Việt Nam giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng về ‘sức khỏe’ tài chính theo chỉ số của Ngân hàng Ayudhya, Thái Lan.
So với các quốc gia cùng bậc trên toàn cầu, các thị trường mới nổi ở châu Á, nhất là Đông Nam Á, đang có vị thế tài chính mạnh hơn để vượt qua các rủi ro từ việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.
Trong bảng xếp hạng “sức khỏe tài chính” do Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan tiến hành, 4/8 nền kinh tế mới nổi có vị thế tài chính ổn mạnh để vượt qua các rủi ro thuộc về Đông Nam Á. Đáng chú ý, Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng này.
Đài Loan và Thái Lan nắm giữ 2 vị trí đầu bảng về phương diện sức khỏe tài chính, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Venezuela lại nằm ở vị trí cuối bảng. Malaysia nắm giữ vị trí thứ 7.
Chỉ số đánh giá 24 quốc gia mới nổi của Ngân hàng Ayudhya dựa trên 4 tiêu chí: Cán cân tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài và lạm phát.
Việc chuyển dịch sang cơ chế tỷ giá thả nổi của Thái Lan kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và hoạt động thương mại ngày càng lớn với phần còn lại của thế giới đã giúp họ có vị thế tài chính mạnh hơn, với thặng dư tài khoản vãng lai lớn mỗi năm đã làm gia tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia, Ngân hàng Ayudhya cho hay.
Nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực như tại Malaysia, Philippines và Ấn Độ đã bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan có thể cũng nâng lãi suất 0,25% vào quý IV/2018.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngày càng tăng và sự hồi sinh của đồng USD đang làm chao đảo các thị trường mới nổi khi giới đầu tư đánh giá lại khả năng trả nợ của những nước đang vay nợ bằng đồng USD.
Kiều Ngọc