Đại Kỷ Nguyên

Vì sao doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn "ì ạch" trong việc cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. (Ảnh: Vneconomy)

Dù được đánh giá là khá “mạnh tay” trong việc đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nằm ngoài cuộc chơi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt có điều kiện thuận lợi để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là máy móc và công nghệ được đầu tư mới, hiện đại. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp FDI.

Vneconomy dẫn kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017 cho thấy tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Đáng chú ý, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào con số 33,2% này là rất thấp, chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40% và Thái Lan gần 24%.

Lý giải về thực tế này, một chuyên gia nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam dù đang sở hữu từ công nghệ, năng lực quản trị cho đến toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh… nhưng chưa phù hợp với “sân chơi” toàn cầu.

Ông Mike Dickinson – Cố vấn cấp cao của Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – cho biết việc thiếu hụt kiến thức về các quy chuẩn quốc tế cũng là một rào cản lớn để có thể giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng.

“Các nhà cung ứng của Việt Nam thiếu hụt kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế nên khi tham gia sân chơi này thực sự là một khó khăn”, VOV dẫn lời ông Mike Dickinson nhận xét.

Thừa nhận những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp FDI thường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Công ty Cơ khí Mạnh Quang cho hay thời gian đầu khi công ty chuyển từ hoạt động trên thị trường tự do sang hợp tác với doanh nghiệp FDI lớn như Honda gặp rất nhiều áp lực từ quá trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt từ phía đối tác.

Cụ thể, để cung cấp cho bất kỳ một công ty lớn nào, doanh nghiệp đều phải đạt được tiêu chuẩn của họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần đều thiếu sự chuyên nghiệp và làm theo cảm tính, thói quen. Vì thế, vị này cho rằng các doanh nghiệp Việt phải thay đổi, thích ứng, cải tiến để đạt được cùng bộ tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI thì mới có cơ hội hợp tác.

(Tổng hợp)

Exit mobile version