Đại Kỷ Nguyên

Al Capone: Trùm găng-xtơ khét tiếng đã bị ám chết bởi một nạn nhân xấu số của hắn?

Hình chụp Al Capone (Ảnh: Wikimedia) Ảnh nền: Phòng giam Al Capone tại nhà tù Eastern State Penitentiary (Ảnh: Wikimedia)

Al Capone là một trùm găng-xtơ khét tiếng ở Mỹ, người cầm đầu đường dây buôn lậu, mại dâm và cờ bạc trị giá hàng triệu đôla ở Chicago trong gần một thập kỷ. Tại đỉnh cao quyền lực, hắn đã thuê hơn 1.000 tay súng và mua chuộc được gần một nửa lực lượng cảnh sát trong thành phố.

Tuy vậy trong những năm cuối đời, hắn lại sa sút thành một con người hay sợ hãi, hoảng loạn, người sẽ kêu thét yêu cầu ‘Jimmy’ để hắn yên ổn về đêm. Liệu Al Capone đã bị rối loạn tâm thần trong những năm cuối đời, hay phải chăng hắn đã bị ám bởi một trong những nạn nhân xấu số của mình?

Alphonse Gabriel “Al” Capone (1899 – 1947) được sinh ra ở Brooklyn, New York, là con trai của đôi vợ chồng người Ý mới nhập cư. Cánh cửa dẫn đến một cuộc đời tội phạm đã mở ra khi hắn chuyển đến Chicago và trở thành bạn bè và cận vệ của Johnny Torrio, người đứng đầu một tổ chức tội phạm chuyên buôn lậu rượu trong thời kỳ cấm rượu ở Mỹ.


Ảnh chụp Al Capone tại Cục Cảnh sát Chicago sau khi bị bắt giữ vì tội danh du đãng vào năm 1930. (Ảnh: Wikimedia)

Không lâu trước khi Al Capone bắt đầu sống cuộc đời của một găng-xtơ đầy nguy hiểm, thì ở cái tuổi 26, hắn đã là một trùm tội phạm quyền lực có trong tay cả sự hậu thuẫn về mặt chính trị lẫn quyền hành pháp. Hắn đã sử dụng biện pháp hối lộ và đe dọa để tác động đến kết quả bầu cử, kèm theo bạo lực và sát hại để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong các nhà máy bia bất hợp pháp của hắn được thuận lợi.

Capone đã gần như không thể bị pháp luật sờ gáy mãi cho tới cái ngày thảm sát tàn nhẫn giữa các băng nhóm tội phạm đối địch nhau vào đúng dịp Valentine (14/2) năm 1929, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng yêu cầu chính phủ phải ra tay hành động.

Ngày thảm sát dịp Valentine

Đầu năm 1929, Capone thống lĩnh đường dây buôn bán rượu lậu ở Chicago. Nhưng những kẻ làm tiền khác, được biết đến với cái tên North Side Gang (Băng nhóm phía bắc), đã thèm muốn một mẩu bánh trong ngành kinh doanh rượu lậu béo bở này, trong số đó có địch thủ lâu năm của Capone, “Bọ” Moran. Capone nhận thấy Moran là một mối đe dọa quá lớn và cần phải bị trừ khử.

Sáng ngày 14/2/1929, người của Capone, trong trang phục cảnh sát, đã triển khai một cuộc đột kích giả băng nhóm North Side Gang. Các tay cảnh sát giả đã dàn hàng ngang 7 người đàn ông dọc theo một bức tường và sau đó kiết liễu họ bằng súng máy. Cảnh giác trước nguy hiểm cận kề, Bọ Moran đã trốn chạy khỏi cuộc thảm sát. Bức ảnh các nạn nhân đã khiến dư luận chấn động và làm tổn hại đến hình ảnh của Capone trong mắt những đồng minh chính trị của hắn, và cuối cùng một quyết định đã được thông qua để đối phó với tình trạng vô luật pháp của Capone.

