Đại Kỷ Nguyên

3 trường hợp luân hồi gây chấn động thế giới ở Thái Lan

3 trường hợp luân hồi gây chấn động thế giới ở Thái Lan

(Ảnh: VN ngày nay)

Ở Thái Lan, có rất nhiều câu chuyện truyền miệng về vấn đề luân hồi tái sinh. Rất câu chuyện như vậy đã được các học giả phương Tây nổi tiếng nghiên cứu và kiểm chứng. Dưới đây là 3 câu chuyện như vậy.

Luân hồi tái sinh có tồn tại hay không? Tùy bạn quyết định.

(Ảnh: Tân Sinh)

Cậu bé có vết bớt đến từ kiếp trước

Tiến sĩ Jim Tucker, một học giả nổi tiếng về lĩnh vực luân hồi khác tại Đại học Virginia (Mỹ), đã trích dẫn và ghi nhận rất nhiều ví dụ về mối liên hệ giữa vết bớt và cuộc sống trước đây (kiếp trước) của một người. Dưới đây là một ví dụ như vậy, về những gì đã xảy ra ở Thái Lan.

TS Jim Tucker. (Ảnh: The Epoch Times)

Lúc lâm chung, một phụ nữ lớn tuổi đã nói với con gái rằng, hy vọng đời sau bà có thể làm một cậu bé. Nghe vậy, cô con gái đã bôi một ít thuốc mỡ trắng vào đầu ngón tay và bôi nó vào gáy của người mẹ. Không lâu sau cái chết của bà, cô con gái đã hạ sinh một bé trai với vết bớt màu trắng trên gáy, có hình dạng giống hệt phần gáy của mẹ cô. Khi cậu bé lớn hơn một chút, cậu có thể nhận diện những thứ bà ngoại cậu từng dùng, như thể cậu đã từng sử dụng chúng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: YouTube)

Erlendur Haraldsson là giáo sư danh dự và nhà tâm lý học tại Đại học Iceland. Ông là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về hiện tượng tái sinh luân hồi.

GS Erlendur Haraldsson. (Ảnh: r2.err.ee)

Năm 1994 ông đã xuất bản một tài liệu có tiêu đề “Các nghiên cứu lặp lại của 3 nhà điều tra độc lập về những trường hợp hé mở sự tồn tại của hiện tượng luân hồi”. Tài liệu này được tóm tắt như sau:

“Cho đến nay, Jűrgen Keil đã nghiên cứu 60 trường hợp tái sinh luân hồi ở Myanmar, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, Erlendur Haraldsson đã nghiên cứu 25 trường hợp tái sinh ở Sri Lanka; còn Antonia Mills thì đã nghiên cứu 38 trường hợp ở miền bắc Ấn Độ ….
Trong tổng số 123 trường hợp, 80% trẻ em mô tả về một kiếp trước mà rõ ràng rất phù hợp với đặc điểm của một người đã mất. Trong số 99 trường hợp trẻ em tự xưng là chuyển sinh của người đã khuất, 51% các bé không có máu mủ ruột rà và không có liên gì với gia đình người đã mất kia, 33% bé là người quen của những thành viên trong gia đình, và 16% bé chính là thế hệ sau của những người đã mất này ở trong họ hàng”.

Ở cuối tài liệu, TS Haraldsson cũng cho biết:

“Trong số 123 trường hợp, chỉ một (trong nghiên cứu của Mills) là do tự đánh lừa bản thân mà ra”.

Hòa thượng Siêu Không nhất tâm hướng Phật

Giáo sư Ian Stevenson (thầy của TS Jim Tucker nói trên) là một học giả nổi tiếng khác về hiện tượng tái sinh luân hồi tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ. Trong cuộc đời, ông đã thu thập và nghiên cứu hơn 3.000 trường hợp như vậy. Ông có một cuốn sách với tiêu đề Cases of the Reincarnation Type: Twelve cases in Thailand and Burma (tạm dịch: Các dạng thức tái linh luân hồi: 12 trường hợp ở Miến Điện và Thái Lan). Một trường hợp được miêu tả chi tiết trong đó là về một nhà sư có pháp danh Siêu Không. Hòa thượng này có thể nhớ lại rõ ràng những câu chuyện về kiếp trước của mình.

