Đại Kỷ Nguyên

Việt Nam thu hút hơn 80.000 lao động cấp cao nước ngoài

Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội) cho biết hơn 80.000 lao động cấp cao người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, biến Việt Nam thành một mảnh “đất lành chim đậu”.  

Tại buổi trao đổi với các cơ quan báo chí ngày 10/5, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết số lao động cấp cao này đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nắm giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kĩ thuật.

Hơn 95% tổng số lao động nước ngoài trong số đó thuộc diện đã được cấp giấy phép lao động. Những người này đảm nhiệm những công việc yêu cầu phải có kĩ thuật, kinh nghiệm điều hành, quản lý cấp cao mà lao động trong nước chưa đáp ứng được.

Các chuyên viên nước ngoài tại công ty B.Braun Vietnam. (Ảnh: Thanhnien)

Theo cơ quan quản lý việc làm, những lao động cấp cao này đã góp phần giúp chuyển giao công nghệ, nhất là các lĩnh vực phức tạp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiện tại, hệ thống văn bản, thủ tục về tiếp nhận và quản lý lao động ngoài nước cơ bản đã hoàn chỉnh, thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại về cơ chế liên thông các sở, ngành về quy trình cấp giấy phép lao động và quản lý lao động nước ngoài.

Ngoài ra, ý thức chấp hành của một số nhà thầu, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài trong việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động còn hạn chế, như việc nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện cấp giấy phép lao động.

Theo một khảo sát về các chuyên gia nước ngoài của ngân hàng HSBC công bố tháng 10/2017, các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam trung bình kiếm được 88.096 USD/năm và 36% trong số họ có thu nhập tăng 25% từ khi chuyển tới đây.

Dù mức thu nhập đó thấp hơn mức trung bình toàn cầu (99.903 USD/năm), nhưng các chuyên gia tại Việt Nam lại tiết kiệm được nhiều hơn và thu nhập khả dụng cũng tăng.

Khảo sát cho thấy 72% số chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho biết họ tiết kiệm được nhiều hơn và 67% đồng ý rằng thu nhập khả dụng của họ đã cải thiện hơn so với khi họ ở quê nhà.

Ngoài tiền lương, các chuyên gia làm việc tại Việt Nam còn nhận được các lợi ích vật chất khác như có nhiều kỳ nghỉ hơn, được tận hưởng nhiều hơn các dịch vụ liên quan đến nhân lực địa phương như giúp việc và chăm trẻ, và có nơi ở tiện nghi hơn.

Minh Tuệ 

Exit mobile version