Bức ảnh chụp ngày thảm sát Valentine cuối cùng đã khiến lực lượng hành pháp phải có hành động xử lý Al Capone. (Ảnh: Wikimedia)

Vì không có chứng cứ khép hắn vào tội giết người, Capone đã bị mang ra tòa bằng những tội danh khác. Tháng 5/1929, Capone đã bị bắt giữ vì mang một khẩu súng trong chuyến đi đến Philadelphia và đã bị kết án tại nhà tù Eastern State Penitentiary ở Philadelphia.

Al Capone bị giày vò bởi ‘Jimmy’

Các mối quan hệ của Al Capone đã đảm bảo cho hắn có được sự đối xử tốt nhất trong tù. Trong khi các tù nhân khác phải sống trong những phòng giam bê tông, trống rỗng với một khung sắt đơn giản làm giường, phòng giam của Capone lại được bày biện những món đồ nội thất tốt, các bức tranh sơn dầu, và một cái đài radio. Nhưng cái phòng giam ‘sang trọng’ này không khiến quãng thời gian thụ án của Capone thêm mấy tiện nghi, dễ chịu – không tốn quá nhiều thời gian trước khi tay trùm tội phạm cứng cỏi, rắn chắc xoay chuyển 180 độ thành một con người khóc lóc, đầy sợ hãi, người sẽ phát ra những tiếng kêu thét kinh hoàng về đêm, kêu gào ‘Jimmy’ để hắn ta được yên.


Trái: Một phòng giam tiêu chuẩn tại nhà tù Eastern State Penitentiary. Phải: Phòng giam của Al Capone (Ảnh: Wikimedia)

Nhiều người tin rằng ‘Jimmy’ là hồn ma của một trong những nạn nhân của Al Capone, người sẽ đến và giày vò hắn ta khi màn đêm buông xuống. Thật vậy, một trong số bảy nạn nhân trong vụ thảm sát ngày Valentine là James (“Jimmy”) Clark. Sinh ra với cái tên nguyên gốc là Albert Kachellek, Jimmy là em rể của Bọ Moran, và đã qua đời vào cái ngày 14/2 đẫm máu đó.

Sự giày vò theo chân Capone sau khi hắn rời nhà tù Eastern State Penitentiary và tiếp tục thụ án 11 năm nữa tại nhà tù US Penitentiary ở Atlanta và nhà tù Alcatraz ở California vì tội trốn thuế. Năm 1931, Capone thậm chí đã cho mời một bà đồng cốt, tên Alice Britt, để thử tìm hiểu xem Jimmy muốn gì. Rõ ràng là, Britt đã không thành công và Capone tiếp tục chịu khủng bố.

Số khác chỉ ra một cách giải thích khoa học hơn cho sự giày vò của hắn.

Bệnh giang mai cướp mất tâm trí của Al Capone

Lúc được khoảng 20 tuổi, Capone đã làm bảo kê tại một nhà thổ, và tại đó hắn đã mắc bệnh giang mai. Hắn chưa từng đi chạy chữa, khiến bệnh tình chuyển biến thành giang mai thần kinh, dẫn tới chứng mất trí nhớ. Sau khi thụ án 6 năm rưỡi trong tù, Capone đã được thả vào năm 1939 và chuyển đến một bệnh viện tâm thần ở Baltimore, và ở đó trong 3 năm kế tiếp.

Sức khỏe của Al Capone trở nên xấu đi và vào năm 1946, các bác sĩ và nhà điều trị tâm lý tại Baltimore đã tiến hành các phân tích và đi đến kết luận rằng Capone có tâm trí của một đứa trẻ 12 tuổi. Ngày 25/1/1947, Capone qua đời do bị ngừng tim. Hắn đã được chôn cất tại Nghĩa trang Mount Carmel ở làng Hillside, Illinois.


Một của Al Capone tại làng Hillside, Illinois. (Ảnh: Wikimedia)

Không ai thực sự biết được tại sao Capone đã liên tục thét lên ‘Jimmy’ vào những năm cuối đời. Tuy nhiên nhiều người tin rằng đây chính là hồn ma của một nạn nhân xấu số của hắn, James Clark, trong khi số khác cho rằng những tội lỗi đã phạm phải kết hợp với tình trạng suy giảm sức khỏe thần kinh đã dẫn tới những sự giày vò đến từ nhân vật Jimmy nào đó, “người” đã ở cùng với hắn ta cho đến những ngày cuối cùng.

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version