Đại Kỷ Nguyên

Thương lái lùng mua gốc cây ngũ sắc, người dân đổ xô lên rừng tìm kiếm

Thời gian gần đây, thương lái lùng mua gốc cây ngũ sắc với giá dao động từ 50.000-200.000 đồng/gốc khiến người dân Lạng Sơn đổ xô lên rừng khai thác gốc đem bán.

Những ngày này, trên địa bàn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan (Lạng Sơn) xuất hiện tình trạng nhiều thương lái vào tận nhà người dân thu mua gốc cây ngũ sắc về làm cây cảnh.

Chia sẻ trên Dân Việt, ông Báo (ở xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan) cho biết tuỳ thuộc vào hình dáng và kích thước của từng gốc cây ngũ sắc, thương lái sẽ đưa ra các mức giá khác nhau. Theo đó, những gốc to và thân hình đẹp, lạ sẽ có giá khoảng từ 80.000-200.000 đồng, còn gốc bé sẽ có giá thấp hơn đôi chút. Những gốc cây này sẽ được thương lái vào tận nhà thu gom sau đó bán cho thương lái ở miền Nam để làm cây cảnh.

Những gốc cây lớn sẽ được thương lái trả giá khoảng 200.000 đồng/gốc. (Ảnh: Dân Việt)

Theo ông Báo, mặc dù giá mỗi gốc cây không quá cao nhưng đang vào thời điểm nông nhàn, người dân lên rừng tìm mỗi ngày cũng đào được vài gốc. Hơn nữa, thương lái lại tới tận nhà mua nên mọi người đổ xô đi tìm kiếm. Nhiều người mỗi ngày cũng kiếm được tới 500.000-700.000 đồng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên thương lái thu mua ồ ạt gốc cây ngũ sắc ở Lạng Sơn. Theo Infonet, hồi cuối năm 2017, nhiều người dân ở các huyện Chi Lăng, Văn Quan cũng đua nhau đi đào gốc cây ngũ sắc để bán cho thương lái, kiếm thêm thu nhập.

Thương lái đang cắt tỉa những gốc ngũ sắc để di chuyển về Bắc Giang. (Ảnh: Dân Việt)

Theo một số người đi tìm cây ngũ sắc, công việc tìm gốc cây ngũ sắc khá vất vả và nguy hiểm nhưng thu nhập cao hơn so với việc đi làm thuê, lao động phổ thông. Tuy chưa có ai làm giàu được từ việc tìm kiếm gốc cây ngũ sắc, nhưng ở vùng thôn quê, vào thời điểm nông nhàn này chẳng có việc gì kiếm tiền dễ hơn việc lên rừng tìm gốc cây ngũ sắc.

Trong đông y, cây ngũ sắc còn có tên gọi khác là cây bông ổi, trâm ổi, tứ quý hoặc mã anh đơn… còn tên khoa học là cây Lantanna camara L, thuộc họ cỏ roi ngựa.

Cây này có tác dụng chữa viêm xoang mũi, hạ sốt, tiêu độc, chứa ngứa gãi, rắn cắn và là thành phần chính trong nhiều thang thuốc đông y chữa trị cho nhiều bệnh. Cây ngũ sắc thường mọc dại ở bãi đất hoang, chân đồi rừng.

Do cây ngũ sắc có hoa nhiều màu sắc khác nhau đẹp mắt và thân già thường có các bìu to sần sùi lạ mắt, tạo thành loại cây cảnh đẹp và lạ. Vì vậy, thời gian qua, loài cây này đang được săn lùng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nguyễn Trang

Exit mobile version