Đại Kỷ Nguyên

10 sự kiện có thể khiến bạn ngạc nhiên về Thế chiến I: khơi mào chỉ bởi 1 phát súng

Thế giới vừa kỉ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. Bên cạnh những tổn hại nặng nề, cuộc chiến cũng tạo ra không ít các sự kiện, phát minh làm thay đổi cho lịch sử hiện đại.

1. Cuộc chiến khơi mào bởi một phát súng

Vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand là một trong những vụ ám sát gây chấn động nhất thế giới thế kỷ 20, là nguyên nhân trực tiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918). Vụ ám sát diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại Sarajevo, Bosna do Tổ chức Bàn tay đen tổ chức. Người trực tiếp bắn chết thái tử là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serb và thuộc tổ chức Bàn tay đen với chỉ 1 phát súng duy nhất trúng cổ vị công tước.

Sau vụ ám sát này, giới quân phiệt Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho Vương quốc Serbia đứng đằng sau vụ ám sát và cuối cùng ngày 28 tháng 7 năm 1914 Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, Thế chiến thứ nhất bùng nổ.

Tranh vẽ mô tả vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand năm 1914 (Ảnh: loccidentale.it)

Tất nhiên, cuộc chiến được cho là tất yếu sẽ xảy ra và vụ ám sát chỉ là cái cớ. Bởi những mâu thuẫn giữa các quốc gia ở châu Âu đã chín muồi, các bên tham chiến từ trước đó khá lâu đã có các mâu thuẫn đối kháng với nhau, và muốn triệt hạ nhau bằng quân sự để phân chia lại thế giới.

2. Hơn 40.000 kilomet đường hào được đào trong suốt cuộc chiến

Được mệnh danh là cuộc chiến tranh chiến hào, chiến tranh thế giới thứ nhất đã có tổng cộng 40.233km đường hào “tiêu chuẩn”. Cụ thể, đường hào được xếp vào hàng tiêu chuẩn trong Thế chiến 1 sẽ rộng khoảng 1-2 mét và sâu 3 mét, được bọc gỗ xung quanh đường hào để tránh sạt lở.

Cuộc sống cơ cực dưới chiến hào trong Thế chiến I (Ảnh: BBC)

Cuộc sống dưới những đoạn chiến hào này cực kỳ khó khăn và khổ sở, không gian chật chội, gió mát không thổi xuống được, nước ngập lênh lãng không có chỗ thoát,… Tuy nhiên, mọi sinh hoạt, từ ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi vệ sinh đều được thực hiện ở dưới chiến hào, binh lính ít khi dám ngoi lên vì sợ lính bắn tỉa của đối phương.

3. Xe tăng lần đầu tiên được người Anh phát triển

Đây là một dự án tuyệt mật vào thời điểm đó. Ngay cả những công nhân nhà máy lắp ráp xe cũng không được biết về thứ đang chế tạo. Người ta nói với họ là họ đang chế tạo các bồn chứa nước di động cho chiến tranh sa mạc.

Xe tăng ban đầu được gọi là “tàu mặt đất”, nhưng nhanh chóng được đổi thành “tank” có nghĩa là xe thùng để gây nhầm lẫn cho kẻ thù. Ra mắt đầu tiên năm 1916, những chiếc xe tăng đầu tiên đã nhanh chóng thể hiện tính ưu việt trong điều kiện chiến tranh chiến hào và tạo ra sự kinh hoàng cho đối phương.

Xe tăng Mark IV – Dòng xe tăng được sử dụng nhiều nhất trong Thế chiến I (Ảnh: Wikipedia)

4. Trước chiến tranh, hầu hết phụ nữ ở nhà và không có mặt tại công sở

Khi số lượng nam giới xông pha ra chiến trường tăng lên, phụ nữ phải tiếp quản công việc của họ. Sau một đêm người ta thấy những người phụ nữ làm việc trên xe buýt, trong văn phòng và trong các nhà máy, hay bất cứ vị trí nào trước đó thường không bao giờ thấy bóng dáng phụ nữ. Thậm chí, hàng chục ngàn phụ nữ làm việc trong các nhà máy đạn dược có biệt danh là “chim hoàng yến” bởi vì da của nhiều người bị chuyển sang màu vàng khi tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm!

Những người phụ nữ Châu Âu tại một xưởng sản xuất vũ khí trong Thế chiến I (Ảnh: culturacolectiva.com)

5. Khi chiến tranh bắt đầu, chưa có mũ sắt, binh sĩ đội mũ vải chiến đấu

May mắn thay, mũ bảo hiểm Brodie thép đã được giới thiệu vào năm 1915. Quân đội Đức gọi chúng là “Salad Bowls”! Tuy không thoải mái cho lắm nhưng ít nhất có tác dụng bảo vệ tốt hơn cho những người lính.

