Đại Kỷ Nguyên

Thương lái đau đầu vì giá thùng xốp bảo quản vải thiều tăng chóng mặt

Mùa vải thiều năm nay được mùa và đang vào thời gian thu hoạch rộ. Những ngày này có tới hàng nghìn thương lái ở khắp nơi đổ về Hải Dương và Bắc Giang thu mua vải. Trong khi giá vải khá thấp thì giá các vật dụng bảo quản vải như thùng xốp, đá cây tăng từng ngày.

Theo Lao động, vải thiều loại 1, quả đẹp hoặc trồng theo chuẩn VietGAP, hiện có giá khoảng 13.000-15.000 đồng/kg. Trong khi đó, vải thiều loại 2, loại 3 đạt chưa đến 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ được thu mua giá 5.000 đồng/kg.

Để bảo quản quả vải tươi trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, các thương lái phải dùng đến những tảng đá cây lớn, thả vào bể và nhúng vải trước khi đưa vào thùng xốp để giữ ẩm và độ tươi. Mùa vải năm nay được đánh giá là được mùa nhất trong năm 10 năm qua. Chính vì vậy, thùng xốp và đá cây “ăn theo” quả vải cũng được dịp “hét giá”.

Một chủ cơ sở sản xuất thùng xốp và đá cây cho biết, trung bình mỗi vụ vải, cơ sở của ông sản xuất và bán ra thị trường hàng vạn cây đá và thùng xốp. Đặc biệt, do năm nay mùa vải trúng mùa lớn nên nhiều những vật dụng để bảo quản vải rất đắt khách.

Các thương lái đang thu mua vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) than thở giá mỗi chiếc thùng xốp hiện 80.000 đồng, đắt gấp đôi so với những ngày trước. Ngoài ra, giá 1 cây đá khoảng 50.000 đồng, trong khi những tuần trước đó mỗi cây đá giá chỉ tầm 30.000 đồng.

Lá cây dùng cho vải tươi lâu và giữ màu cũng tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng. Giá nilon, băng keo cũng tăng khoảng 30% so với những tuần trước.

Một thương lái cho biết một thùng xốp giá 80.000 đồng chứa được khoảng 16-18 kg. Nếu cộng thêm tiền đá cây thì tổng chi phí tiền đóng gói đắt ngang với tiền vải.

Mỗi cây đá hiện có giá 50.000 đồng, trong khi những tuần trước đó có giá chỉ khoảng 30.000 đồng. (Ảnh: Infonet)

Ngoài tiền thùng xốp và các vật dụng bảo quản đi kèm, đối với những thương lái chuyển vải sang Trung Quốc tiêu thụ còn mất thêm chi phí vận chuyển bằng ô tô hoặc container và chi phí khấu hao trên đường vận chuyển có thể khiến hoa quả hỏng, dập. Tính ra chi phí đội lên gấp đôi, ba lần so với giá vải thu mua.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vải thiều năm 2018 của tỉnh này có chất lượng cao nhất từ trước đến nay và Bắc Giang luôn coi trọng tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước. Song, thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của vải thiểu Lục Ngạn.

Chia sẻ trên Infonet, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện Lục Ngạn có 15.290 ha vải thiều; trong đó, diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP gần 11.500 ha; 200 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2018, ước sản lượng vải thiều của huyện đạt trên 140.000 tấn. Tính đến hết ngày 16/6, tổng số lượng vải đã thu hoạch tiêu thụ là trên 41.000 tấn. Trong đó, số lượng vải tiêu thụ qua hệ thống siêu thị Big C, Sài Gòn Co.op là hơn 240 tấn; qua Trung Quốc gần 22.000 tấn; xuất sang thị trường Mỹ 1,1 tấn; Hà Lan 0,6 tấn; Úc 2 tấn; Nhật Bản 1,5 tấn…

Nguyễn Trang

Exit mobile version