Đại Kỷ Nguyên

12 khám phá khảo cổ làm thay đổi góc nhìn của khoa học về lịch sử

Tri thức của con người về lịch sử và những nền văn minh cổ đại vẫn còn rất hạn hẹp. Các nhà khảo cổ trong nhiều giai đoạn lịch sử vẫn luôn đưa ra những bằng chứng mới để giải mã những ẩn đố và truyền thuyết trong quá khứ.

Dưới đây là 12 khám phá khảo cổ làm thay đổi góc nhìn của giới khoa học về lịch sử:

1. Đội quân đất nung

Cuộc khai quật cho phép giới khoa học có cái nhìn mới về sự cai trị của Hoàng đế đầu tiên tại Trung Quốc.

Năm 1947, một nông dân sống tại tỉnh Thiểm Tây trong quá trình đào giếng đã tình cờ phát hiện ra đội quân khổng lồ này. Hàng ngàn chiến binh đất nung đứng sừng sững bảo vệ lăng mộ của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa – Tần Thủy Hoàng. Đối với các nhà nghiên cứu, đại công trình này cho thấy trình độ kĩ nghệ đáng kinh ngạc của người Trung Quốc cổ, đồng thời thể hiện tính nhân đạo chưa từng có và quan điểm tiến bộ của vị Hoàng đế này (ông sử dụng một đội quân đất nung canh mộ thay vì ra lệnh chôn cả một đội quân sống như những vua chúa tiền nhiệm).

Mặc dù đội quân đất nung đã được phát hiện gần 60 năm trước đây, phần chính của lăng mộ – nơi đặt linh cữu của Tần vương vẫn chưa được khai quật vì vấn đề kỹ thuật và an toàn. Bởi theo các thư tịch cổ, khu vực này chứa các hệ thống cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm và một dòng sông thủy ngân vô cùng độc hại.

 2. Các cuộn sách vùng biển Chết

Đây là một bộ sưu tập lớn các bản thảo cổ xưa được tìm thấy ở nhiều nơi dọc theo bờ biển phía tây bắc của Biển Chết. Nghiên cứu cho thấy các văn bản này ra đời trước những bản thảo sớm nhất của Kinh Cựu Ước khoảng 1000 năm. Nhờ khám phá này, chúng ta biết được rõ ràng hơn về cuộc sống và nhiều thông tin khác về thời cổ đại.

3. Các bản khắc Behistun

Một bản khắc mô tả các sự kiện lịch sử từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Trong chuyến ngoại giao của mình đến Ba Tư năm 1598, Robert Sherley – một người Anh ưa phiêu lưu mạo hiểm đã phát hiện một tập hợp các văn bản đa ngôn ngữ được khắc trên vách đá theo lệnh của vua Darius Đại đế.

Các dòng chữ cho phép các nhà khảo cổ tìm hiểu sâu hơn về những sự kiện lịch sử đã diễn ra vào khoảng năm 523-521 trước Công nguyên, đồng thời nghiên cứu các nền văn minh cổ xưa nổi tiếng như Lưỡng Hà, Sumer, Akkad, Ba Tư, và Assyria.

4. Hẻm núi Olduvai Gorge

Khu vực này đã từng là nơi sinh sống của loài người và các loài động vật đầu tiên. 

Olduvai Gorge là “mỏ vàng” của các di chỉ tiền sử. Năm 1911, nhà côn trùng học người Đức Wilhelm Kattwinkel đã tình cờ phát hiện ra nơi này khi đang mải mê đuổi theo một con bướm.

Người ta đã tìm thấy ở đây hộp sọ của 3 kiểu người vượn, bao gồm Australopithecus, Homo habilis, và Homo erectus. Ngoài ra còn có bộ xương của loài ngựa tuyệt chủng ba ngón hipparions, các loại công cụ, vũ khí và các cổ vật giá trị khác có niên đại từ 1-1,5 triệu năm.

5. Angkor Wat

Angkor Wat (hay Thành phố của những ngôi đền) là di tích tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Đó là một cấu trúc ba tầng đồ sộ với rất nhiều cầu thang và hành lang, bao quanh bởi năm tòa tháp. Ngôi đền được gọi là linh hồn của dân tộc Khmer, và thực sự là trái tim của một nền văn minh lớn.

Những ghi chép cổ xưa nhất về công trình bằng đá khổng lồ này được lưu lại từ năm 1601. Thời điểm đó, Marcelo Ribandeyro – một người truyền đạo tới từ Tây Ban Nha đã phát hiện ra một quần thể đền đài này đứng sừng sững trong rừng Campuchia. Tuy nhiên, ông không thể giải đáp những bí ẩn về xuất xứ của công trình này và nó đã rơi vào lãng quên trong hơn 200 năm. Phải đến giữa thế kỷ 19, nhà tự nhiên học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã đến đây và giúp phương Tây biết đến Angkor Wat nhiều hơn bằng các nghiên cứu của mình.

6. Thành Troy

Các cuộc khai quật tiết lộ 46 thời kỳ văn hóa khác nhau tại thành Troy.

Thành phố cổ được nhắc tới trong những bài thơ nổi tiếng của Homer và Virgil được phát hiện vào những năm 1870 bởi nhà khảo cổ người Đức Heinrich Schliemann. Sau khi khai quật, giới nghiên cứu chia lịch sử của thành cổ thành nhiều giai đoạn – từ Troy I tới Troy IX. Troy VI được cho là thời kỳ được các tác phẩm của Homer (1900-1300 trước Công nguyên) nhắc tới.

