Đại Kỷ Nguyên

Tổng mức bán lẻ 9 tháng 2018 của Việt Nam đạt 3,2 triệu tỷ đồng

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng chiếm 75,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. (Ảnh: Vneconomy)

9 tháng đầu năm 2018, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 2.433,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 396 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 8,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 16,9%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 375,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,7%.

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm và các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan.

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, giới phân tích cũng như các công ty tư vấn thị trường quốc tế đánh giá khá cao về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Savills, doanh số bán lẻ của Việt Nam năm 2017 đạt 129 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng trưởng rất cao so với khu vực ASEAN. Trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia áp lực cạnh tranh trên thị trường này đang ngày càng khốc liệt, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt.

Chia sẻ trên Tiền phong, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm gần nửa thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam. Tính về số lượng, mỗi điểm bán trong chuỗi bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại có doanh số gấp 5-7 lần siêu thị của Việt Nam.

Ông Phú cho biết, với việc các doanh nghiệp ngoại ngày càng mở rộng sở hữu hệ thống sản xuất, phân phối, về lâu dài đây là mối lo lớn khi các doanh nghiệp Việt vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và theo phong trào. Những sức ép bên trong cùng với sức ép bên ngoài đang đem lại những khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

(Tổng hợp)

Exit mobile version