Đại Kỷ Nguyên

World Bank: GDP Việt Nam sẽ tăng chậm lại 2 năm tới, hàng rào phi thuế quan tăng nhanh

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 sẽ ở mức 6,8% và giảm lần lượt còn 6,6% và 6,5% trong các năm 2019 và 2020.

Theo báo cáo Điểm lại – ấn phẩm thường niên về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới phát hành ngày 11/12, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

World Bank nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp sự năng động của các ngành chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu.

Tuy nhiên, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.

“Cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Báo cáo Điểm lại nêu rõ kết quả tăng trưởng tốt trong những năm qua đã hỗ trợ đẩy mạnh việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 2%. Tương tự, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tương đối cao, đạt 76,6% trong quý II/ 2018 tính cho dân số có độ tuổi từ 15 trở lên. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 10,5 USD mỗi năm theo giá hiện hành trong giai đoạn 2010-2017 (khoảng 4% tính theo giá so sánh).

Tuy nhiên, báo cáo của World Bank cũng chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ở trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.

“Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu,” ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.

Trong bối cảnh Hiệp định Hợp tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được thông qua, báo cáo của World Bank nhận định rằng mặc dù thuế quan đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên.

“Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và làm suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia”, World Bank cho biết.

Theo báo cáo, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa rành mạch và tốn kém, dẫn đến chi phí tuân thủ cao. Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu hiện ở mức 16,6%, so với mức bình quân là 8,3% ở các quốc gia ASEAN.

(Tổng hợp)

Exit mobile version