Đại Kỷ Nguyên

Việc làm cải thiện, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp giảm còn 215.300 người

việc làm

Việt Nam tạo ra gần 283 nghìn việc làm trong quý IV/2017. (Ảnh: ANTĐ)

Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã giảm đáng kể vào cuối năm 2017, giúp tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người có trình độ đại học trở về sát mức 4%.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động được Bộ Lao động–Thương binh & Xã hội công bố ngày 15/3, Việt Nam có 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp trong quý IV/2017, giảm 3.600 người so với quý trước đó và giảm 38.800 người so với cùng kỳ năm 2016.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi theo đó cũng giảm còn 2,19%.

Một tín hiệu tươi sáng là tỷ lệ thất nghiệp của lao động qua đào tạo đã giảm. Tình trạng thất nghiệp giảm đáng kể trong nhóm cử nhân, thạc sĩ khi số người không có việc làm thuộc nhóm này chỉ còn 215.300 người tính đến hết quý IV/2017, giảm 21.700 người so với quý III/2017.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên giảm xuống còn 4,12% từ mức 4,51% ghi nhận trong quý III.

Ở nhóm trình độ cao đẳng và trung cấp, số lượng lao động thất nghiệp cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, số người thất nghiệp trong nhóm trình độ cao đẳng giảm 6.000 người xuống 78.800 người trong quý IV/2017, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,32%.

Trong khi đó, thất nghiệp của nhóm trình độ trung cấp hiện còn 64.600 người, ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất với 30.900 người, đưa tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này từ 3,77% xuống còn 2,49%.

Về tình hình việc làm, trong quý IV/2017, Việt Nam có 54,05 triệu lao động đang có việc làm, tăng 282.800 người so với quý trước đó.

Thu nhập bình quân từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,41 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ so với quý III/2017.

Thứ trưởng Bộ Lao động–Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý IV/2017, với số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tăng tuyển dụng đã góp phần gia tăng số lượng việc làm và giảm thất nghiệp.

Ông Diệp cũng lưu ý rằng trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm cử nhân và thạc sĩ giảm nhanh thì thất nghiệp của lao động qua đào tạo sơ cấp lại có xu hướng tăng, cho thấy nền kinh tế đang kén chọn hơn: Lao động có trình độ cao được lựa chọn nhiều cơ hội việc làm hơn.

Xuân Tú

Exit mobile version