Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc tuyên án tử hình công dân Canada, leo thang căng thẳng với Canada

Canada Robert Lloyd Schellenberg

Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg trong phiên tòa tái thẩm tại Tòa án Nhân dân cấp trung Đại Liên, Liêu Ninh hôm thứ Hai, 14/1/2019. Hình ảnh từ cảnh quay của đài CCTV, Trung Quốc.(CCTV/AP)

Một tòa án Trung Quốc đã kết án tử hình một người đàn ông Canada hôm thứ Hai (14/1) trong một phiên tòa bất ngờ về một vụ buôn lậu ma túy, theo AP.

Bắc Kinh cũng nói rằng họ đã bác bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của công dân Canada, làm gia tăng căng thẳng kể từ khi Canada bắt giữ một giám đốc công nghệ hàng đầu của Trung Quốc hồi tháng 12.

Tòa án ở phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh tuyên bố họ đã tuyên án tử hình cho Robert Lloyd Schellenberg, đảo ngược phán quyết năm 2016 trước đó đã kết án ông 15 năm tù.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án mạnh mẽ phiên tòa hôm thứ Hai, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng hệ thống Tư pháp của mình để gây áp lực với Canada về việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Trong bình luận gay gắt của mình, Thủ tướng Trudeau cho biết tất cả các nước trên thế giới nên lo ngại rằng Bắc Kinh đang hành động tùy tiện với hệ thống Tư pháp của mình.

“Chính phủ chúng tôi cực kỳ quan ngại, và tất cả bạn bè, đồng minh quốc tế của chúng tôi cũng sẽ như vậy, vì Trung Quốc đã chọn bắt đầu tự ý áp dụng án tử hình”, ông Trudeau nói.

Canada sau đó đã cập nhật tư vấn du lịch Trung Quốc để cảnh báo người Canada về nguy cơ thực thi luật pháp địa phương tùy tiện.

Tiếp tục leo thang rạn nứt ngoại giao giữa hai nước, một phát ngôn viên của Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng ông Michael Kovrig, một nhà ngoại giao Canada trước đây bị bắt giam để trả thù cho vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, không đủ điều kiện để được miễn trừ ngoại giao như Thủ tướng Trudeau yêu cầu.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Canada cho biết các quan chức Trung Quốc đã thẩm vấn ông Kovrig về công việc ngoại giao của ông tại Trung Quốc, đây là lý do chính khiến ông Trudeau khẳng định quyền miễn trừ ngoại giao. Quan chức, người không được ủy quyền bình luận công khai về vụ việc, đã phát biểu với điều kiện giấu tên.

Ông Kovrig, một nhà phân tích Đông Bắc Á cho tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, đã nghỉ hưu khỏi chính phủ Canada tại thời điểm bị bắt giữ vào tháng trước.

Ông Schellenberg đã bị giam giữ hơn bốn năm trước và ban đầu bị kết án 15 năm tù vào năm 2016. Nhưng trong vài tuần kể từ ngày bắt giữ bà Mạnh hôm 1/12/2018, một tòa phúc thẩm đã bất ngờ đảo ngược quyết định đó, nói rằng bản án này quá nhẹ nhàng và dự kiến ​​tái thẩm vào thứ Hai.

Tòa án không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy án tử hình có thể được giảm nhẹ, nhưng các nhà quan sát cho rằng số phận của ông Schellenberg có thể sẽ bị lôi kéo vào các cuộc đàm phán ngoại giao về yêu cầu của Trung Quốc trong việc thả bà Mạnh.

Giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Keneth Roth, nói: “Chơi trò chính trị con tin, Trung Quốc vội vàng tái thẩm một nghi phạm người Canada và kết án tử hình ông ta trong một nỗ lực khá rõ ràng là để gây áp lực với Canada để giải phóng CFO Huawei”.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu công khai vụ án ông Schellenberg, sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Washington muốn bà bị dẫn độ để đối mặt với cáo buộc đã lừa đảo các ngân hàng về các giao dịch kinh doanh của công ty ở Iran.

Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, ông Kovrig và doanh nhân người Canada Michael Spavor đã bị giam giữ vì những cáo buộc an ninh quốc gia mơ hồ. Bà Mạnh đang được tại ngoại tại Canada để chờ đợi thủ tục dẫn độ bắt đầu vào tháng tới.

Giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Châu được hộ tống bởi một thành viên của cơ quan bảo vệ riêng khi tới văn phòng tạm tha tại Vancouver vào ngày 12/12/2018. (Ảnh: DARRYL DYCK / THE CANADIAN PRESS)

Luật sư của ông Schellenberg, Zhang Dongbury, cho biết các công tố viên đã không đưa ra bằng chứng mới để biện minh cho bản án nặng hơn trong phiên tòa một ngày, trong thời gian đó Schellenberg lại bảo vệ sự vô tội của mình. Ông Zhang cho biết khách hàng của mình hiện có 10 ngày để kháng cáo.

Đây là một trường hợp rất kỳ lạ, ông Zhang nói với Associated Press. Ông nói rằng sự nhanh chóng của quá trình tố tụng là bất thường, nhưng từ chối bình luận liệu nó có liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh hay không.

Tòa án cho biết ông Schellenberg có liên quan đến một hoạt động buôn lậu ma túy quốc tế và được tuyển dụng để giúp buôn lậu hơn 220 kg methamphetamine từ một nhà kho ở thành phố Đại Liên của Trung Quốc tới Úc. Một người đàn ông Trung Quốc bị kết án liên quan đến hoạt động tương tự trước đó đã bị kết án tử hình treo.

Năm mươi người, bao gồm các nhà ngoại giao Canada và các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, đã tham dự phiên tòa hôm thứ Hai, tòa án cho biết trong một tuyên bố trực tuyến.

Đầu ngày thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết các nhà chức trách đã xác định rằng ông Kovrig không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, từ chối đơn khiếu nại từ Thủ tướng Trudeau rằng Trung Quốc không tôn trọng các tập quán lâu đời liên quan đến miễn trừ.

Bà Hoa nói với các phóng viên rằng ông Kovrig không còn là một nhà ngoại giao và vào Trung Quốc bằng hộ chiếu và visa kinh doanh thông thường.

“Theo Công ước Quan hệ Ngoại giao và luật pháp quốc tế, ông ta không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Tôi đề nghị rằng người Canada có liên quan nghiên cứu kỹ về Công ước Vienna … trước khi bình luận về các trường hợp, hoặc họ sẽ chỉ thu hút những lời chế giễu với những nhận xét đặc biệt như vậy”, bà Hoa nói.

Một cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông Guy Saint-Jacques, nói rằng việc thẩm vấn ông Kovrig về thời gian làm nhà ngoại giao ở Trung Quốc sẽ vi phạm các biện pháp bảo vệ Công ước Vienna về quyền miễn trừ ngoại giao, nghĩa là một quốc gia không được phép hỏi ai đó về công việc họ làm khi họ làm một nhà ngoại giao.

“Ông khó có thể phủ nhận mối liên kết giữa vụ án và vụ bắt giữ bà Mạnh ở Canada”, ông Saint-Jacques nói.

Bà Hoa nói rằng cáo buộc Trung Quốc tự ý bắt giữ công dân Canada là hoàn toàn không có căn cứ.

Canada đã bắt tay vào một chiến dịch với các đồng minh để yêu cầu thả Kovrig và Spavor. Hoa Kỳ, Anh, Liên minh châu Âu và Úc đã phát hành các tuyên bố hỗ trợ. Thủ tướng Trudeau đã gọi cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về vụ án của họ vào tuần trước và Nhà Trắng đã gọi các vụ bắt giữ là bất hợp pháp.

Tuần trước, Ba Lan đã bắt giữ một giám đốc Huawei và một trong những chuyên gia an ninh mạng trước đây của họ và buộc tội họ làm gián điệp cho Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch của Hoa Kỳ gây áp lực cho các đồng minh không sử dụng Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, vì lo ngại bảo mật dữ liệu.

Các vụ bắt giữ đã làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của các công dân Ba Lan tại Trung Quốc, mặc dù bà Hoa đã gạt bỏ những lo lắng như vậy, nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc đối với quan hệ “mạnh mẽ và ổn định” với Ba Lan.

Miễn là công dân nước ngoài ở Trung Quốc tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, họ được hoan nghênh và sự an toàn và tự do của họ được đảm bảo, bà Hoa nói.

Trung Dung

Exit mobile version