Đại Kỷ Nguyên

TIN TỐT ĐẸP ngày 17/10: Ông giáo già Ninh Thuận 23 năm cưu mang người neo đơn, trẻ mồ côi

Ông Châu động viên một người cao tuổi trong bữa cơm. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 17/10 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Ông giáo già Ninh Thuận 23 năm cưu mang người neo đơn, trẻ mồ côi’.

Tới thôn La Vang (xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) hỏi về trung tâm Bảo trợ xã hội Trần Châu, ai cũng biết người đàn ông ngoài 60 tuổi đã mua đất xây nhà, cưu mang những phận đời bất hạnh.

Ngồi dưới tán cây, ông Trần Châu (64 tuổi) chia sẻ với Báo Người Đưa Tin, trung tâm bảo trợ xã hội này đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 58 người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa. Mỗi người ở đây có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều không có giấy tờ tùy thân, thậm chí quên cả tên mình.

“Do không có tên, không có hộ khẩu nên những người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm đều không làm được hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước”, ông Châu cho biết.

Về cơ duyên gây dựng trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt này, ông Châu bộc bạch, trước đây ông là giáo viên dạy học ở một trường THCS. Sau giờ lên lớp thì chữa bệnh cho người dân bằng nghề thuốc nam gia truyền. Nhiều người đã âm thầm gửi tiền thuốc thang để cảm ơn.

Năm 1995, số tiền ơn nghĩa đã lên đến 30 triệu đồng. Ông Châu mang lên xã nhờ nhận để giúp đỡ người nghèo. Nhưng xã đã từ chối nên ông đem tiền về nhà mua đất, xây nhà, sắm thêm chăn màn giúp đỡ những người lang thang, cơ nhỡ và gắn bó với trung tâm bảo trợ xã hội của mình cho đến nay.

Với ông Châu, những số phận bất hạnh này như người thân trong gia đình. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Sau khi nhà tình thương đi vào hoạt động, những người kém may mắn tự tìm đến. Thậm chí, có trường hợp người nhà đưa đến trước cổng rồi bỏ đi… ông luôn rộng tay đón nhận những hoàn cảnh bất hạnh đó.

“Khi họ vào trung tâm, trên người không có giấy tờ tùy thân nên ngành chức năng không thể hỗ trợ chế độ trợ cấp cho họ. Bởi vậy, sau khi tiếp nhận, tôi phải đặt tên cho họ theo từng câu ca dao, như: Bầu, Ơi, Thương, Lấy, Bí, Cùng… để tiện xưng hô”, ông Châu kể.

Những em có khuyết tật cũng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Trần Châu. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Theo Báo Ninh Thuận, ngoài chăm sóc cho người không nơi nương tựa, trung tâm còn cưu mang trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật… Những cháu có khả năng phục hồi tốt, các nhân viên sẽ kèm cặp, dạy dỗ và tạo điều kiện để đi học văn hóa.

Được mẹ gửi vào trung tâm nuôi dưỡng từ nhỏ, anh Nguyễn Xuân Hoàng (29 tuổi) nghẹn ngào nói: “Từ lớp 1 cho đến khi đậu vào Trường Cao đẳng Đông Á, tôi được chú Châu hỗ trợ học phí trong suốt các năm học. Tôi cảm thấy bản thân rất may mắn khi được chú Châu cưu mang, nuôi dưỡng”.

Nhân viên Cơ sở bảo trợ Trần Châu hướng dẫn các em nhỏ tại cơ sở học bài. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)

Hằng ngày, để lo cơm ăn, thuốc uống cho những người tại trung tâm, ngoài công việc pha chế nước rửa chén đem đi bỏ mối ở các chợ, làm đại lý gạo, ông Châu còn tăng gia sản xuất trên 2 ha đất, chăn nuôi heo, gà, cá… cải thiện đời sống.

Nhiều năm qua, trung tâm phải nhờ vào nguồn kinh phí của bản thân ông Châu và sự chung tay của các nhà hảo tâm để duy trì hoạt động. Đến nay, 110 bệnh nhân đã phục hồi trí nhớ, trở về với gia đình. Nếu có ai không may qua đời, trung tâm cũng lo an táng tại nghĩa trang thôn La Vang.

Để cải thiện dinh dưỡng, ông Châu và các nhân viên phải tăng gia sản xuất, trông trọt hoa màu trên mảnh đất rộng 2 ha. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung (Ninh Thuận) – một nhà hảo tâm đã đồng hành cùng với trung tâm gần 10 năm xúc động: “Những việc vợ chồng tôi làm chỉ là hạt cát trên sa mạc lớn. Khi đến thăm trung tâm lần đầu tiên, thấy những người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, tôi thấy thương lắm. Vốn đã chịu nhiều thiệt thòi từ lúc mới sinh, vậy mà họ còn bị người thân bỏ rơi”.

Giữa cái nắng, cái gió của vùng đất cằn Ninh Thuận, nhân viên của trung tâm bảo trợ xã hội Trần Châu vẫn chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo bữa ăn đủ chất cho những mảnh đời kém may mắn. Tiếng nói ngây ngô của những đứa trẻ hòa cùng thanh cười trầm ấm của ông “bụt” Trần Châu vang vọng một góc thôn La Vang, xua tan không khí khô nóng chiều tháng 10.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version