Những chiếc mũ sắt xuất hiện lần đầu trong Thế chiến I (Ảnh: Technology Tom)

6. Thế chiến I giúp ra đời ngành phẫu thuật thẩm mỹ

Nhiều người bị chấn thương mặt trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào thời đó, ngành thẩm mỹ đặt viên gạch đầu tiên với việc tạo ra mặt nạ đồng để che giấu vết thương. Các mặt nạ được đeo bằng kính và được sơn để phù hợp với tông màu da của mỗi người lính. Một số lông mi được làm từ kim loại cuộn tròn.

Số lượng binh lính bị thương ở mặt lớn đã mở đầu cho sự ra đời của ngành phẫu thuật thẩm mỹ (Ảnh: BBC)

7. Xuất hiện xe cứu thương cơ giới đầu tiên

Hàng ngàn người đàn ông và phụ nữ tình nguyện làm tài xế xe cứu thương bao gồm cả nhà hoạt hình nổi tiếng Walt Disney!

8. Các vụ không kích được tiến hành phần lớn bởi khinh khí cầu

Máy bay vẫn còn rất mới vào năm 1914, vì vậy khi người Đức mở các cuộc tấn công bằng đường không vào London, chúng được thực hiện nhờ các khí cầu zeppelins.

Những khẩu súng của Anh đã cố bắn hạ chúng, nhưng hầu như không có thiệt hại đáng kể nào cho các khí cầu Đức. Phải mãi đến năm 1917, những viên đạn cải tiến mới thành công và mối đe dọa từ các khí cầu zeppelins kết thúc!

Khí cầu zeppelins được dùng cho mục đích không kích trong Thế chiến I (Ảnh: Fun Kids)

9. Mặt nạ phòng độc ra đời trong Thế chiến I

Thời điểm đầu của cuộc chiến, công cụ bảo vệ những người lính trước các cuộc tấn công bằng khí độc là một miếng vải, thường là một cái vớ cũ, ngâm trong nước tiểu của chính họ.

Ngày 13/10/1914, Garrett Morgan được cấp bằng sáng chế cho phát minh mặt nạ phòng độc và có thêm các cải tiến quan trọng về sau này để trang bị cho binh sĩ.

10. Một chú chim bồ câu bé nhỏ đã cứu sống được 500 lính Mỹ

Ngày 3/10/1918, Chỉ huy quân đội Mỹ Charles Whittlesey và hơn 500 người khác bị mắc kẹt trong rừng Argonne, bốn bề bị quân Đức bủa vây. Những người lính Đồng minh không có thức ăn, đạn dược và ở trong tình thế cực kỳ bất lợi.

Trong suốt 4 ngày, mặc dù phải hứng chịu những làn đạn liên tiếp từ phía đối phương nhưng họ vẫn không chịu đầu hàng. Để thoát khỏi tình cảnh này, chỉ huy Whittlesey đã nghĩ ra cách phái hàng loạt chim bồ câu đi đưa thư cầu cứu, trong đó có cả Cher Ami.

Chim bồ câu được sử dụng phổ biến để liên lạc trong Thế chiến I (Ảnh: BBC)

Quân đội Đức đã phát hiện ra kế hoạch này và bắn hạ tất cả những con bồ câu đưa thư, chỉ riêng Cher Ami may mắn thoát được. Mặc dù trên đường đi, Cher Ami bị trúng đạn ở ngực nhưng nó vẫn gắng gượng để tiếp tục hành trình dài 40km. Cuối cùng, sau 65 phút bay không mệt mỏi, chú bồ câu bé nhỏ đã tới được đơn vị và hoàn thành nhiệm vụ với thương tích đầy mình.

Cher Ami bị mù một mắt, một chân gần như đứt lìa. Bức thư mà chú chim bồ câu dũng cảm này giao đã giúp quân Đồng minh phá vòng vây của Đức và giải cứu 194 binh sĩ.

Sau sự kiện này, Cher Ami được phong làm người hùng của Sư đoàn Bộ binh 77. Mặc dù các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng nó vẫn bị mất một chân.

Cher Ami đã trở thành linh vật của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho tới khi qua đời vào ngày 13/6/1919. Thi thể của nó sau đó cũng được cất giữ trong Viện Smithsonian.

Hoài Anh

 

Exit mobile version