Đại Kỷ Nguyên

Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm còn 15-17% trong thời gian tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy khi phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) ngày 7/11 tại Đà Nẵng. Hiện tại thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đang đứng ở mức 20%.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đến nay vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”, đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của các quốc gia. Dẫn lời một báo cáo của AmCham Singapore công bố vào tháng 9/2017, ông Phúc cho biết có 56% doanh nghiệp được khảo sát đã coi Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất.

Dẫn tiếp báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Phúc cho biết việc thực hiện các cải tổ kinh tế sâu rộng đã giúp chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7%/năm. Năm 2017, dự kiến GDP tăng 6,7%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên khoảng 2.300 USD (tính theo PPP là khoảng 6.800 USD).

Theo “Báo cáo 2035” của WB công bố năm 2016, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp này.

Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, từ đó làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế thay đổi đó.

Ông Phúc cho biết Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu thông qua việc ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC.

Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP.

“Chúng tôi đã nỗ lực cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh. Đến nay đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP”, Thủ tướng Phúc cho biết.

Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước.

Ngân hàng Thế giới mới đây xếp hạng môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam ở vị trí 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017 đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), trong đó Việt Nam tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Việt Nam cũng là nước kết nối di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh.

Ông Phúc cho rằng với quy mô dân số gần 95 triệu người, cấu trúc dân số trẻ với gần 60% người dân dưới 35 tuổi, thu nhập tăng nhanh, tiêu dùng trong nước đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam bên cạnh khu vực xuất khẩu.

Quang Minh (th)

Exit mobile version