Đại Kỷ Nguyên

Xôn xao những vụ sang tay giò lan giá cả tỷ đồng

Hoa lan đột biến có cánh trắng, nhụy tím, màu sắc khác thường. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Nhiều người bán tín bán nghi khi nghe thông tin những giò lan rừng đột biến gen tự nhiên, độc lạ cả về màu sắc – hình dáng – lá – cành, được săn lùng với giá trên 1 tỷ đồng.

Những thương vụ tiền tỷ

Khoảng 5 năm trở lại đây, giới chơi lan rộ lên phong trào tìm kiếm những giống lan đẹp – độc – dị. Không ít người bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để sở hữu một ngọn lan.

Theo người chơi lan chuyên nghiệp, bất kể ai đam mê loài hoa này đều muốn sở hữu được một cây lan đột biến gen. Giá trị của chúng thì vô cùng, tùy vào cả người bán và người mua. Nhiều loài lan đột biến gen rất quý hiếm như Phi điệp, Giả hạc, Kiếm huyết đỏ…. có giá tính đo bằng cm chứ không tính cây, mỗi cm có thể lên tới cả chục triệu đồng.

Mới đây, trên diễn đàn của giới chơi lan có phát trực tiếp một cuộc giao dịch cây lan “Bướm đại ngàn” với số tiền lên tới 1,1 tỷ đồng. Cây lan này chưa ra hoa và chỉ dài hơn 20 cm.

Người chủ bán cây lan khẳng định, giao cây này cho anh H với giá 1,1 tỷ đồng, sẽ đảm bảo cây chuẩn, bán đứt gốc (không còn lưu giữ giống của cây này) ra hoa màu trắng. Nếu sai sẽ đền gấp đôi số tiền mà khách đã trả.

Cách đây vài tháng, giới chơi lan Việt Nam cũng được một phen xôn xao với giao dịch giò “5 cánh trắng Kim” được bán với giá 700 triệu đồng. Giò lan này có chiều dài 2 m, bình quân mỗi cm thân cây giá khoảng 3,5 triệu đồng. Có người hoài nghi về giao dịch trên và cho rằng giò lan này không xứng đáng với giá tiền trên.

Giò lan phi điệp được anh Long bán với giá 700 triệu đồng. (Ảnh: Dân Việt)

Tuy nhiên, anh Huy – một người chơi lan sành sỏi đất Hà Nội cho Báo Cảnh sát Toàn cầu biết, giao dịch giò lan đột biến với giá 700 triệu đồng là hoàn toàn có thật. Cách đây khoảng 2 tháng cũng có một cuộc giao dịch lên tới 1,2 tỷ cho một giò lan Phi điệp có tên “5 cánh trắng Trường Sa”.

Ngày 26/7, Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, anh Hồ Văn Long (37 tuổi, trú tổ 2, thị trấn Khe Tre, Huế) chính là chủ nhân của cây lan 700 triệu đồng. Người mua là anh Nguyễn Đình Thành (Hải Phòng) sau đó đã bán sang tay cho một người khác ở Hòa Bình với giá 1,1 tỷ đồng.

Anh Long chia sẻ, cách đây 4 năm, anh mua số lượng lớn lan Giã hạc (lan Phi điệp) từ Đắk Lắk với giá 280.000 đồng/kg. 1 năm sau, số lan này ra hoa thì có 3 cây lan đột biến gen, trong đó có 1 cây đột biến gen cho hoa cực lạ, cực hiếm.

“Cây lan có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh. Khuôn bông, cánh hoa, hình dạng lá lan đột biến cũng rất khác biệt so với lan thông thường”, anh Long nói.

Đặc biệt, cây lan Phi điệp đột biến ra hoa 5 cánh trắng, nhị tím nhạt và nở hoa vào từ tháng 4-7, trong khi loài lan Phi điệp không đột biến thường nở từ tháng 2 đến tháng 3 và có màu trắng- tím. Điều này khiến cho những giống trên trở nên quý giá và hấp dẫn người chơi lan.

Giò lan đột biến này được chủ nhân định giá 60 triệu đồng. (Ảnh: Cảnh Sát Toàn Cầu)

Cảnh giác với những cây lai tạo công nghiệp

Việc ngày càng có nhiều cuộc giao dịch tiền tỷ để sở hữu những giỏ lan quý không phải điều hiếm. Song, cũng đã không ít người phải nhận trái đắng vì lan.

Từ lâu đã xuất hiện những con buôn hoặc nhà vườn không ngại bỏ ra cả chục tỷ đồng mua cây quý hiếm để nhân giống bán. Bởi vậy, ngày càng xuất hiện nhiều những cây lan lai tạo công nghiệp đội lốt lan đột biến tự nhiên. Trong khi việc mua bán lan chủ yếu ở các hội trên mạng xã hội dựa vào uy tín. Vì vậy, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để chà trộn những cây không phải hàng đột biến lên bán.

Hoa lan Phi Điệp màu tím thường thấy. (Ảnh: 5giay)

Anh Trần Cường (Cao Phong, Hòa Bình) cho rằng, việc mua bán đúng là chỉ dựa trên uy tín chứ không có gì để đảm bảo. Có giấy viết tay mua bán cây, với những điều khoản khắt khe nhưng khi nở hoa lại sai thì cũng phải chịu.

Theo một người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm sưu tập loài hoa này, để nhận biết cây lan đột biến tự nhiên và lai tạo công nghiệp rất khó, chỉ những người trong nghề mới có thể phân biệt dựa vào yếu tố như: thời gian nở hoa, mùi hương, khuôn cánh, hình dạng lá…. Lan đột biến công nghiệp sẽ thường nở sớm hơn lan tự nhiên từ 2-3 tháng. Mùi hương của hoa nhân tạo khi nở rất quen thuộc, có thể giống một loại nước hoa hay mỹ phẩm nào đó. Với lan đột biến gen tự nhiên thì người chơi sẽ không thể phân biệt được rõ ràng mùi hương của chúng.

An An

Exit mobile version