(Ảnh: sott.net)

Tại Thái Lan, hòa thượng Siêu Không đã từng là một tu sĩ trụ trì đáng kính. Ông sinh ngày 12/10/1908 tại Pinnabas (tỉnh Surin). Tên thật của ông là Chaokhun Rajsuthajarn, tên thường gọi là Choate. Ngay sau khi ông vừa mới sinh ra, thì bác của ông là Nai Leng cũng qua đời vì bệnh.

Nai Leng khi còn sống là một Phật tử, mỗi buối tối đều ngồi xếp bằng thiền định. Ông khi còn sống cũng hết mực quan tâm yêu thương em gái của mình, cũng chính là mẹ của Choate, tên là Nang Rien.

Hồi nhỏ lúc Choate mới bắt đầu tập nói, khi mẹ ông dạy ông nhận biết cô dì chú bác trong nhà, thì ông lại gọi họ là “anh, chị, em”; ông còn gọi bà ngoại là “mẹ”. Về phần mẹ mình, ông không gọi là mẹ mà gọi thẳng tên mụ của bà là “Ee Mah”, và còn nói bà là em gái của mình, rồi nói mình chính là Nai Leng chuyển sinh.

Khi mọi người hỏi tên của vợ và ba đứa con gái của Nai Leng là gì, ông đều trả lời chính xác. Choate còn có thể nói chính xác những nơi mà khi còn sống Nai Leng đã từng đi qua, những người mà Nai Leng đã từng quen biết, v.v… Cậu cũng có thể nhận ra những thứ mà Nai Leng đã từng sử dụng. Thừa hưởng thói quen từ đời trước, cậu nhất lòng hướng Phật. Năm 16 tuổi, cậu đã đến tu hành tại một ngôi chùa.

Năm Choate hơn 40 tuổi, ông đến tu hành ở một ngôi chùa ở Bangkok. Khi đó, sư trụ trì hỏi ông rằng liệu có biết ai đó có thể nhớ lại kiếp trước của mình không, ông trả lời bản thân mình có thể. Vì vậy, Choate lại có cơ hội nói về kiếp trước của mình. Sau đó, ông đã làm theo lời khuyên của trụ trì, viết lại tất cả những trải nghiệm luân hồi của mình thành một cuốn sách. Đến năm 1969, cuốn sách nhỏ của ông đã được chính thức xuất bản.

Trong cuốn sách của mình, pháp sư Siêu Không đã miêu tả lại quá trình Nai Leng tử vong và chuyển sinh một cách rất tỉ mỉ, chi tiết và sinh động:

“Tháng 8/1908, tôi (Nai Leng) đã bị bệnh mấy tháng rồi, chỉ nằm ở trên giường. Lúc này em gái tôi là Nang Rien đã mang thai đươc 7 tháng. Trong đoạn thời gian này, hai anh em chúng tôi thường xuyên nằm mơ thấy nhau. Nang Rien lần này mang thai phản ứng rất khác so với các lần khác, không thích ăn hoa quả hay các thực phẩm có vị chua như trước, mà tính cách thay đổi hẳn, trở nên rất tín ngưỡng Phật giáo, đặc biệt là rất thích ngồi thiền.

Nang Rien dành rất nhiều thời gian ngồi thiền và cầu niệm Phật, thường xuyên đi tham gia các hoạt động ở các ngôi chùa, thậm chí còn muốn trở thành ni cô. Ngày nọ, vào đêm trước lễ chay tịnh của Phật giáo, Nang Rien đã rời nhà đi đến một ngôi chùa, ở đó cạo trọc đầu mình, mặc áo bào trắng, cùng với những người khác ngồi thiền va niệm Phật, cho tận khi dịp lễ kết thúc vào tháng 11.

