Đồng hồ cơ, thiết bị khoan dầu, máy đo địa chấn,… là một vài trong số rất nhiều phát minh tuyệt vời của Trung Quốc cổ đại.
Trung Quốc ngày nay thường bị nhiều người chế giễu là chuyên gia sao chép, chuyên sản xuất hàng nhái của các sản phẩm nổi tiếng. Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ lấy các sản phẩm từ phương Tây, tái cấu trúc lại chúng, rồi giao bán các mặt hàng giả, lậu trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Trên thực tế, thời cổ đại, Trung Quốc đã từng là nơi sản sinh ra một số phámt minh quan trọng nhất trên thế giới.
- In ấn
Khi nhắc đến in ấn, có lẽ cái tên đầu tiên thường xuất hiện trong tâm trí của mọi người là Johannes Gutenberg, một nhà phát minh người Đức vào thế kỷ 15. Ông nổi tiếng với việc phát minh ra phương pháp in dấu bằng máy in vào những năm 1450. Nhưng chính người Trung Quốc mới thực sự đã phát minh ra máy in vào thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên). Người Trung Quốc đã sử dụng các khối gỗ để in văn bản lên các loại vải như lụa. Vào năm 868 SCN, cuốn sách đầu tiên đã được xuất bản, đó là bản dịch cuốn kinh thư Phật giáo có tên Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh.
- Đồng hồ cơ
Vào năm 725 SCN, nhà sư người Trung Quốc tên Nhất Hạnh đã phát minh ra chiếc đồng hồ cơ đầu tiên trên thế giới. Nước nhỏ giọt sẽ làm quay một bánh xe, khiến chiếc đồng hồ chạy. Chiếc đồng hồ hoàn tất một vòng quay trong đúng 24 giờ.
- Tiền giấy
Không lâu sau khi người Trung Quốc phát minh ra máy in, họ cũng đã phát minh ra tiền giấy (hay giấy bạc). Phát minh này đã giúp cách mạng hóa nền kinh tế khi cho phép các thương nghiệp giao dịch buôn bán bằng giấy thay vì vàng.
- Luyện kim
Thời nhà Chu, vào khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên (TCN), người Trung Quốc đã biết luyện kim. Ngành luyện kim đã tạo ra một tác động tích cực ở Trung Quốc, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Trên thực tế, nhà Hán đã giữ độc quyền ngành luyện kim để bỏ túi tất cả lợi nhuận từ loại hình công nghiệp mới mẻ này.
- La bàn
La bàn là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử lữ hành. Nếu không có la bàn, việc tìm đường trên biển và khám phá những vùng đất mới sẽ trở thành những việc bất khả thi. Và cũng chính người Trung Quốc đã phát minh ra chiếc la bàn đầu tiên vào thời nhà Hán. Ban đầu, người ta sử dụng quặng từ tính trong một cái bát để xác định phương hướng. Sau này, họ đã tạo ra chiếc la bàn có mũi kim mà chúng ta quen thuộc ngày nay.
- Khoan sâu vào lòng đất
Vào thế kỷ thứ 2 TCN, người Trung Quốc đã trở thành nền văn minh đầu tiên trên thế giới phát triển được công nghệ khoan sâu. Được phát triển tại tỉnh Tứ Xuyên, công nghệ này được sử dụng chủ yếu để chiết xuất nước muối trữ bên dưới bề mặt. Sau đó, người Trung Quốc bắt đầu khai thác khí đốt tự nhiên từ Trái đất. Các ghi chép lịch sử cho thấy họ đã có thể khoan sâu tới 900 km ngay từ thế kỷ 11. Kỹ thuật khoan sâu của Trung Quốc sau đó đã được bắt chước ở Hoa Kỳ và được sử dụng để khoan giếng dầu ở bang California vào những năm 1860.
- Thuốc súng
Người Trung Quốc cũng là những người đầu tiên trên thế giới phát minh và sử dụng thuốc súng trong chiến tranh. Việc phát minh ra thuốc súng có thể được truy ngược vào khoảng năm 300, khi các nhà khoa học thời đó bắt đầu tiến hành thử nghiệm với than, lưu huỳnh và muối tiêu. Sáu trăm năm sau, người Trung Quốc đã sử dụng thuốc súng để phá hủy các bức tường thành của kẻ thù.
- Máy đo địa chấn
Máy đo địa chấn (còn gọi là địa chấn kế) được phát minh ở Trung Quốc vào khoảng năm 132 bởi Trương Hành, một nhà bác học thời nhà Hán. Nó được sử dụng để đo lường sự thay đổi của gió theo mùa và sự chuyển động của Trái đất. Công cụ này có thể cho biết hướng xảy ra của một trận động đất.
- Bàn chải đánh răng
Bàn chải đánh răng mà bạn sử dụng để làm sạch răng hàng ngày cũng được phát minh ở Trung Quốc. Người Trung Quốc đã sử dụng bàn chải đánh răng làm bằng lông ngựa thô gắn vào tay cầm bằng tre vào khoảng năm 1498. Các thương nhân châu Âu sau này đã mang những chiếc bàn chải đánh răng này sang phương Tây.
Theo visiontimes.com
Phương Lâm biên dịch