” ‘Về ngang quán không’, ai rồi chẳng thế, khi rời xa những xô bồ, nhộn nhịp, cái quán không ấy chính là nơi ta tìm thấy yên bình. Nỗi yên bình ấy nhân lên khi ta chia sẻ sự giàu có nỗi nhớ và tình người” – trích “Nỗi hoài nhớ tình người”, tác giả: Diễm Ca.
Về ngang quán không là tuyển tập gồm 51 bài viết, được chia làm 3 phần: Gần lắm cố hương, Về ngang quán không và Về thương chim sẻ. Xuyên xuốt 3 phần là nỗi nhớ quê cùng những cảm xúc nhân sinh quan của tác giả về đời sống, các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.
“Tôi sinh ra ở nông thôn, lớn lên ra phố học, lấy vợ và trở thành thị dân. Đấy là căn cứ theo bản đăng ký hộ khẩu và nơi ở hiện tại của mình chứ thật tình từ lối sống cho đến cách ứng xử, tôi vẫn chưa phai mùi gốc rạ”, đó là lời bộc bạch cho những câu chuyện không đầu không cuối xuyên suốt gần 300 trang sách. Những câu chuyện xoay quanh bữa cơm, những đụn cát, con sông, cây cỏ nơi thôn làng.
Khác với các tác giả đi trước viết về quê hương khi xa xứ, như Võ Phiến viết về Quy Nhơn khi đã vào Sài Gòn, Vũ Bằng viết về Hà Nội khi đinh cư tại Sài Gòn, Bùi Diệp lựa chọn lối đi riêng, lạ lùng hơn: viết về quê khi ông đang ở quê.
Trong Về ngang quán không, nỗi nhớ quê hương như một dòng sông mênh mang chảy qua tâm tưởng tác giả. Nhưng không chỉ là nỗi nhớ bình thường, nỗi nhớ của Bùi Diệp hầu hết là kỉ niệm về quê xưa, là kỷ niệm cũ và những cảm xúc trước những vẻ đẹp có nguy cơ biến mất.
Các bài viết của Bùi Diệp giống như một liều thuốc tinh thần có khả năng xoa dịu, chữa lành những vết thương sau xô bồ, va vấp của cuộc đời. Về ngang quán không là dịp để ta dừng lại thật lâu ở những nẻo quê, giúp tâm hồn nhẹ nhàng và trong trẻo hơn.
H.H