Tôi tuy nằm trên giường bệnh, nhưng lại có thể chứng kiến tường tận mọi hoạt động của em gái. Tôi giống như là luôn ở sau lưng Nang Rien chừng 2m. Tôi không nói chuyện với Nang Rien, chỉ là chăm chú quan sát em gái mình. Nhưng, kể từ ngày Nang Rien trở về, tôi phải đến hơn 2 ngày không nhận biết được điều gì. Đến ngày buổi chiều thứ ba, tôi mới cảm thấy mình tỉnh lại, biết rõ mình đang bị bệnh nằm ở trên giường.

Minh họa hiện tượng linh hồn ly thể – khoa học gọi là hiện tượng “ngoài cơ thể”. (Ảnh: Whispy.com)

Đến một ngày, tôi nghe được người thân anh em họ hàng trong phòng rôm rả nói chuyện: “Tối hôm qua Nang Rien sinh ra một bé trai rất đáng yêu”. Nghe đến đây, tôi nghĩ, nếu không bị bệnh ta cũng đang ở chỗ em gái rồi. Lúc này, đột nhiên tôi cảm giác nằm tư thế này rất không thoải mái, bèn muốn xoay người vào tường, nhưng lại không thể giữ cho cơ thể cân bằng, đành phải tiếp tục nằm thẳng. Tôi nghĩ nằm ngủ chút thì sẽ ổn lại thôi, liền nhắm mắt lại. Đúng lúc này, tôi cảm giác thấy mình hồi phục trở lại bình thường.

Tôi cảm thấy rất khỏe mạnh, hơn nữa còn có thể di chuyển được tứ phía. Thân thể rất nhẹ giống hệt như không trọng lượng, vì thế tôi cảm thấy vô cùng cao hứng, vội vàng chạy đến chỗ những người thân của mình để nói chuyện. Nhưng kỳ lạ là bọn họ lại chẳng ai nhìn thấy tôi. Tôi túm tay người này, kéo cánh tay người kia, mà họ vẫn dường như không thấy gì.

Đến giờ ăn cơm, những người thân thích đều rời đi. Một người thân tới sờ vào chân của Nai Leng (tôi). Mà tôi lại đang ở ngay đằng sau lưng, tôi nắm tay của cô ấy, nói to: “Ta ở chỗ này, ta không bị bệnh, ta đã khỏi rồi. Đừng sợ, ta không sao rồi”. Nhưng bọn họ lại chẳng ai hiểu lời tôi nói. Họ khóc to lên, trông rất thương tâm. Có người đi ra ngoài thông báo cho những người khác, tất cả mọi người chạy vào phòng.

Vào thời khắc này, tôi phát hiện mình có mặt khắp nơi: Tôi có thể đồng thời ở hai ba phương hướng khác nhau chứng kiến hoạt động của mọi người. Còn có thể tinh tường chứng kiến và nghe được giọng nói của họ. Tôi có thể hoạt động rất nhanh ở bốn phía. Ta không đói bụng cũng không khát, cũng không thấy mệt mỏi. Trong lúc tang lễ, tôi cảm thấy mình giống như thăng lên, cho dù là những người khác đang ngồi hay đang đứng, ta tôi luôn thấy mình cao hơn bọn họ.

Sau khi thân thể tôi (Nai Leng) được hoả táng, tôi bỗng nhiên nghĩ tới em gái Nang Rien. Nghe nói rằng cô ấy sinh con trai, tôi còn chưa đến thăm nó, tôi lúc nào cũng bận rộn tiếp đón khách, lúc này mới có thể đi rồi. Lúc ấy tôi đang ở nơi hoả táng, ý nghĩ muốn đi thăm Nang Rien vừa xuất ra, đã ngay lập tức ở tại phòng của Nang Rien.