7. Cỗ máy Antikythera

Thiết bị cơ khí này có niên đại từ khoảng năm 100 trước Công nguyên và được tìm thấy trong một con tàu đắm gần quần đảo Hy Lạp vào năm 1901.

Theo các nhà khoa học, cỗ máy này bao gồm ít nhất 30 bánh răng đồng đặt bên trong một chiếc vỏ bằng gỗ cùng 2 bề mặt hình đồng hồ ở đằng trước và đằng sau. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác công dụng của cỗ máy này nhưng họ tin rằng nó được sử dụng để tính toán chuyển động của các ngôi sao và hành tinh. Thiết bị cũng có khả năng xác định chính xác ngày bắt đầu của Thế vận hội Olympic sau mỗi 4 năm.

8. Răng của người Denisovan


Một chiếc răng và xương ngón tay của một người nguyên thủy đã được tìm thấy ở hang Denisova gần BIYSK (Nga). Các nhà khoa học cho rằng di chỉ khảo cổ học này có niên đại hơn 50.000 năm tuổi – vượt xa rất nhiều những gì chúng ta từng biết về lịch sử loài người.

Sau nhiều cuộc điều tra, giới khoa học đi đến kết luận rằng một chủng người cổ xưa chưa từng được biết đến đã từng sinh sống trên lãnh thổ của Altai. Họ giả thuyết rằng chủng người Denisova này có làn da tối, tóc và mắt đen.

9. Pompeii

Thành phố huyền thoại của La Mã cổ đại.

Là một thuộc địa của La Mã, thành phố này là một hải cảng tấp nập và nơi nghỉ dưỡng sang trong với những biệt thự, đền thờ, nhà hát lớn. Ngoài ra, nơi này sở hữu một giảng đường, tòa án và nhà thờ. Đáng tiếc, thành phố với dân số khoảng 20.000 người này đã bị chôn vùi trong tro bụi sau vụ phun trào núi lửa Vesuvius vào ngày 24 tháng 8 năm 79 sau Công nguyên.

Pompeii đã được Domenico Fontana phát hiện năm 1599, nhưng chỉ tới năm 1748, các cuộc khai quật mới chính thức được tiến hành, mở ra một cái nhìn sâu sắc quan trọng và duy nhất vào đời sống của người La Mã cổ đại. Ngoài ra, những phát hiện ở Pompeii còn đóng góp lớn vào việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách của đế chế La Mã sau này.

10. Hang Lascaux

Hang động này được phát hiện bởi nhóm bốn thiếu niên vào ngày 12 tháng 9, 1940. Trên tường của hang là hơn 2.000 bức vẽ về con người, động vật (nai, bò rừng, mèo, chim, tê giác, gấu, v.v), và các dấu hiệu trừu tượng khác. Các bức vẽ này được sử dụng màu tô là các loại khoáng sản tạo màu. Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, nhà khảo cổ học Breuil đã phát hiện ra rằng có một lớp phủ dày các tinh thể canxi đã được hình thành, chính hợp chất này đã bảo vệ những bức tranh khắc đá hàng chục nghìn năm không bị mục nát, hay mờ nhạt..

11. Phiến đá Rosetta

Phiến đá này đã cung cấp chìa khóa quan trọng để giải mã chữ tượng hình Ai Cập cổ.

Phiến đá Rosetta là một tấm bia Ai Cập cổ đại làm bằng đá granodiorit. Đầu tiên, phiến đá được đặt trong một ngôi đền và sau đó được chuyển đi và sử dụng làm vật liệu xây dựng trong một pháo đài ở làng Rosetta. Đến năm 1799 nó được giới khảo cổ học tìm ra.

Trên phiến đá này có khắc một sắc lệnh ban hành ở Memphis năm 196 TCN nhân danh nhà vua Ptolemy V. Sắc lệnh này được viết bằng ba loại chữ: trên cùng là chữ tượng hình Ai Cập Cổ đại, ở giữa là ký tự Demotic và dưới cùng là tiếng Hy Lạp cổ đại. Bởi vì phiến đá trình bày cùng một văn bản với cả ba hệ chữ viết, nó đã trở thành chiếc chìa khóa vô giá giúp khoa học hiện đại hiểu được chữ tượng hình Ai Cập.

12. Thành cổ Machu Picchu

Machu Picchu được biết đến như di chỉ bí ẩn nhất của nền văn minh Inca.

Tòa thành Inca nổi tiếng đồng thời là khu bảo tồn lịch sử đáng tự hào của Peru này được xây dựng vào khoảng năm 1440 và tồn tại cho đến năm 1532. Nó được phát hiện bởi một sử gia người Mỹ tới từ Đại học Yale, Hiram Bingham.

Các di tích đẹp như tranh vẽ của Machu Picchu là những minh chứng tuyệt vời nhất về các công trình bằng đá của nền văn minh Inca. Có khoảng 200 tòa nhà nằm trong một khu vực dài 365 mét, rộng 300 mét trên đỉnh núi ở độ cao 2430m.

Quả thực, nhân loại vẫn luôn đang trong quá trình không ngừng khám phá, mở rộng những hiểu biết của mình về những nền văn minh và con người thời tiền sử và cổ đại. Người ta thường bị bó buộc bởi những quan niệm phổ thông và được cho là ‘luôn đúng’; nhưng khoa học lại luôn vận động và hiểu biết ban đầu không nhất định là tuyệt đối chính xác. Vì vậy, nếu không thay đổi, đột phá về tư duy thì quan niệm của người ta mãi mãi không thể bắt kịp được những nhận thức mới và thế giới quan thì luôn bị gò bó trong tri thức hạn hẹn vốn có của mình.

Tôn Kiên 

Xem thêm: 

Exit mobile version