Việc trùng tu, khai quật di tích thánh địa Mỹ Sơn là cần thiết, bởi nhiều công trình tại đây đang xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia khảo cổ lo ngại, việc sử dụng phương pháp trùng tu không hợp lý có thể vô tình “phá hoại” di sản văn hóa thế giới này.
“Thánh địa Mỹ Sơn đang được trùng tu sai cách, cẩu thả”
TS Nguyễn Tiến Đông – Trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ học đô thị (Viện khảo cổ học Việt Nam) phản ánh, dịp cuối tháng 4 ông đi thăm di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) và rất ngạc nhiên, bất bình khi thấy các tháp Chăm ở đây được khai quật, trùng tu sai cách, theo VnExpress.
Ông Đông cho rằng, nguyên tắc trùng tu di tích có nhiều, song thông thường là khai quật, giữ các hiện vật để dùng trở lại cho di tích mà không làm mới. Nhưng ở khu vực khai quật Mỹ Sơn, các chuyên gia Ấn Độ chỉ mới tiến hành khai quật một năm và thực hiện “khai quật đến đâu trùng tu đến đó”, trong khi cần có nghiên cứu sau khi khai quật.
Hiện trạng khai quật được ông Đông miêu tả: tại khu vực tháp A, K, H, diện tích khai quật lên đến hàng nghìn m2, các hố không có dây căng, bên trong nham nhở, hiện vật vương vãi ngổn ngang khắp nơi; các tầng văn hóa được xây dựng thế kỷ 12,13 đến nay đã bị bóc gỡ, lớp trầm tích bị hắt ra ngoài, bị bóc hết bỏ ra ngoài. Đây là cách làm cẩu thả và khai quật khảo cổ sẽ không được phép như vậy.
Ông Đông đánh giá việc khai quật này có thể khiến nhiều giá trị nghiên cứu bị biến mất. Cùng với đó, nhiều di tích sẽ gặp phải nguy cơ đổ sập trong mùa mưa. “Nếu không tìm ra giải pháp hữu hiệu thì nên để di tích nằm yên trong lòng đất”, chuyên gia khảo cổ này nói.
Tại khu vực trùng tu tháp K, H, các chuyên gia Ấn Độ đang sử dụng toàn bộ gạch mới, gạch được cắt vuông để lát sân, lát bậc cấp đi vào tháp, việc này làm sai lệch tính nguyên gốc và tính nguyên vẹn của di tích. Thêm đó, việc trùng tu chưa sử dụng đúng chất vữa của người Champa và dùng xi măng là hoàn toàn sai cách và không được phép.
Chuyên gia Ấn Độ khẳng định “trùng tu đúng chuẩn UNESCO”
Trả lời ý kiến nêu trên, ông M.Varadaraj Suresh – kỹ sư bảo tồn (Viện Khảo cổ học Ấn Độ) cho biết: Di tích Mỹ Sơn được trùng tu bằng chất liệu vôi, bột gạch và dầu rái. Việc sử dụng xi măng trộn với vôi làm ở tường chỉ dùng ở một ít bên ngoài tháp K đoạn thoát nước.
Ông M.Varadaraj Suresh khẳng định, trong quá trình trùng tu chỉ rời gạch ra ngoài để loại bỏ một số cây xay mọc lên trong khu khai quật. Những phần gạch đã hư hỏng không thể sử dụng mới dùng gạch cắt mài thay thế chứ không phải sử dụng hoàn toàn gạch mới vào trùng tu và việc khai quật cũng không tác động sâu vào kết cấu của chân tháp.
“Các tháp tại Mỹ Sơn rất giống ở Ấn Độ, chúng tôi áp dụng phương pháp khai quật, trùng tu gần giống nhau”, ông M.Varadaraj Suresh cho biết.
Ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (Trưởng ban điều hành dự án hợp tác Việt Nam – Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) cho biết: Mọi thứ đang thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ và đúng sự thỏa thuận giữa hai bên. Không có chuyện phá di tích Mỹ Sơn.
Từ tháng 4/2017 tới nay, thánh địa Mỹ Sơn được các chuyên gia Ấn Độ trùng tu với thời gian 5 năm bằng phương pháp “khai quật tới đâu, trùng tu tới đó”. Kinh phí dự án trùng tu trong vòng 5 năm này là 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng (còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam). Đây là dự án bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam ký vào năm 2014. Hiện tại, có 4 chuyên gia Ấn Độ và 4 chuyên gia Việt Nam cùng tham gia quá trình khai quật và trùng tu này. Trong đó, các chuyên gia Ấn Độ chịu trách nhiệm về kỹ thuật. |
Thanh Thanh