Tôi nhìn đứa bé mới sinh và Nang Rien đang ngủ say. Đứa bé rất đáng yêu. Tôi nghĩ: “Phải tìm cách nào vuốt ve hôn nó một cái mới được”. Vừa lúc đó thì em gái tôi tỉnh dậy, nhìn thấy tôi, Nang Rien giật mình nói: “Anh trai à, anh đã sang thế giới khác. Xin đừng lại xuất hiện tại trước mặt chúng em, đừng vướng bận vì chúng em nữa”. (Đây là cũng là lần duy nhất người thân nói chuyện tôi). Tôi có chút ngượng ngùng, liền ẩn đi.

Một lát sau, tôi lại muốn liếc mắt nhìn đưa bé, em gái tôi lại tỉnh dậy nói y như lúc nãy. Tôi lại lui ra, mặc dù rất muốn ở lại, nhưng mà tôi biết rõ mình phải đi. Nhưng trước khi rời đi, tôi nghĩ dù sao cũng phải nhìn đứa bé kia một cái đã. Lần này, tôi quyết định ở một khoảng cách khá xa, để em gái tôi không thể nhìn thấy. Vì vậy, tôi ngó đầu vào nhìn đứa bé, nhưng đến lúc chuẩn bị rời đi thì đột nhiên tôi thấy thân thể mình đang quay tròn với một tốc độ rất nhanh. Tôi không cách nào để giữ thăng bằng. Tôi dùng tay che kín đầu, mặt và lỗ tai lại, sau đó tôi mất hết tri giác. Tôi cảm giác được rằng mình đã chết.

Không biết là qua bao lâu, tôi khôi phục tri giác. Tôi không biết mình ở nơi nào. Trong trí nhớ, tôi chỉ biết rõ không lâu trước đó tôi là Nai Leng, hồi tưởng lại quá khứ, tôi không rõ vì sao mà hiện giờ mình phải ở vào trong hoàn cảnh bất lực như thế này, tôi cảm thấy uể oải. Về sau, tôi nhận ra những người đến thăm mình, và nhớ được tên của bọn họ. Tôi vẫy tay muốn nói chuyện với họ, nhưng lại chỉ phát ra tiếng bập bẹ giống như trẻ con. Lúc này có người chú ý tới động tác của tôi liền bế tôi lên. Tôi rất vui vẻ, cười thích thú.

Đến khi tôi bập bẹ tập đi và học nói, một hôm bà ngoại đến, bởi vì ký ức quá khứ khống chế tôi, nên tôi gọi bà là “mẹ”. Bà ngoại chỉ vào Nang Rien hỏi tôi: “Nếu như ta là mẹ của con, vậy kia là ai?”. Tôi nói: “Đó là Ee Mah của ta” (tiếng Thái nghĩa là cún con). Ee Mah là biệt danh mà tôi gọi em gái khi còn nhỏ. Bà ngoại thấy lạ liền hỏi tiếp: “Vậy thì con tên là gì?”. Tôi nói: “Ta là Nai Leng”, tôi thấy rất lạ, họ rõ ràng không nhận ra tôi.

Lúc này, Nang Rien ở bên cạnh tôi liền nói: “Thảo nào sau khi con sinh nó thì có vài lần nhìn thấy anh Nai Leng. Nó nhất định là anh trai chuyển sinh rồi”. Vì thế, Nang Rien tiếp tục hỏi tôi: “Nếu là như vậy vợ và con của anh tên là gì? Anh làm công việc gì?”, v.v… Tôi trả lời chuẩn xác tất cả mọi câu hỏi. Từ đó người nhà mới tin tôi là Nai Leng chuyển sinh”.

Con gái của Nai Leng nói, pháp sư Siêu Không lúc còn trẻ có sở thích giống hệt như cha cô (Nai Leng), họ đều thích đến chùa miếu. Pháp sư Siêu Không và Nei Leng đều bắt đầu vào chùa tu hành từ năm 16 tuổi, chỉ có điểm khác nhau là Nei Leng năm 25 tuổi hoàn tục, lấy vợ sinh con, còn pháp sư Siêu Không thì trọn đời làm tăng nhân.

