không có tháng mười một?
Dân gian ta thường đếm tháng Âm lịch là “Một, Chạp, Giêng, Hai, …”. Điều đó có nghĩa là tháng Một nằm trước tháng Chạp. Có ý kiến cho rằng đó là do người xưa đọc cho thuận miệng và ngắn gọn còn đúng ra là tháng mười một. Trên các cuốn lịch treo tường ngày nay người biên soạn cũng thường ghi tháng Âm lịch bằng cách đánh số từ 1 đến 12 giống như Dương lịch.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ cả về logic lẫn lịch sử thì không phải như vậy. Chúng ta có thể để ý rằng tháng thứ mười một trong năm (được gọi là “Một” trong cách nói dân gian nêu trên) là tháng Tý, tức là tháng đầu tiên của một chu kỳ 12 chi. Thực tế trong lịch sử đã có một giai đoạn khá dài người phương Đông lấy tháng này làm tháng đầu tiên của năm. Tháng Tý là tháng khởi đầu, và thông thường ngày Đông chí hàng năm luôn rơi vào tháng này. Sau này qui ước tính điểm khởi đầu của năm thay đổi nên tháng Dần vốn là tháng thứ ba lại được chọn làm tháng đầu tiên của năm. Dù vậy nếu để ý ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người am hiểu văn hóa phương Đông vẫn xem tuổi, xem ngày trong năm với mốc là ngày Đông chí. Chẳng hạn người 40 tuổi (Âm lịch) vào năm Giáp Ngọ thì thực tế đã được coi là bước sang tuổi 41 vào sau ngày Đông chí của năm Giáp Ngọ (tức ngày 22 tháng 12 năm 2014 vừa qua).
Như vậy, cách đếm “Một, Chạp, Giêng, Hai, …” là chính xác. Tháng thứ mười một trong năm tính từ Tết nguyên đán gọi là tháng Một, còn tháng đầu tiên trong năm là tháng Giêng chứ không phải tháng Một như đa số hiểu nhầm ngày nay.
Nhìn lại đôi nét về lịch cổ truyền của dân tộc, chúng ta không chỉ hiểu hơn về ý nghĩa khoa học của cuốn lịch sử dụng mỗi ngày mà thông qua đó còn hiểu một cách sâu sắc hơn về tinh hoa văn hóa và vũ trụ quan phương Đông.
Ánh Toàn, thienvanvietnam.org