Đại Kỷ Nguyên

Ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc nhăm nhe vào Việt Nam

Không chỉ có ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia, mà cả gã khổng lồ Didi Chuxing của Trung Quốc cũng đang tìm cách vào khai thác thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. 

Trang tin Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thủy – Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết Didi đã gửi hồ sơ lên Bộ nhưng cơ quan chức năng này chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp.

Cũng theo vị quan chức này, đến thời điểm hiện tại Didi Chuxing vẫn chưa được chính thức hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh Didi, hãng gọi xe nổi tiếng Go-Jek của Indonesia cũng đang muốn vào Việt Nam. Cả 2 hãng này đều được nhận định sẽ là đối thủ đáng gờm của Grab và các hãng ứng dụng gọi xe khác nếu được Việt Nam chính thức cấp phép hoạt động.

Sở dĩ có nhận định như vậy vì Didi được coi là “vua gọi xe” của Trung Quốc, có tiềm lực rất lớn khi được sự hẫu thuẫn của 2 tập đoàn công nghệ lớn là Tencent và Alibaba. Didi từng “hất cẳng” Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, vào cuối năm 2016, trước sự cạnh tranh gay gắt từ Didi, hãng Uber đã đồng ý bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho công ty chia sẻ xe lớn nhất đại lục và rời bỏ thị trường này sau gần 18 tháng hoạt động. Đổi lại, Uber nắm 17,7% cổ phần trong Didi và lấy thêm 1 tỷ USD tiền mặt.

Năm 2017, các nhà đầu tư đã định giá Didi ở mức 35 tỷ USD, biến hãng trở thành một trong những công ty gọi xe giá trị nhất thế giới chỉ sau hãng Uber của Mỹ.

Ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc

Còn với Go-Jek, hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển của Indonesia từ tháng 3/2018 bắt đầu tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân.

Ngay tại Indonesia, Go-Jek cũng cạnh tranh quyết liệt với Uber và Grab. Đến giữa năm 2017, ứng dụng Go-Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.

Việc Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á được lãnh đạo Go-Jek cho rằng là cơ hội tuyệt vời vì “ít đối thủ hơn đồng nghĩa với việc tiếp tục thống lĩnh thị trường sẽ thuận lợi hơn”.

 

Exit mobile version