Tái sinh cùng một lá bùa hộ mệnh

Theo ghi chép trong “Kiếp trước kiếp này của linh hồn”, tại vương quốc Thái Lan có lưu truyền rộng rãi câu chuyện thú vị và kỳ lạ về một cô gái chuyển sinh mang theo chiếc bùa hộ mệnh từ kiếp trước.

Cô gái có tên gọi Ara này trong tiền kiếp đã từng gặp một vị cao tăng. Vừa nhìn thấy cô gái, vị cao tăng liền tặng cho cô một món quà được coi là cao quý ở Thái Lan. Đó chính là chiếc bùa hộ mệnh, và cao tăng tiên đoán sau này cô sẽ mang chiếc bùa đó đi chuyển sinh.

Trước khi qua đời, cô gái nắm chắc chiếc bùa hộ mệnh trong tay và trăn trối với em gái: “Chị cần mang theo chiếc bùa hộ mệnh này mới có thể đầu thai, chị cần làm nhiều việc quan trọng hơn nữa”.

Sau khi cô gái qua đời, người nhà làm theo lời trăn trối của cô, để chiếc bùa hộ mệnh bên cạnh thi thể, và đây cũng là vật quý giá nhất được chôn theo cô gái.

Nửa năm sau khi cô gái qua đời, người em gái vốn vô sinh đã hơn 10 năm bỗng mang thai một cách kỳ diệu. Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là khi đứa trẻ chào đời bên tay phải đã nắm chắc chiếc bùa hộ mệnh từng được chôn theo người chị gái năm xưa.

Chiếc bùa hộ mệnh chôn theo người chị gái năm xưa. (Ảnh minh họa dẫn theo baomoi.com)

Cảm thấy vô cùng kinh ngạc và bí ẩn, hai vợ chồng cô em quyết định đào mộ của chị gái để tìm hiểu nguyên nhân và xác minh sự việc này. Khi nắp quan tài được bật lên, hai vợ chồng cô và tất cả mọi người có mặt đều chết lặng không nói nên lời, chiếc bùa hộ mệnh trong quan tài đã không cánh mà bay tự bao giờ. Từ ngày người chị gái qua đời, gia đình cô chưa từng một lần khai quật mở nắp quan, vậy nên tuyệt đối không thể có chuyện chiếc bùa hộ mệnh bị ai đó đánh cắp rồi lại nhét nó vào bụng cô em và để vào tay thai nhi được.

Từ đó, cô em gái càng tin rằng đứa trẻ mình sinh ra – không còn nghi ngờ gì nữa – chính là chị gái cô chuyển sinh, điều này cũng giống như lời vị cao tăng năm xưa đã tiên đoán. Vợ chồng cô đặt tên con gái mình là Ara, theo tên gọi trong một cuốn kinh sách, với ý nghĩa là ‘sự chúc phúc của người chết’.

Người Thái Lan ngày nay, cũng như nhiều dân tộc khác ở Châu Á, cho rằng luân hồi tái sinh là một hiện tượng rất bình thường. Trong các trường tiểu học ở Thái Lan, các nhà sư sẽ được yêu cầu giảng dạy về hiện tượng luân hồi tái sinh ít nhất sáu lần. Người Thái Lan, bất kể tuổi tác ra sao, nói chung đều gìn giữ những phong tục cổ xưa là thờ cúng Phật. Họ cũng tin vào những quan niệm truyền thống, rằng linh hồn của người ta sẽ không mất đi sau khi người ta chết mà sẽ không ngừng tái sinh và luân hồi.

Theo Secret China
Quang Khánh biên dịch

Video: 3 câu chuyện luân hồi của những người nổi tiếng: Napoleon từng là cựu hoàng đế La Mã?

Exit mobile version