Đại Kỷ Nguyên

Thuế phục vụ chính người dân, tại sao người Việt ghét thuế?

cứ 483 nghìn người dân có một cán bộ thuế

Cứ 483 nghìn người dân có một cán bộ thuế

Mỗi khi xuất hiện một khái niệm mới về thuế, người Việt Nam thường có phản ứng một cách dữ dội. Cớ sao những đề xuất về thuế tài sản hay tăng thuế môi trường đối với xăng dầu mới đây lại gây bất bình đến vậy, mặc dù về nguyên tắc thuế là để phục vụ chính người dân?  

Câu trả lời phần nào đã được giải đáp trong Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố.

Gánh nặng thuế của người Việt

Theo báo cáo của VEPR, thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước của Việt Nam với mức trung bình là 80% trong giai đoạn 2006-2016. Tuy nhiên, nguồn thu không phải thuế (chủ yếu phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác) đang ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ mức 18% năm 2006 lên 26,7% năm 2016.

Dẫu vậy, thuế vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Thời phong kiến, khi thực dân Pháp vẫn còn đô hộ, Việt Nam có 2 loại thuế là thuế đinh (thuế thân) và thuế điền. Đến giai đoạn 1951-1990, các loại thuế chính có Thuế nông nghiệp, thuế môn bài, thuế công thương nghiệp, thuế trước bạ, thuế muối, thuế rượu.

Từ năm 1990 xuất hiện những cải cách về thuế và đến nay Nay Việt Nam có các loại tương đối tương đồng với hầu hết các nước. Theo thống kê, tính đến giai đoạn 2010-2017, Việt Nam có các loại thuế chính như Thuế giá trị giá tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế môn bài và lệ phí trước bạ.

Việt Nam hiện có hàng chục loại thuế chính. (Nguồn: VEPR)

Với số lượng các loại thuế trên, có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có “sưu cao thuế nặng”, nhưng cũng có người cho rằng hệ thống thuế đang có cải cách.

Gánh nặng về thuế còn được thể hiện qua số lượng cán bộ thuế. Theo số liệu tính đến năm 2016, ngành thuế Việt Nam có khoảng 45.000 cán bộ, nghĩa là cứ 483 nghìn người dân có một cán bộ thuế. Con số này tương đối cao so với các nước.

Trong khi đó, để thu được 100 đồng tiền thuế, ngân sách nhà nước phải bỏ ra 2,4 đồng để thực hiện thu thuế. Con số này của Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với Bangladesh – quốc gia có chi phí thu thuế gần với mức trung bình của các nước OECD (khoảng 1%).

Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính đã ra chủ trương sáp nhập lại ngành thuế, đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm được 10% số nhân viên của ngành và giảm 200 chi cục thuế.

Người Việt dị ứng với thuế, sao nước khác lại không?

Tính đầy đủ về nguồn thu thuế (như số lượng người nộp thuế, nguồn thu tài nguyên, số thu thuế) trong Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam có điểm khá cao, nhưng tính minh bạch trong quản lý thuế còn tương đối thấp.

Chẳng hạn, các yêu cầu về thủ tục giấy tờ thuế thì công khai, nhưng quy trình liên quan đến đánh giá thất thu thuế ít công khai, thông tin liên quan đến trách nhiệm nộp thuế rất khó tiếp cận (như số lượng doanh nghiệp nộp thuế, số doanh nghiệp được miễn giảm thuế, số người nộp thuế thu nhập…)

Theo báo cáo, tính minh bạch ngân sách của Việt Nam rất kém. Tính đến năm 2016, Việt Nam còn thua cả Campuchia về mức độ minh bạch ngân sách.

Mức độ công khai ngân sách của Việt Nam. (Nguồn: VEPR)

Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu của VEPR, khi trình bày báo cáo đặt câu hỏi: Tại sao người Việt Nam ta phản ứng một cách dữ dội về bất kỳ một khái niệm tăng thuế nào? Câu trả lời ông đưa ra là vì người dân chưa cảm nhận được việc đóng thuế được hưởng lợi gì hay không hưởng lợi gì.

“Tại sao người dân phản ứng mạnh như vậy trước bất kỳ việc tăng thuế nào? Về nguyên tắc họ được hưởng lợi, tại sao chính họ lại phản đối? Chính là vì tính minh bạch trong sử dụng ngân sách không cao,” TS. Cường giải thích.

Đại diện của VEPR cho rằng nếu minh bạch, người dân thấy có lợi ích thì họ sẽ muốn tăng thuế. Ví dụ, chúng ta hiện nay có thuế bất động sản. Một người sẽ sẵn sàng đóng 1 triệu đồng tiền thuế bất động sản nếu không phải đóng tiền xây dựng trường cho con nữa.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường trình bày tại hội thảo. (Ảnh: ĐTN)

Việc phản ứng dữ dội trước mọi đề xuất tăng thuế dường như đang trở thành bản chất của người Việt Nam, cái gì cũng phản đối, nhưng tại sao các nước khác họ có thể thu nhiều thuế như vậy? TS. Cường cho rằng một trong những lý do là vì họ giải thích rõ vấn đề tăng thuế.

Một lý do nữa cho thấy tính công bằng thu thuế của Việt Nam không cao, đó là Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đang tăng lên. VEPR dẫn báo cáo của VCCI cho biết năm 2015 có đến 65% số doanh nghiệp nói rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra. Tỷ lệ này năm 2016 giảm nhưng vẫn ở mức cao là 58%.

Còn theo chỉ số PAPI, cảm nhận và trải nghiệm của người dân về kiểm soát tham nhũng và công khai, minh bạch vẫn không có nhiều thay đổi từ năm 2011-2016.

Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam chỉ kém có Malaysia và Brunei.

Mức độ cảm nhận tham nhũng của người dân tại Việt Nam. (Nguồn: VEPR)

TS. Cường cho rằng điều này ảnh hưởng đến tính sẵn sàng nộp thuế của người dân. Họ chỉ sẵn sàng nộp thuế khi cảm thấy khoản nộp thuế của họ được sử dụng công khai và minh bạch.

Người dân không có tiếng nói trong những văn bản dưới luật

Báo cáo của VEPR cũng nêu ra thực trạng về sự tham gia của dân trong hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, sự tham gia của người dân trong làm chính sách rõ ràng có trong luật.

Tuy nhiên, TS. Vũ Sỹ Cường cho biết thực tế thì dưới luật còn có các văn bản pháp lý khác. Do đó, tại Quốc hội có thể thấy các đại biểu thảo luận rất sôi nổi về mọi vấn đề để xây dựng luật, nhưng đến những văn bản dưới luật thì sự tham gia của người dân lại rất hạn chế.

Lấy ngay ví dụ về câu chuyện đang làm nóng nghị trường là việc “thu giá” hay “thu phí”. Ông Cường cho rằng trong luật không có bất kỳ từ nào nói về việc “thu giá”, nhưng nó có ở văn bản dưới luật, không kiểm soát được.

“Trong tiếng Việt không có từ thu giá, nó không có nghĩa gì, cực kỳ phản tiếng Việt, nhưng nó không có trong luật mà ở văn bản dưới luật. Do đó sự tham gia của người dân vào văn bản dưới luật như các thông tư, nghị định là rất hạn chế. Điều này tạo ra bức xúc nhất định trong xã hội,” ông Cường đánh giá.

Cũng vì điều này, kết quả chấm điểm khung pháp lý của Việt Nam đạt điểm số rất cao, nhưng thực tiễn tham gia lại là điều cần cải thiện.

Minh Tuệ

Exit mobile version