Đại Kỷ Nguyên

Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh bất chấp cuộc chiến thuế quan

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 được dự báo có thể chạm ngưỡng 240 tỷ USD.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang, xuất khẩu của Việt Nam sang nền kinh tế số 1 thế giới vẫn tăng mạnh, đạt kim ngạch 34,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018.  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2018 của Việt Nam ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng quý III/2018 – khoảng thời gian bùng nổ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9%.

Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỷ USD, tăng 28,7%; giày dép đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,9%, và phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 15,8%.

Về thị trường xuất khẩu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,9 tỷ USD, tăng mạnh 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam tiếp theo là EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Về nhập khẩu hàng hóa, tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%).

Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5%.

Những mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao bao gồm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,6 tỷ USD, giảm 3,5%; điện thoại và linh kiện đạt 11,1 tỷ USD, tăng 2%; vải đạt 9,4 tỷ USD, tăng 13,5%; sắt thép đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%; chất dẻo đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18,4%; xăng dầu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23,9%; kim loại thường đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32,4%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,2% và hóa chất đạt 3,8 tỷ USD, tăng 26,5%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9 tháng đạt 47,1 tỷ USD, tăng 12,4%. Các thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Mỹ…

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,65 tỷ USD (kể cả dầu thô).

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang duy trì xu hướng thuận lợi, giới phân tích dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 của Việt Nam có thể chạm ngưỡng 240 tỷ USD, tăng trưởng 10-12% so với năm trước.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)

Exit mobile version