Đại Kỷ Nguyên

Vui Trung thu từ cổ tích tới trò chơi dân gian

Không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn cũng háo hức đón Tết Trung thu. Có nhiều điểm đến thú vị cho các bạn yêu hoạt động ngoài trời năng động hay thích được trở về với tuổi thơ qua những câu chuyện cổ tích.

Các sân khấu nghệ thuật

Như mọi năm, Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) thường xuyên diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ khán giả nhí mỗi dịp Trung thu. Năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn liên tục vở Giấc mơ Nàng tiên cá từ ngày 21-24/9 với phiên bản nâng cấp đặc biệt dành cho các em thiếu nhi.

Giấc mơ Nàng tiên cá dựa trên nguyên tác của đại văn hào Hans Christian Andersen. Dưới bàn tay nhào nặn của Nhà hát Tuổi Trẻ, vở kịch có phần mới mẻ, gần gũi với đời sống hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được các yếu tố thần thoại của cốt truyện gốc.

Vở kịch kể về giấc mơ kỳ lạ của Nàng tiên cá. Với mong ước được gặp lại mẹ, nàng đã phải đánh đổi báu vật của mình cho mụ Bạch Tuộc độc ác để có được đôi chân lên bờ tìm mẹ.

Giấc mơ Nàng tiên cá mang đến nhiều cung bậc cảm xúc từ kịch tính, hồi hộp đến tràn đầy tiếng cười qua cuộc thi tài năng trong Đại nhạc hội cung đình, trận thủy chiến dưới lòng đại dương để chống lại cái ác… Với sự giúp sức của mọi người, Nàng tiên cá cuối cùng đã chiến thắng mụ phù thủy.

Vở Giấc mơ Nàng tiên cá có nhiều nét mới. (Ảnh: Lao động)

Vở kịch do 60 nghệ sĩ thể hiện, có sự góp mặt của các nhân vật cổ tích quen thuộc như Nàng Tiên cá, Hoàng tử, Vua Thủy tề, phù thủy Bạch tuộc đen, đội cứu hộ bờ biển Tôm Cua Cá, vệ binh Cá heo, Sứa biển… Đặc biệt, nhân vật chú Khủng Long tốt bụng cùng tiếng hát ngộ nghĩnh lần đầu tiên xuất hiện trong Giấc mơ Nàng tiên cá. Vở kịch mang đến những phút giây hồi hộp và bài học bổ ích về thiên nhiên cũng như cuộc sống cho các bé.

Trong dịp Trung thu năm nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long công diễn vở rối Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng đến hết ngày 30/9 phục vụ thiếu nhi. Vở rối được lồng ghép nhiều thể loại rối như rối cạn, rối người, rối que…

Với phép thuật kỳ diệu, chị Hằng đưa các bé đến với xứ sở nghìn lẻ một đêm huyền ảo của Alibaba và 40 tên cướp, tham gia vào hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, gặp gỡ các nàng công chúa Bạch Tuyết, Anna, Elsa và cả mụ phù thủy độc ác…

Một cảnh trong Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng. (Ảnh: Thiếu niên)

Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng có sự xuất hiện của những nhân vật gắn liền với tuổi thơ của các em như chị Hằng, chú Cuội, thầy trò Đường Tăng, nàng Bạch Tuyết, các Chú lùn hay mụ Phù thuỷ độc ác… Không chỉ là tiếng cười, vở rối còn là bài học bổ ích về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người gặp nạn.

Trong hai ngày 23-24/9, Nhà thiếu nhi Tp. HCM tổ chức chương trình lễ hội Đêm hội trăng rằm tại 36 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3. Sự kiện có nhiều sân chơi vui nhộn và miễn phí.

Tại đây, các bé được thi hát, tham gia nhiều trò chơi, được hướng dẫn múa dân vũ, xem biểu diễn múa lân sư rồng, xiếc, ảo thuật, văn nghệ… Qua đó, các bạn nhỏ sẽ được hiểu hơn về ý nghĩa và truyền thống trong ngày Tết Trung thu.

Hoạt động ngoài trời

Một vài năm trở lại đây, bảo tàng cũng trở thành địa điểm đón Trung thu được các gia đình ưa thích. Rất nhiều bảo tàng đã chuyển mình, lồng ghép khéo léo các hoạt động thú vị cho dịp Trung thu năm nay.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận từngày 22-23/9. Các em nhỏ sẽ cùng các nghệ nhân tự tay làm các món đồ chơi trung thu: đèn ông sao, đèn ông sư, tò he… Trẻ em còn được chơi và thi các trò chơi dân gian như đội nước, kéo co, ếch, đuổi quạ, bịt mắt đập niêu, đi cà kheo, chơi chuyền, ô ăn quan…. hay học cách làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, cốm Vòng.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận. (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học)

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, thiếu nhi còn được xem các nghệ nhân dân gian ở vùng đất phương Nam trình diễn múa hát dân gian, trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi (Chăm), mã la, khèn bầu, đàn Chapi (Raglai)…

Chương trình Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra từ ngày 19-23/9 cũng là điểm đến hấp dẫn cho các gia đình có con nhỏ. Tại đây, các bé được tham quan gian hàng Trung thu truyền thống, học cách làm đồ chơi như tô mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, gốm….

Chương trình còn là “tấm vé trở về tuổi thơ” cho những người trưởng thành. (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)

Ngoài ra, Vui Tết Trung thu còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian: bập bênh, đánh đu, cầu trượt, leo núi tam giác…, múa sư tử, rối nước với những tích truyện xưa, trình diễn nghệ thuật trang trí và thả diều…

(Tổng hợp)

Exit mobile version